"Sự hiện diện của em" khoảnh khắc không gian thánh thiện sau cùng

Nguyễn Hồng Nhật| 21/05/2021 10:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau hơn mười lăm tập thơ mà nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã xuất bản, "Sự hiện diện của em" có thể được xem là một quá trình thu nhỏ lại từng quãng lớn lên và trưởng thành trong Thơ của ông

Nhà thơ chân chính nào cũng vậy, đến và gặp thơ như định mệnh, cùng lớn lên với thơ, xem thơ như một con người hiện hữu. Chúng ta có thể gọi thơ là người bạn vong niên, thủy chung đồng hành, tri âm tri kỉ của những người viết. 

Họ không mong cầu mình là một đại bàng hay một mãnh sư ai ai cũng biết đến, ngưỡng mộ, họ chính là những tác giả đã thoát khỏi những khát vọng tầm thường để "dò la bí mật của nội tâm mình và biết những năng lực mình ra sao".

Gặp thơ, Hoàng Vũ Thuật xem như là tiền định, "tôi chào đời từ vành nôi huyền ảo", "trái tim trầm tích"… Ấy là sự trùng phùng, bén duyên với thơ, trưởng thành cùng thơ. Sau hơn mười lăm tập thơ ông đã xuất bản, "Sự hiện diện của em" có thể được xem là một quá trình mini, thu nhỏ lại từng quãng lớn lên và trưởng thành trong Thơ ông.

"Nỗi đau thắt nút"

Hoàng Vũ Thuật, bằng sự kiên trì bền bỉ, ông đã mang một dáng núi riêng cho chính mình trên thi đàn Việt Nam. Sử dụng bút pháp hiện đại, qua lối siêu thực, thế giới trong thơ ông "nóng rẫy" nỗi buồn. Mã cốt trong tất cả những đứa con tinh thần của ông chính là bi kịch. 

Với Hoàng Vũ Thuật, cho đến khi đã ở ngưỡng tuổi ấy, nhưng suốt cuộc đời đều thấy mình là đứa trẻ (hình ảnh em bé, cậu bé lóng ngóng, đứa trẻ… có mặt trên tất cả các tập thơ đã xuất bản của ông). Đây là một cách diễn đạt đáng quý, bởi đó là tiếng nói được cất lên từ một người trong cuộc, không mang bóng dáng của nghệ thuật xây dựng hình ảnh. Ở đó có một điểm bi kịch cố định: ông luôn thấy mình là một kẻ khạo khờ bất mãn "Anh làm sao thức dậy mặt trời con".

Nhà thơ đã đặt tên cho phần Một của tập thơ là "Bi kịch Hăm Lét". Với Hoàng Vũ Thuật, khi ở trong bi kịch càng thấy rõ chính mình: "Bông hoa xấu xí đặt trong chiếc bình đêm/ thứ nghệ thuật sau cùng tôi trau chuốt/ thưa ngài chủ nhân của bóng tối/ vết sẹo che chắn không ai có thể nghi ngờ/ với nỗi đau thắt nút", "Mỗi ngày uống cạn bảy cốc nước/ luẩn quẩn mươi bước để thấy mình phong rêu/ giữa cuộc đời đóng hộp"… 

Và thơ chính là nơi giúp ông tìm về tâm thức: "muốn đi tìm lại cái bản mặt thật mình/ cho ngày mai kịp đến với cõi thiền ngôi chùa cổ/ những viên ngói mở mắt nhìn".

Đọc ông, tôi thấy mình nhỏ bé trước một con người lịch duyệt, cảm mến một thái độ chân thật trước nghệ thuật và trước thời thế. Nghệ thuật và thời thế, tuy có những sự thống nhất nhưng lại luôn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn.

Giữa chúng luôn hiện hữu thái độ bất mãn, đau đớn, tấm tức, tuyệt vọng của những tâm hồn và tư tưởng lớn trước các vấn đề của đời sống: "đọc làm chi K/ những lời vỏ ốc/ dẫu chúng ta xếp sắp lại ngữ ngôn/ ký tự vẫn như ván thuyền ruỗng mục/ sáng trong ư/ cũng phải hầu tòa / biết lúc nào ta mới nhận ra nhau/ mơ ước thành vô tận" (Gửi K). 

Ở đây, Hoàng Vũ Thuật đã chọn một lối viết kín đáo để bộc lộ thái độ và khát vọng thay đổi, tái tạo, tái sinh thế giới bên trong và bên ngoài mình. Chúng ta thấy ở đó một bi kịch kép giữa cái tôi và cái ta, giữa một tâm hồn hưng phấn với tự do trong nghệ thuật và một trái tim trầm tư về các vấn đề về lịch sử chính trị xã hội. 

Ông "muốn là con chim ưng mang sứ mệnh bầu trời/ trên đôi cánh dũng mãnh/ nhưng cái trò chơi xúc xắc chẳng buông tha", ông nhận thức mình đang ở tận cùng của sự bất lực. Và ông đã chọn cách tự thay đổi chính mình, cảm hóa thái độ của mình để: "làm nên vũ - trụ - kép/ với một cái tôi rất khác". 

Cái tôi đó là cái tôi tôn thờ và phụng sự nghệ thuật. Tác giả từng chia sẻ trong buổi Giao lưu " Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc" tại Hà Nội ngày 25/10/2017 rằng: "Có thể con người không đồng nhất về thể chế chính trị xã hội, nhưng khi khai sinh văn học đã đồng nhất, tương giao, có trước chính trị xã hội. 

Văn học mở ra thời đại mà nhà hoạt động chính trị chưa kịp biết và thấy. Văn học luôn mang khát vọng, mơ ước thường trực của con người". Bởi vậy, dù "bi kịch Hăm lét" có mang vết thương sâu sắc đến đâu thì vẫn lấp lánh những khát vọng hồi sinh.

Mẹ nơi em

"Đôi khi nhìn thấy mẹ nơi em" là nhan đề của một bài thơ, tên của phần Hai tập thơ. Phải chăng, tác giả đang muốn tô đậm ở không gian này hình ảnh "mẹ" và "em"? "Đôi khi thấy mẹ nơi em" được đặt ở vị trí đặc biệt trang trọng, vừa thể hiện tình yêu thương và nỗi nhớ của người con trai dành cho mẹ vừa khẳng định được tình yêu của "anh" dành cho "em", khẳng định vị trí của người con gái ấy trong trái tim anh: "mẹ nơi em".

Tập thơ "Sự hiện diện của em"của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Cứ men theo tập thơ, chúng ta thấy ở phía đó một tâm-hồn-con nhớ thương ba mẹ mình da diết, thậm chí lay động chúng ta bởi những hình ảnh tội nghiệp. Đọc bấy nhiêu dòng này, có ai không xúc động trước một xa xót vắng bóng mẹ cha gần được một đời người. "tôi hóa tượng phật a di đà nói bằng ngôn ngữ lặng thinh/ như thuở chưa ra đời ngủ chín tháng mười ngày trong bào thai của mẹ",  "bảy mươi năm con thuyền gãy lái/ con vẫn là đứa bé nhút nhát nhất nhà/ vẫn thấy mình lạ xa" (Tấm lưng rộng của người)…

 Những câu thơ ngậm giọt nước mắt đàn ông, giúp tâm hồn đứa con bé bỏng đi qua được bao nhiêu mùa, bao nhiêu năm mỏi mòn cô độc. Ngày tháng đã vỗ vào "dung nhan nằng nặng" ấy không chỉ những nếp nhăn mà còn vỗ vào trái tim ông một đời người mồ côi, nhớ thương cha mẹ, nhớ thương thân phận, chính mình.

Ở phần này, chúng ta còn thấy hân hoan khi thấp thoáng đâu đây một tình yêu như là tình yêu của tuổi trẻ, nhưng lại được đặt vào "hiệp cuối" cuộc đời: "tôi phải chịu đựng suốt cuộc đời khi bước vào hiệp cuối/ trái tim hiểu tôi hơn ai hết/ đã lăn tròn cùng kiệt tuổi ấu thơ cả khi về già/ trong ngực tôi/ thình thịch thình thịch"

Ông đã gửi tình yêu vào thơ, để bao nhiêu thiết tha ở cuối đời như hoa cỏ nằm dưới thung lũng sâu đang nỗ lực vươn mình về phía ánh sáng nhỏ bé, có thể là cuối cùng nhưng rất mãnh liệt, ví như "gió hú/ bên miệng vực". Có không ít câu thơ vượt thoát, mang tâm hồn của một chàng trai trẻ. Tác giả không giấu đi sự thống thiết. 

Nếu đọc những câu thơ này: "Anh biết trên nấm mồ của anh mai sau/ sẽ mọc lên cái cây ai đấy vừa trồng/…/một cái cây xinh xinh ai đấy vừa trồng", "anh sợ một ngày em rời bỏ anh/ rời bỏ anh/ nước rời bỏ đất mây rời bỏ trời xanh/ như anh rời bỏ trang giấy trắng cuộc đời"…hình dung như ai đó đã bật ra một cú cười vì hoài nghi Hoàng Vũ Thuật là người đã "đạt đến cảnh giới của sự bình tâm" (nhà phê bình Văn Giá).

Bài thơ "Ngọn nến sắp tắt"đặc biệt làm nổi bật được tinh thần đó. Sắc màu về thế giới siêu thực trong bài thơ biểu hiện sức sống đang căng tràn, nhịp sống trẻ trung đang hồi sinh, rực cháy trong trái tim người đang yêu: "Hãy ôm thật chặt trước khi anh biến mất/ như anh ôm em/ hãy ôm thật chặt/ dòng ánh sáng của thiên thần/ sẽ lớn trong vòng tay"

Từ "hãy" được nhắc tới 2 lần trong bài, lần nào cũng mãnh liệt hết thảy! "Hãy" để mở ra một thế giới lấp lánh sắc màu của cõi yêu hiện hữu vừa xa vừa gần, vừa diệu kì vừa thân thuộc. Đó là địa hạt của những thiên thần, những đôi cánh được thức và bay tự do. Hơn 50 năm qua, khí/lực thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn giữ nguyên được tính chất siêu thực như thuở ban đầu.

"Ngọn nến sắp tắt" là một bài thơ viết về tình yêu trong bi kịch bởi nó không phải từ sự mãnh liệt của tuổi trẻ. Ở bài thơ này, tác giả viết cho tình yêu với sự nhức nhối, khát khao của một thân phận đã ở ngưỡng chiều muộn. Chúng ta biết nhiều người về tuổi thu, sẽ tự làm khô héo mình. 

Nhưng Hoàng Vũ Thuật đã lựa chọn một cuộc sống khác, đổi mới mình, hồi sinh mình, luôn đi kiếm tìm mình ở phiên bản tốt hơn với sự chân thành và tận tụy. Anh muốn được sống thêm lần nữa với đời, với tuổi trẻ. Ở đó không phải tuổi trẻ anh đã đi qua, mà với tuổi trẻ hiện thời đang tồn tại xung quanh anh. 

Khi đọc bài thơ,  người viết đã chủ quan khẳng định đây là bài thơ tình nồng nàn, mãnh liệt nhất của Hoàng Vũ Thuật. Bởi ta đã nhìn thấy một sự hứng khởi vô cùng, vì không còn gì để mất, nên Anh đã cháy rực rỡ cho tình yêu- tình yêu với cuộc sống, với con người nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng. Anh thừa nhận phép màu của tình yêu, khiến cho "ngọn nến sắp tắt" được sáng thêm một lần nữa, lung linh, nóng rẫy: "tắt rồi vẫn đỏ". Và đó là lí do vì sao, Hoàng Vũ Thuật viết "Sự hiện diện của em".

"Sau hồi chuông giao thừa"…

"Sự hiện diện của em" là tập thơ mà không/thời gian ở đó vừa được xác lập vừa bị xóa nhòa. Và dù ta vẫn cảm được những chông chênh, nhưng vẫn thấy ở đó một "vô vi", một "thâm trầm". Mặc cho lụi tàn, âu lo, đổ vỡ nhưng sau tất cả, những bài thơ ông viết chính là: "Một khoảng không gian thánh thiện sau cùng/ Còn lại bên tôi" (Di sản, in trong tập Tháp Nghiêng). Tất cả những điều đó lắng lại ở phần Ba của tập thơ.

Ở phần "Đẹp và buồn", thế giới thơ trong ông được hình dung như cõi niết bàn. Ông đã "vô vi" sau hành tình rong ruổi và khám phá đời sống muôn màu, lắm những gương mặt thật giả, thực ảo,... Để chứng ngộ được, nhà thơ hẳn đã lớn lên và trưởng thành như một hành trình phát triển của một con người: "nhi đồng- thiếu niên mới lớn- một người trưởng thành" (ý thơ A.De Musset tôi đã nêu ở phần mở bài). Lúc thấy ra mọi sự "đẹp và buồn" phải chăng ông và thơ ông đã là "một- người-trưởng-thành" ?

Có lẽ đúng vậy. Thơ ông đã chạm tới muôn người bởi trong lời tự thú của chính mình, chúng ta đã tìm ra được những vấn đề triết học của con người được nhẹ hóa bằng tình cảm :"Cuộc nói chuyện không thành/ tôi biết thế/ nhiều cuộc nói chuyện không thành đã đập vào đời tôi mặt trống thủng/ nhưng tôi xin được nói lời cám ơn không chút đau buồn."(Xin lỗi mùa thu). 

Khi đọc những dòng này ta liên tưởng đến bài hát "Tạ ơn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người…". Tôi từng nghĩ rằng, có một nỗi mặc cảm chung về hai chữ TỰ DO trong tất cả chúng ta, và nó đặc biệt với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, để khi ông viết lên, ngẫm ngợi mới thấy xót xa, nhức nhối:

Trong nhiều lớp hình ảnh ông xây dựng lên, có khi ồn ào, xao động, có khi tĩnh lặng, an bình. Nhưng cái nhân của tập thơ, là Thơ, là sự dâng hiến trọn đời cho nghệ thuật chứ không phải là một mối tình cho riêng ai, riêng một người nào. 

Những quan sát của cá nhân đã cộng sinh với cảm hứng, tất cả đó chạm tới cái "đẹp" và "buồn" của bi kịch, từ đó tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Bởi vậy, phải khẳng định lần nữa, sự tự do để được sống vì bản chất của nghệ thuật, bản chất Người là điều ông luôn tôn sùng và quyết tâm phụng sự suốt đời. Thứ tình yêu "đẹp và buồn" ông nhận ra trong "sự-hiện-diện-của-em" phải chăng chính là điều ông thỏa nguyện?

Với bài Bụi quý (bài thứ 77 cũng là bài cuối trong tập thơ), Hoàng Vũ Thuật đã trả lời những câu hỏi mà chúng ta đặt ra. Nhà thơ gửi gắm một ý niệm về kiếp sống của hai cõi đang tồn tại trong nhân gian. Với hai dòng tách đôi nhưng là một câu thơ, bất chợt tái hiện trong ta những suy nghĩ sâu sắc về kiếp người trần tục và kiếp thiền tu cõi Thánh thần, Phật tử, "vệt phù vân nghìn năm trên núi" và "phù vân trong cõi người ta".

 Trong cách so sánh "chưa bằng" đầy ý nhị, tinh tế và sâu sắc của nhà thơ, trước hai kiếp sống ấy, một sự trân trọng đặc biệt Hoàng Vũ Thuật đã dành riêng cho "cõi người ta". Đời sống trong cõi trần với hai phần hiện hữu Con - Người, câu thơ giúp ta mở rộng sự liên tưởng, hình dung được những mặt trái ngược, đầy mâu thuẫn của đời sống nhân sinh, ở đó có tốt đẹp và xấu xa, bao dung và hận thù, yêu thương và ích kỉ...

Để chiến thắng được gàn dở, ngu ngốc, bần tiện,...con người phải có rất nhiều sức mạnh. Câu thơ vừa ngợi ca con người đã luôn đấu tranh với phần "Con" bên trong, luôn hướng đến phần "Người", phần của Chân - Thiện. Điều đó, "vệt phù vân nghìn năm trên núi" khuyết đi, thiếu đi. Tất nhiên, để đến được "vệt phù vân trên núi" kiếp người đã phải đi qua "nghìn năm" đau khổ của con người. Giới hạn đó là "niết bàn" mà "cõi người" luôn mong cầu để chạm tới sự An Nhiên đúng nghĩa.

"Sự hiện diện của em" là một tập thơ cảm động! Chúng ta đã nhìn thấy một bi kịch được gọi tên như để đối diện với chính sự nghiệt ngã đó: Bi kịch Hăm Lét; chúng ta nhìn thấy tình yêu con người, yêu cuộc sống, tình yêu nghệ thuật đã xoa dịu, hóa giải những nỗi đau lớn, những vết thương sâu; chúng ta được hồi sinh sau "hồi chuông giao thừa" đầy tính chất nhân văn, nhân bản. Và ở một nốt trầm sâu lắng: "ta chào mi", chào "sự hiện diện của em"!


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
"Sự hiện diện của em" khoảnh khắc không gian thánh thiện sau cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO