Startup công nghệ Việt và bài toán về nguồn nhân lực

Ngọc Diệp| 26/10/2022 06:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Môi trường khởi nghiệp của Việt Nam rất năng động và đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện một trong những thách thức lớn đối với các startup công nghệ Việt.

Theo báo cáo "Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á -Thái Bình Dương 2022" do Ngân hàng HSBC và công ty KPMG, Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á.

Trong khi đó, báo cáo "Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam" năm 2022 cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn rót vào thị trường và số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp đang hoạt động.Trong đó, các ngành hàng: thương mại điện tử (e-commerce), công nghệ tài chính (fintech), công nghệ y tế (medtech), công nghệ giáo dục (edtech), truyền thông trực tuyến (online media), và các giải pháp số cho doanh nghiệp (DN) được dự báo sẽ tạo bứt phá trong thu hút đầu tư.

Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Theo Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện đã có khoảng 3.800 công ty khởi nghiệp (startup), và 11 startup được định giá trên 100 triệu USD. Hiện có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có 4 kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD) gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis. Năm 2021, vốn đầu tư vào startup đạt mốc kỷ lục gọi vốn 1,35 tỷ USD, biến Việt Nam trở thành thung lũng khởi nghiệp hấp dẫn bậc nhất trong khu vực. Trong đó, những thương vụ lớn gây ấn tượng mạnh với thị trường như: Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD, VNLife 250 triệu USD, Sky Mavis 152 triệu USD, MoMo 100 triệu USD, Equest 100 triệu USD…

Startup công nghệ Việt và bài toán về nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư vào startup Việt Nam

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ: "Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng".

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang bước vào giai đoạn phát triển thứ ba, đó là giai đoạn toàn cầu hóa. Bất kể quy mô, nguồn nhân lực là một trong những thách thức lớn đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ. Do giai đoạn khởi nghiệp thiếu nguồn lực tài chính nên DN chưa thu hút và giữ được nhân tài, chưa quan tâm đầu tư cho hệ thống và xây dựng văn hóa DN,… 90% các công ty khởi nghiệp thất bại trong năm đầu tiên và "khủng hoảng nhân sự" khiến các công ty phải đóng cửa trước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại này.

Tài năng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam

Nhu cầu về lao động có kỹ năng cao

Theo khảo sát của Navigos Group về nhân lực của các startup Việt Nam thì nhu cầu tuyển dụng cho startup đang tăng cao, 53% có nhu cầu tuyển dụng trong 3 tháng đầu thành lập, 17% có nhu cầu tuyển dụng sau 3 - 6 tháng tiếp theo. Đáng chú ý là nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao đang tăng trở lại. Theo Navigos, mức lương cho các nhân sự chuyên nghiệp thường rất cao nhưng thu hút và sử dụng được họ lại là bài toán khó với các nhà khởi nghiệp. Ngoài yếu tố khan hiếm thì nguồn lực này cũng tiêu tốn khá nhiều công sức và thời gian của DN để có thể phát huy hết thế mạnh của họ.

Ngoài ra, nhiều kỹ sư trong số này đang xem xét các cơ hội ở nước ngoài. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018 cho thấy 57% các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực công nghệ AI hoặc blockchain sẽ chuyển ra nước ngoài nếu có cơ hội. Chẳng hạn, lĩnh vực lập trình trò chơi, một lĩnh vực nóng góp phần tạo nên hai kỳ lân của Việt Nam là VNG và Sky Mavis, cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự đáng kể. Theo Statista, chỉ có khoảng 25.000 nhân viên trong lĩnh vực game tại Việt Nam, đây là một sự thiếu hụt lớn so với nhu cầu của thị trường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã thành lập các chuyên ngành mới như khoa học dữ liệu và AI (như Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội), khoa học dữ liệu (Trường ĐH Quốc tế TP. Hồ Chí Minh) và xây dựng các chương trình dạy nghề tập trung vào đào tạo các kỹ năng số. Tuy nhiên, những sáng kiến này mới chỉ bắt đầu được triển khai vào năm 2019 và chưa tạo ra sự thúc đẩy đáng kể trong nguồn cung nhân tài công nghệ để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân tài công nghệ trong hệ sinh thái công nghệ đang phát triển nhanh chóng.

Việc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao dẫn đến việc các DN phải cạnh tranh để giành giật nhân tài, khiến các startup với đãi ngộ còn hạn chế càng khó thu hút được nhân sự.

Tài năng trẻ

Việt Nam tự hào có một lực lượng lao động trẻ, đông đảo. Khảo sát 25.000 thanh niên thế hệ Z trên toàn quốc từ 93 trường ĐH cho thấy 34% thanh niên sẵn sàng tham gia khởi nghiệp hoặc tự khởi nghiệp; 8% cho rằng không cần làm việc cho công ty, làm việc bán thời gian thì tốt hơn; 14 % thích làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận; số thanh niên còn lại không còn "mê" làm việc cho các DN nước ngoài như thế hệ trước và sẵn sàng lựa chọn các DN trong nước.

Ngoài ra, lực lượng lao động trẻ dồi dào là một lợi thế đáng kể, do các bạn trẻ có khả năng thích ứng nhanh.

Thu hút nguồn nhân lực quốc tế

Với tình trạng khan hiếm lao động, các DN không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực trong nước mà còn từ nước ngoài. Việt Nam không hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài, nhưng các quy định hiện hành có những bất cập như không có cơ chế cho lao động nước ngoài về thử việc và cấp giấy phép lao động. Quy định hiện hành đối với người lao động nước ngoài có hợp đồng làm việc tối đa là hai năm và không có hợp đồng không xác định thời hạn. 

Ngoài ra, không có thị thực cho các startup nước ngoài vào Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam thường phải xin visa công tác (thường tối đa 3 tháng) với các hạn chế nhập cảnh. Điều này gây khó khăn cho việc thu hút các chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực công nghệ.

DN có thể làm gì để thu hút và giữ chân nhân viên?

Có mục tiêu và giá trị DN rõ ràng

Hầu hết khi mới thành lập, nhân viên cảm thấy rằng DN thiếu định hướng và các quy trình kinh doanh không được xác định rõ ràng. Do đó, tinh thần của nhân viên bị ảnh hưởng và có thể dẫn đến những xung đột trong nội bộ. Xây dựng cho DN khởi nghiệp phát triển bền vững là phải biết định hướng chiến lược lâu dài.

Và điều rất quan trọng đối với một startup là phải truyền đạt mục tiêu đó đến nhân viên để họ nhân viên biết được mục tiêu và giá trị của tổ chức. Mọi startup đều cần có mục tiêu kinh doanh và văn hóa DN.

Các lựa chọn tuyển dụng đa dạng

Các startup nên thuê ngoài các chức năng liên quan tới nhân sự, đặc biệt nếu đó không phải là năng lực cốt lõi của họ; phần lớn các startup Việt Nam gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề về nhân sự. Một giải pháp đơn giản cho vấn đề này là thuê ngoài. Thu hút nhân tài và tuyển dụng một cách chiến lược là một trong những thách thức. Thách thức này có thể được giải quyết bằng cách đa dạng hóa các kênh tuyển dụng khác nhau theo yêu cầu của startup như trên các kênh thông tin trực tuyến, qua mạng xã hội, trong mạng lưới startup hoặc từ trường ĐH…

Những điều quan trọng

Tìm kiếm tài năng phù hợp cho một startup là một bước quan trọng để vận hành DN thành công. Các startup công nghệ nên tuyển dụng nhân viên phù hợp cho từng giai đoạn và chức năng, đồng thời họ nên cân bằng các rủi ro. Để thúc đẩy phát triển các startup, chính phủ Việt Nam cần chú trọng kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp là chính sách của Chính phủ và nguồn nhân lực./.

Bài liên quan
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup công nghệ Việt và bài toán về nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO