Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới

Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trung tâm Internet Việt Nam| 30/11/2021 09:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Internet ngày nay đã trở thành nền tảng thiết yếu cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời có nhiều biến đổi, làm nảy sinh các thách thức đặt các quốc gia trước yêu cầu chiến lược giai đoạn mới để hưởng lợi từ việc phát triển, khai thác Internet nhưng giải quyết tốt vấn đề đảm bảo lợi ích quốc gia, độc lập chủ quyền.

Sự phát triển và thay đổi của Internet toàn cầu

Xuất hiện tại Mỹ từ những năm 1970 nhưng kể từ 1990, khi trở thành mạng công cộng, Internet phát triển như vũ bão, tạo ra cuộc cách mạng về phương thức truyền thông, thương mại và thâm nhập vào cuộc sống con người đến mức được coi như một nhu cầu trong tháp nhu cầu thiết yếu Maslow.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, mất 46 năm để cung cấp điện cho 30% nước Mỹ nhưng chỉ mất 7 năm để đạt được mức độ tương tự đối với Internet. Năm 2005, 68% người Mỹ trưởng thành và 90% thanh thiếu niên Mỹ đã sử dụng Internet. Đến năm 31/3/2021, ước tính có khoảng 5.168.780.607 tỷ người, chiếm 65,6% dân số thế giới truy cập Internet. Internet tạo ra môi trường để con người làm việc, tương tác xã hội và cũng tạo ra quá nhiều thay đổi khi cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ đưa công nghệ vào cuộc sống hàng ngày.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng, thâm nhập sâu rộng vào mọi khía cạnh cuộc sống, bản thân mạng Internet toàn cầu cũng biến đổi, tạo ra các thách thức và nhu cầu phải thay đổi theo của các quốc gia, đó là:

a) Sự chuyển đổi về công nghệ - Thế hệ Internet mới IPv6

Internet với giao thức IPv4 được bắt đầu thiết kế từ năm 1970 và chính thức chuẩn hóa thành RFC vào năm 1981 với không gian địa chỉ hạn chế 32 bits (chỉ đánh số được 232 thiết bị, bắt đầu cạn kiệt từ năm 2011). Thế hệ địa chỉ mới IPv6 đã sớm được nghiên cứu từ năm 1994 để thay thế IPv4. Năm 1998, giao thức IPv6 được chính thức công bố, chuẩn hóa thành RFC với không gian địa chỉ 128 bits (đánh số được 2128 thiết bị, số lượng vô cùng lớn).

Mạng Internet toàn cầu chính thức chuyển đổi sang IPv6 vào ngày 6/5/2011 với sự tham gia của các công ty lớn như Google, Facebook, Apple, Amazon, AT&T, Comcast, T-Mobile, Verizon Wireless ... Để theo kịp xu thế chung, từ năm 2008, nhiều quốc gia xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi Internet trong nước sang IPv6 theo lộ trình chung của thế giới, tập trung vào nhóm ISP, ICP và Cơ quan Chính phủ. Tiêu biểu vào ngày 19/10/2020, Chính phủ Mỹ chính thức yêu cầu các CQNN đẩy mạnh việc chuyển đổi sang IPv6, loại bỏ thế hệ cũ IPv4, năm 2021 phải ban hành được kế hoạch chuyển đổi thuần IPv6, đến hết 2025 phải chuyển được ít nhất 80% hoạt động thuần IPv6.

Sau 10 năm chính thức chuyển đổi, đến tháng 10/2021 tỷ lệ chuyển đổi Internet toàn cầu sang IPv6 đạt hơn 30%, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ nhất đạt 73,93%, Việt Nam đứng thứ 10 với tỷ lệ 45%. Dự báo sau năm 2025, IPv4 được tắt dần hoạt động và Internet toàn cầu sẽ chuyển đổi sang công nghệ thuần IPv6 (IPv6 only). 

Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới - Ảnh 1.

Tăng trưởng tỉ lệ ứng dụng IPv6 trên Internet toàn cầu

b) Thay đổi của các giao thức Internet, tăng cường bảo mật, riêng tư

Các giao thức Internet ban đầu được thiết kế không mã hóa (plaintext), nhưng hiện nay đều được chuyển sang giao thức mã hóa để bảo mật thông tin. Tiêu biểu gần đây các hãng trình duyệt web đã đánh dấu “none-secure” các trang web sử dụng giao thức http (không mã hóa), khiến các website đều phải mua chứng thư số của các CA công cộng để chuyển đổi sang giao thức mã hóa https, tạo niềm tin cho người sử dụng.

Bên cạnh việc mã hóa, vấn đề quyền riêng tư (privacy) cũng được đề cập trong thiết kế các giao thức Internet, ví dụ DNS được thay đổi sang DNSSEC, tiếp theo đó là DoH, DoT để giải quyết vấn đề secure và privacy. Ngày 8/12/2020, Cloudflare, Apple, Fastly công bố đề xuất giao thức mới Oblivious DNS-over-HTTPS (ODoH) cho DNS với mục tiêu giải quyết tính riêng tư, bảo mật của việc truy cập tên miền, ẩn giấu thông tin người dùng, chống “nghe trộm” từ các hệ thống trung gian, các ISP.

Giao thức mới đã được áp dụng trên hệ thống DNS của Cloudflare tại địa chỉ 1.1.1.1 và hỗ trợ trên các trình duyệt web phổ biến, có nghĩa nếu người dùng cấu hình trình duyệt web sử dụng máy chủ DNS trên thì sẽ bỏ qua được các hệ thống chặn lọc tên miền trên DNS, và các ISP sẽ không biết người dùng truy cập tên miền nào [1]. Các công ty công nghệ lớn cũng cung cấp giải pháp truy cập Internet riêng tư sử dụng các ứng dụng VPN cài đặt trên máy tính, smartphone, tablet như Kaspersky VPN, CloudFlare 1.1.1.1 ... với các hình thức miễn phí, trả phí. 

c) Thay đổi, mở rộng của cấu trúc, không gian tên miền Internet

Hệ thống tên miền (domain name) là trái tim của hoạt động Internet. Trong suốt 30 năm đầu của Internet, cấu trúc hơn 20 đuôi tên miền cấp cao dùng chung (gTLD Top level domain) dưới tên miền tên gốc (root) như .com, .net, .org... dường như cố định. Đến 12/01/2012, ICANN thay đổi hoàn toàn cấu trúc này bằng Chương trình New gTLD(2), mở rộng không giới hạn gTLD với đa ngôn ngữ. Ưu điểm của New gTLD là khả năng mở rộng vô hạn và sự gợi nhớ đến thương hiệu, địa danh nổi tiếng. Các công ty, tổ chức có thể đăng ký các Top level domain theo các thương hiệu (ví dụ: .starbuck, .vodafone) hoặc địa danh.

Mặc dù có quy định không chuyển giao các tên miền trùng với tên quốc gia, xung đột về tôn giáo, chính trị... nhưng New gTLD vẫn làm nảy sinh các xung đột, bất đồng quan điểm giữa ICANN và Chính phủ có quyền lợi liên quan, ví dụ như trường hợp ICANN chấp nhận cấp tên miền .Shangrila mặc dù Trung Quốc có ý kiến phản đối do Shangrila là một quận của tỉnh Yunnan, Trung Quốc; ICANN cấp các tên miền .wine và .vin dù có ý kiến phản đối từ chính phủ Luxembourg.

Trong đợt 1, có 1.930 yêu cầu đăng ký New gTLD (gồm cả mã ASCII và đa ngữ). Hiện tại, ICANN đã đưa vào hoạt động 1.239 đuôi New gTLD. Tính đến tháng 6/2021, có 25,7 triệu tên miền cấp dưới New gTLD đã đăng ký sử dụng (ntldstats.com). New gTLD đã tạo ra sự thâm nhập lớn của tên miền dùng chung trong hoạt động Internet nhưng có tốc độ tăng trưởng không ổn định. Nhiều new gTLD được cho là phần lớn tên miền đăng ký cho mục đích spam, phishing. 

Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng của tên miền cấp cao dùng chung mới (New gTLD)

Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới - Ảnh 3.

Thị phần các đuôi tên miền New gTLD

Tại Việt Nam, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Cục Viễn thông đã báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, theo dõi chặt chẽ quá trình triển khai Chương trình New gTLD của ICANN, đồng thời xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam (quy định tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP). Nếu việc đăng ký, sử dụng New gLTD vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam (ví dụ tên miền là tên quốc gia, mã quốc gia Việt Nam; tên miền là tên địa danh, tên các địa bàn thuộc khu vực biên giới biển, đất liền, trên không của Việt Nam; tên miền là tên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương....) thì Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có thẩm quyền sẽ thực hiện biện pháp phản đối tới ICANN hoặc các tổ chức quản lý tên miền cấp cao quốc tế.

d) Mô hình quản lý Internet Đa thành phần (Multistake Holder)[3]

Do phát minh ra Internet, Mỹ có vai trò quản lý mang tính lịch sử đối với hệ thống tên miền và số (IP) gốc của Internet. Trung Quốc và Nga đã từng đề xuất Liên Hiệp Quốc kêu gọi đặt hệ thống tên miền gốc và DNS dưới sự quản lý của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ luôn thể hiện quan điểm phát triển mô hình Internet mở, không có sự can thiệp của các Chính phủ vào hoạt động Internet.

Ngày 10/3/2016, ICANN và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ký một thỏa thuận lịch sử. Mỹ chuyển giao quyền quản lý các chức năng hệ thống kỹ thuật cốt lõi của Internet (chức năng IANA) cho ICANN, được xem là tổ chức đại diện các nhóm đa thành phần toàn cầu (Multistake holder), phát triển Internet mở, bình đẳng đảm bảo 4 nguyên tắc: (1) hỗ trợ và tăng cường mô hình đa thành phần; (2) duy trì an ninh, tính ổn định và tính bền vững của hệ thống DNS Internet; (3) đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người sử dụng toàn cầu và đối tác cung cấp dịch vụ IANA; (4) duy trì tính mở của Internet.

Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới - Ảnh 4.

Mặc dù trong các tuyên bố của mình, ICANN nhấn mạnh rằng Chính phủ các nước đóng vai trò quan trọng trong mô hình Đa thành phần, tuy nhiên thực tế, Chính phủ chỉ là một trong số các thành phần của mô hình Multistake holder. ICANN có xem xét tới ý kiến của đại diện Chính phủ (thông qua GAC, một Ủy ban tư vấn của ICANN) nhưng quyền quyết định chính sách thuộc về Ban điều hành ICANN. Trên thực tế, có nhiều vấn đề GAC lên tiếng không đồng tình nhưng chính sách vẫn được triển khai (như việc triển khai ẩn giấu thông tin WHOIS tên miền quốc tế; cho cấp tên miền cấp 2 dưới New gTLD là mã quốc gia ISO 3166; lặng lẽ điều chỉnh quy tắc về đăng ký tên miền .ORG vốn chỉ dành cho các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận phục vụ cho các lợi ích công cộng).

Sự hạn chế trong hiệu lực về quan điểm, ý kiến của các Chính phủ đối với vấn đề chính sách liên quan đến tài nguyên Internet làm dấy lên nhiều quan ngại về cách thức duy trì mô hình chính sách và sự tường minh của ICANN. 

Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới - Ảnh 5.

Mô hình Internet đa thành phần (www.isoc.org)

Phát triển, bảo vệ Internet ở các quốc gia

Internet là thành quả của nhân loại, được đại đa số các nước mở cửa đón nhận để kết nối toàn cầu, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ trực tuyến. Các quốc gia đều có tên miền cấp cao mã quốc gia (ccTLD) riêng, thiết lập cổng kết nối quốc tế, phát triển các trạm trung chuyển lưu lượng Internet (IX) để tối ưu lưu lượng trong nước, thành lập các NIC quốc gia (Network Information Center) để quản lý, cấp phát tài nguyên, quản lý vận hành hệ thống DNS quốc gia, thúc đẩy phát triển Internet, tham gia các hoạt động quốc tế về Internet.

Gần đây, để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên mạng Internet, một số nước lớn đã có những chiến lược, kế hoạch dài hạn, quy mô, các hoạt động tiêu biểu:

1- Tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế, diễn đàn về chính sách Internet để can thiệp, bảo vệ quyền lợi quốc gia như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các nước Tây Âu, Liên minh châu Âu ...

2- Tham gia vào các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn viễn thông, Internet: đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, giao thức Internet mới. Đứng đầu thế giới vẫn là Mỹ với 4957 đề xuất tiêu chuẩn, EU đứng thứ 2 với 2826 đề xuất, Trung Quốc có 1429 đề xuất đứng thứ 3. Khu vực châu Á tiêu biểu là Trung Quốc (1429), Hàn Quốc (356), Nhật Bản (514), Ấn Độ (373). 

Các đề xuất sẽ được Ủy ban kiến trúc Internet IAB và IETF (Internet Enginering TaskForce) rà soát, ban hành thành các chuẩn giao thức Internet (RFC) áp dụng trên Internet. Các nước xây dựng RFC nhiều nhất là Mỹ (2724), EU (1140), Nhật (226), Anh (222), Đức (209), Trung Quốc (189), sau đó là Canada (179), Pháp (179), Thuỵ Điển (113), Phần Lan (92), Ấn Độ (79).

3- Xây dựng các phương án kỹ thuật để đảm bảo kết nối Internet trong nước trong bối cảnh bị ngắt kết nối Internet toàn cầu. Vừa qua, Nga đã ban hành luật Chủ quyền Internet Nga (RuNet) để kiểm soát hoạt động Internet với mục tiêu là quản lý nội dung Internet, đồng thời đảm bảo Internet Nga hoạt động bình thường trong trường hợp cần ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu. Chính phủ Nga chỉ định Roskomnadzor (Federal Service for Supervision of Communications, Information Technology and Mass Media) có thẩm quyền thực hiện phương án ngắt mạng Internet của Nga ra khỏi mạng Internet toàn cầu, trong trường hợp cần thiết. [4]

Phát triển Internet Việt Nam bền vững, hiện đại

Việt Nam chính thức kết nối vào mạng Internet toàn cầu vào ngày 19/11/1997. Sau gần 24 năm kết nối Internet, với các chính sách hiện đại, cởi mở, Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ.

Tháng 1/2021, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam là 68,72 triệu (trong tổng số 97,8 triệu dân số), tỷ lệ sử dụng Internet là 70,3%. Việt Nam nằm trong top các quốc gia có giá cước Internet rẻ nhất thế giới, xếp thứ 6 tại khu vực châu Á, thứ 12 trên thế giới và số 1 tại khu vực Đông Nam Á.

a) Phát triển về hạ tầng mạng

- Đến tháng 10/2021, có 490 hệ thống mạng sử dụng IP/ASN độc lập kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam, gồm: Các doanh nghiệp ISP (Viettel, VNPT, FPT, CMC, Mobifone, Netnam...); mạng của các cơ quan nhà nước, chính phủ; các doanh nghiệp nội dung CDN, trung tâm dữ liệu IDC, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học... Các mạng trong nước kết nối với nhau thông qua các ISP và qua Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.

- VNIX được thành lập năm 2003, giải quyết bài toán kết nối giữa các doanh nghiệp lớn và hiện nay đang hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nội dung trực tuyến. Tính đến tháng 10/2021, có 03 điểm VNIX tại Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng và 01 điểm mở rộng tại VNPT Tp HCM.

- Hệ thống máy chủ tên miền quốc gia DNS .VN là hệ thống dẫn hướng cho các dịch vụ, ứng dụng Internet, trái tim của Internet Việt Nam. Hệ thống DNS quốc gia .VN do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) quản lý. Gần đây, VNNIC đã đàm phán thành công với các tổ chức quản lý máy chủ tên miền gốc để triển khai hệ thống DNS gốc (DNS Root) tại các điểm VNIX giúp hỗ trợ truy cập dịch vụ tên miền không phụ thuộc vào các máy chủ DNS gốc đặt tại nước ngoài và tăng tốc độ truy vấn tên miền “.vn” 5-10 lần.

- Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã phát động chương trình: “Mỗi tuần một nền tảng” nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các ứng dụng, nền tảng, dịch vụ số “Make in Viet Nam” để phát triển hệ sinh thái số làm cho Internet Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

b) Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động với IPv6

Đón trước xu thế phải chuyển đổi sử dụng IPv6, Bộ TTTT đã sớm triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi Internet Việt Nam sang IPv6, ban hành và triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011 - 2019). 

Tháng 10/2021, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 45%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 toàn cầu. Dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng (34 triệu thuê bao di động và 11 triệu thuê bao FTTH). Việt Nam đã chuyển đổi thành công Internet sang IPv6, là một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi IPv6, được ghi nhận, đánh giá cao tại khu vực và quốc tế.

Với mục tiêu định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan nhà nước chuyển đổi thành công IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin, đảm bảo phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, ngày 14/01/2021, Bộ TTTT đã ban hành, công bố “Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình IPv6 For Gov). Tính đến tháng 10/2021, đã có 45/63 tỉnh, thành phố; 10/27 Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ ban hành và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi IPv6. 18 Cổng TTĐT/ Cổng DVC của Bộ, ngành, địa phương đã hoạt động tốt với IPv6

Để phát triển hạ tầng số, mục tiêu “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)” đã được xác định theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Phát triển tên miền quốc gia .vn

Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đã tăng trưởng mạnh mẽ, quản lý tốt, góp phần tích cực trong phát triển Internet Việt Nam. Tháng 6/2021, tổng số tên miền “.vn” đạt 536,076, tỉ lệ tương quan với tên miền quốc tế tại Việt Nam là 51/49 (%). Liên tục 10 năm kể từ 2012, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đứng đầu khu vực Asean về số lượng đăng ký sử dụng. Với tỉ lệ 60% tên miền có website, tên miền “.vn” góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế, thương mại điện tử và các hoạt động thông tin trên mạng.

Bên cạnh các kết quả phát triển, Internet Việt Nam cũng còn tồn tại một số điểm còn hạn chế như:

- Băng thông Internet trong nước và quốc tế còn có sự chênh lệch lớn. Tỷ lệ dịch vụ nội dung, Cloud trong nước còn rất thấp, dịch vụ nội dung trong nước ít, truy cập nước ngoài là chính. Việc sử dụng điện toán đám mây nước ngoài vẫn còn phổ biến. - Thiếu các nền tảng phân phối nội dung hiệu quả (CDN), anti DDOS.

Hiện nay ở Việt Nam các doanh nghiệp có cung cấp nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu hợp tác kinh doanh các nền tảng nước ngoài (Akamai, AWS, Google ...). Việc trẻ em truy cập Internet ở Việt Nam rất phổ biến, thuận tiện, nhưng hiện đang thiếu nền tảng, dịch vụ giúp cho phụ huynh thiết lập các chính sách lọc, không cho phép truy cập các nội dung không phù hợp; truy cập Internet theo giờ, giám sát, cảnh báo.

- Lạm dụng tên miền quốc tế thực hiện hành vi vi phạm. Lợi dụng chính sách bảo vệ quyền riêng tư và dịch vụ che giấu thông tin chủ thể (privacy) của các doanh nghiệp nước ngoài, một số lượng lớn tên miền quốc tế được đăng ký tại nước ngoài với mục tiêu thực hiện các hành vi vi phạm, cung cấp dịch vụ game bài trực tuyến, cờ bạc trái phép trên mạng. Do vậy cần tiếp tục củng cố và thắt chặt các quy định về quản lý tên miền quốc tế, cũng như tăng cường các hoạt động thanh kiểm tra việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” trong hoạt động CNTT, dịch vụ trên môi trường mạng là một biện pháp hữu hiệu, triệt để, lâu dài nhằm góp phần đảm bảo an ninh an toàn thông tin mạng.

Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới - Ảnh 6.

- Việt Nam còn ít tham gia xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ Internet. Các doanh nghiệp, viện, trường đại học lớn ở Việt Nam hiện chưa quan tâm đầu tư, có các đại diện tham gia thường xuyên diễn đàn và các nhóm làm việc (Working Group) của IETF để xây dựng, phát triển tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật cho Internet; chúng ta chưa có đề xuất tiêu chuẩn nào về Internet, IoT trong khi đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đầu tư và làm rất tốt nhiệm vụ này.

Cũng như các quốc gia, Internet Việt Nam đứng trước các yêu cầu về hiện đại hóa, chuyển đổi công nghệ cũng như các thách thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Điều này có thể thực hiện được thông qua chiến lược nâng tầm hoạt động của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối; dịch vụ nội dung trong nước; thúc đẩy sử dụng tài nguyên quốc gia; xây dựng hệ sinh thái đảm bảo khả năng hoạt động của Internet độc lập. Dưới đây là một số nội dung góp phần phát triển bền vững, đảm bảo an toàn mạng Internet Việt Nam:

- Phát triển hạ tầng, nền tảng Internet trong nước. Phát triển các mạng độc lập trên Internet Việt Nam; Tăng cường kết nối tới điểm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX). Đây là điều kiện cần thiết để triển khai peering trao đổi lưu lượng trong nước tối ưu, tạo điều kiện chủ động cho cơ quan, tổ chức kết nối với các ISP, VNIX một cách linh hoạt. Phát triển các IDC, đặc biệt IDC trung lập, Cloud, các nền tảng CDN, Anti DDOS, các nền tảng ATTT, các dịch vụ số trong nước đủ năng lực phục vụ nhu cầu người sử dụng trong nước, cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài. Chuyển dịch các hệ thống CNTT, dịch vụ hosting tại nước ngoài về Việt Nam, đồng thời sử dụng hệ thống DNS trong nước nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Tiếp tục thực hiện thành công việc chuyển đổi Internet Việt Nam sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 vào 2025; Tiếp tục công tác hiện đại hóa hạ tầng, mạng lưới CQNN, song hành với việc chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CQNN. Triển khai thành công chương trình chuyển đổi IPv6 cho CQNN (IPv6 for Gov). Tới năm 2025, 100% Bộ, Ngành, địa phương ban hành và thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi IPv6. Mô hình mạng của các Bộ, ngành, địa phương hiện đại, theo mô hình tham chiếu đã được Bộ TTTT hướng dẫn để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Hoàn thành chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang thế hệ mới IPv6 sử dụng thuần IPv6 để đảm bảo sự phát triển bền vững và sự phát triển mạng băng rộng. Toàn bộ hạ tầng DNS quốc gia, VNIX chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6. Tên miền và các dịch vụ trực tuyến trên tên miền .VN, các thành viên kết nối VNIX sử dụng IPv6, 100% người sử dụng Internet truy cập qua IPv6.

- Phát triển, phổ cập tài nguyên Internet Việt Nam.

Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là đại diện hình ảnh quốc gia trên môi trường mạng, cần được mở rộng không gian phát triển, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số. 

Quá trình ICANN phát triển New gTLD cho thấy, sự thay đổi cấu trúc tên miền, việc mở rộng không gian là tất yếu của quá trình phát triển. New gTLD tạo ra các cạnh tranh, các vấn đề xung đột nhưng cũng tạo nên sự đa dạng hóa trong không gian tên miền dùng chung, đặc biệt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương hiệu cơ hội tạo điểm nhấn trong phạm vi toàn cầu.

Trong xu thế phát triển, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cần được mở rộng với mục tiêu thúc đẩy phát triển đột phá, gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số. Đối với tên miền quốc tế, cần tăng hiệu quả quản lý, giảm mức độ vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng với tên miền quốc tế thông qua củng cố quy định quản lý dịch vụ xuyên biên giới.

- Tăng cường tiếng nói, vai trò của Việt Nam trong xây dựng và phát triển Internet toàn cầu

Với quy mô phát triển hiện nay, Việt Nam cần nâng cao vai trò và sự đóng góp chủ động của mình trong phát triển Internet toàn cầu; cùng với các Chính phủ thể hiện quan điểm và yêu cầu quyền tham gia quản lý Internet hiệu quả hơn. Xây dựng chiến lược, xúc tiến, khuyến khích các chuyên gia của doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam tham gia tích cực, chính thức các diễn đàn công nghệ, các nhóm làm việc của các tổ chức quốc tCế như IETF, W3C. Xây dựng các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, chủ động trong nghiên cứu, sản xuất. 

1. https://developers.cloudflare.com/1.1.1.1/dns-over-https/web-browser

2. https://newgtlds.icann.org/en/

3. https://icannwiki.org/Multistakeholder_Model

4. https://www.themoscowtimes.com/2021/03/11/russias-pursuit-of-internet-sovereignty- backfires-again-a73208

https://dgap.org/de/node/33332

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
    Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Việt Nam-Malaysia tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới (như kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng xanh...).
  • Chìa khóa giải quyết thách thức trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
    Trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu đòi hỏi sự chung tay hợp tác từ nhiều phía.
  • Việt Nam đang đối mặt 3 thách thức an toàn thông tin
    Các cuộc tấn công mạng hiện nay ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, việc kết hợp công nghệ này với trí tuệ của con người đã giúp phát hiện và phòng, chống tấn công mạng hiệu quả hơn.
  • Chuyển đổi số thành công không thể thiếu “niềm tin số”
    Muốn triển khai hiệu quả chiến lược số hóa quốc gia cần triển khai theo hướng tiếp cận từ trên xuống dưới và phải phù hợp với thực tế, đảm bảo có tầm nhìn rộng trong tương lai.
  • Việt Nam - Hàn Quốc đồng hành trong kỷ nguyên AI
    Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm hy vọng, Việt Nam có thể học tập nhiều hơn từ Hàn Quốc về các bài học kinh nghiệm, cách làm hay để phát huy tối đa vai trò công nghệ số nói chung và trợ lý ảo nói riêng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập xã hội số nhân văn và thu hẹp khoảng cách số.
Đừng bỏ lỡ
  • Bốn giải pháp trọng tâm để giải bài toán an toàn dữ liệu quốc gia
    Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia.
  • Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển công nghệ số với Burundi và NIPA
    Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Số quốc tế 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện Burundi Léocadie Ndacayisaba và ông Hur Sung Wook, Chủ tịch Cục Xúc tiến Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA).
  • Chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
    Nền tảng hướng tới nâng cao chất lượng và điều phối hiệu quả các hoạt động diễn tập trên toàn quốc thông qua nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin.
  • Robot Delta hữu dụng trong nhiều ngành
    Nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng hoạt động với tốc độ và độ chính xác cao, robot Delta là một giải pháp tối ưu trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại.
  • Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
    Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
  • Bảo vệ các hệ thống mạng trọng yếu là cấp thiết
    Song song với tiến trình chuyển đổi số, các chiến dịch tấn công mạng, gián điệp và khủng bố mạng nhằm vào hệ thống công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) trọng yếu ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
  • ‏OPPO Find X8 Series sẽ chính thức lên kệ ngày 7/12‏
    Ngày 21/11, OPPO chính thức ra mắt Find X8 Series‏‏ tại Việt Nam và sẽ lên kệ ngày 7/12 tới. Đây là lần đầu tiên người dùng Việt Nam được trải nghiệm dòng flagship cao cấp nhất của OPPO cùng lúc với toàn cầu. ‏
  • Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
    Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
  • Đưa siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi" vào cuộc sống
    “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh các vấn đề đời sống, từ đó giúp chính quyền tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
  • Sự gia tăng của ứng dụng AI tạo sinh: Những rủi ro tiềm ẩn cho xã hội và con người
    AI tạo sinh là một trong những thành tựu công nghệ mới nhất của con người trong thập niên 20 của thế kỷ XXI. Cho đến nay, sự ứng dụng của AI tạo sinh đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận quan trọng trong các nghiên cứu xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực triết học. AI tạo sinh đã thách thức nhiều khái niệm và định kiến của chúng ta về bản thân mình, đặc biệt là về cách chúng ta hiểu về tư duy và bản chất của tư duy con người.
Sự biến đổi của Internet và chiến lược đảm bảo an toàn mạng trong giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO