Tóm tắt nội dung:
Trong bài viết, tác giả đề xuất một số nội dung cần sửa đổi trong Luật Báo chí:
- Sửa đổi cách giải thích một số thuật ngữ, thêm một số thuật ngữ cần giải thích.
- Chức danh của người đứng đầu cơ quan báo chí và tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.
- Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
Với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, nhất là công cuộc số hóa các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng ngày càng cao, càng phong phú, đa dạng, thách thức đặt ra đối với công tác quản lý hoạt động báo chí - truyền thông ngày càng lớn, Luật Báo chí đã có những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Luật Báo chí 2016 được thực hiện theo Điều 14, Điều 25 Hiến pháp 2013, đã có nhiều tiến bộ, đổi mới mạnh mẽ so với Luật Báo chí (sửa đổi) năm 1999. Luật có 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều so với Luật Báo chí 1999), trong đó 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung…
Đặc biệt, có tới 9 điểm mới về nội dung là: Quy định rõ hơn về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; Bổ sung 3 đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; Quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí; Luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy định mở hơn về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí; Quy định cụ thể hơn, rõ hơn các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Bổ sung một số quy định mới về cải chính trên báo chí và pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào Luật, bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí.
Với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội, nhất là công cuộc số hóa các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, sự phát triển của chính lĩnh vực báo chí, nhu cầu và trình độ tiếp nhận thông tin báo chí của công chúng ngày càng cao, càng phong phú, đa dạng, thách thức đặt ra đối với công tác quản lý hoạt động báo chí - truyền thông ngày càng lớn, Luật Báo chí đã có những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung.
Sửa đổi Luật Báo chí 2016 chính là góp phần hoàn thiện các quy định về quản lý tổ chức báo chí, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của báo chí trong kỷ nguyên số.
Theo tôi, một số nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện:
Về từ ngữ và cách trình bày từ ngữ trong Luật Báo chí
Về từ ngữ và bổ sung từ ngữ cần giải thích, liên quan đến nội dung hoàn thiện các quy định về quản lí tổ chức báo chí:
Một trong những thuộc tính quan trọng của văn bản pháp luật là tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức. Lời văn phải chính xác, cụ thể, dễ hiểu, không đa nghĩa và sự xác định chặt chẽ trong cấu trúc của văn bản pháp luật.
Tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ), ở Chương I, có giải thích 20 từ ngữ, liên quan đến nội dung các chương. Tuy nhiên, theo yêu cầu các thuật ngữ có xuất hiện trong Luật và các từ ngữ dễ được hiểu trái với cách hiểu thông thường của xã hội, đều phải giải thích thì Điều 3 giải thích chưa đủ.
Chương III trong Luật có tên gọi là Tổ chức báo chí, gồm 4 mục (Mục 1. Cơ quan chủ quản báo chí, Mục 2. Cơ quan báo chí, Mục 3. Người đứng đầu cơ quan báo chí, Mục 4. Nhà báo). Cụm từ Tổ chức báo chí đứng riêng như trong Luật, theo cách hiểu thông thường dễ được hiểu là một danh từ chung, chỉ một (các) “tổ chức” thuộc lĩnh vực “báo chí”, giống như tổ chức giáo dục, tổ chức tôn giáo, tổ chức phi Chính phủ, v.v... Nhưng bản chất nội hàm Chương III là vừa nói về hệ thống tổ chức (từ trên xuống), vừa nói về công tác tổ chức hoạt động báo chí (được tổ chức như thế nào). Với nội hàm của 4 mục cấu thành thì tên chương (Tổ chức báo chí) là chưa thật phù hợp về sự tường minh của khái niệm và trật tự khái niệm.
Vì vậy, trong Điều 3. Giải thích từ ngữ, cần có nội dung giải thích cụm từ Tổ chức báo chí.
Về cách trình bày từ ngữ:
Cách trình bày từ ngữ chưa nhất quán trong Luật: Có 20 từ ngữ, liên quan đến nội dung của Luật được trình bày ngay trong Chương I (Điều 3. Giải thích từ ngữ). Nhưng có một số khái niệm, thuật ngữ khác lại được trình bày rải rác ở các chương (Chương III: Cơ quan chủ quản báo chí được giải thích tại Điều 15, Cơ quan báo chí - Điều 16, Người đứng đầu cơ quan báo chí - Điều 23, Nhà báo - Điều 25).
Để thống nhất cách trình bày và dễ theo dõi, cần đưa tất cả các khái niệm, thuật ngữ được giải thích ở các chương về Điều 3, Chương I.
Về chức danh và tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí
Quy định này có ảnh hưởng sâu sắc tới công tác quản lí báo chí, chất lượng hoạt động báo chí nói chung và quản lí tổ chức báo chí nói riêng.
Về chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí
Chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí được quy định tại Điều 23, là “Tổng biên tập (đối với báo in, báo điện tử), là Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc (đối với báo nói, báo hình)”.
Về vấn đề này, trước đây đã có nhiều ý kiến nên thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đời sống báo chí, nhất là công tác quản lý tại các cơ quan báo chí. Không nên giữ quan niệm như cũ (tức là như hiện nay).
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý báo chí và nhà nghiên cứu đề xuất (đã được tổng hợp, đưa vào dự thảo Luật trước đây) là cần tách bạch chức danh, nhiệm vụ quản lý cơ quan và chức danh, nhiệm vụ quản lý nội dung chuyên môn, không nên để dồn hết lên vai một người mà trên thực tế nhiều khi thiếu khả thi.
Trong lịch sử báo chí nước ta, từ đầu thế kỉ XX đến trước năm 1975, cả trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta đã có chức danh Chủ nhiệm báo, là người đứng đầu, đại diện về pháp luật, bên cạnh chức danh Tổng Biên tập, là người chịu trách nhiệm nội dung (cũng có người đảm nhiệm cả hai chức danh này). Thực tế hiện nay, nhiều Tổng Biên tập, Tổng Giám đốc (báo, đài có quy mô lớn) chủ yếu làm công việc của Chủ nhiệm báo, công việc của Tổng Giám đốc, Giám đốc (đại diện về pháp luật, lo công tác tổ chức, nhân sự, cơm áo gạo tiền, đối ngoại,... chỉ định hướng nội dung, duyệt bài những lúc cần thiết). Còn công việc nội dung nhiều ấn phẩm, kênh sản xuất, phát sóng lại giao cho những người khác chịu trách nhiệm cuối cùng (ký duyệt phát sóng, xuất bản).
Hiện nay báo chí đã phát triển theo hướng tòa soạn hội tụ, sản phẩm báo chí là sản phẩm đa phương tiện (một cơ quan báo chí có đủ cả bốn loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình). Tổ chức sản xuất và quản lý sản xuất, phát hành, truyền dẫn phát sóng... đều trên nền tảng mạng Internet (song song với cách làm truyền thống).
Vì vậy, trong sửa đổi lần này, theo tôi nên sửa theo hướng: Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, là Tổng Biên tập, tùy theo quy mô và tính chất sản xuất của cơ quan báo chí.
Thực tế chúng ta đã có mô hình này, như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… Ở các cơ quan này, Tổng Giám đốc là người đứng đầu, chịu trách nhiệm về mặt pháp luật, còn việc sản xuất nội dung do các đơn vị cấp dưới thực hiện và người phụ trách ở đó chịu trách nhiệm cuối cùng (như Tổng Biên tập các báo, Giám đốc kênh phát thanh, kênh truyền hình, Trưởng các ban sản xuất nội dung trong cơ quan).
Nếu sửa theo hướng mới, các báo lớn (quy mô toàn quốc), người đứng đầu cũng là Tổng Giám đốc (chịu trách nhiệm và có nhiệm vụ, quyền hạn người đứng đầu cơ quan báo chí theo Điều 24), còn phụ trách các ấn phẩm độc lập, các kênh sản xuất phát thanh, truyền hình,... là các Tổng Biên tập (trước đây có ý kiến đề xuất gọi là Tổng Biên tập sản phẩm báo chí). Tổng Giám đốc cũng có thể đồng thời là Tổng Biên tập trong trường hợp thấy cần thiết và đủ sức gánh vác. Như vậy, Tổng Giám đốc mới có đủ thời gian, điều kiện để lo công việc đúng nghĩa chủ báo, còn chủ bút là những người phụ trách nội dung (như trong lịch sử báo chí nước ta đã có). Đương nhiên, chủ báo phải kiểm soát được nội dung và cùng chịu trách nhiệm nếu các chủ bút - Tổng Biên tập cấp dưới - để xảy ra sai sót, vi phạm (điều này phụ thuộc phương pháp quản lý).
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm
Tiêu chuẩn đối với cả hai chức danh này đều có nội dung “Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này” (Điều 23).
Tuy nhiên trên thực tế cho đến hiện nay, nhiều địa phương, bộ, ngành bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc Tổng Biên tập không theo tiêu chuẩn này, nhất là nhiều cơ quan báo chí các địa phương (vì nhân sự do địa phương quyết định). Tình trạng bổ nhiệm người không có chuyên môn báo chí, chưa làm báo ngày nào về làm Tổng Biên tập hoặc đứng đầu cơ quan báo chí, không phải là hiếm và trên thực tế không được các nhà báo ở đó tin cậy, dẫn đến hạn chế hiệu quả hoạt động cả cơ quan báo chí.
Trong sửa đổi lần này, cần ghi rõ chế tài để khắc phục tình trạng này. Nếu không, Luật đề ra nhưng không được thực hiện cũng không có chuyện gì, không ai chịu trách nhiệm, làm giảm sút lòng tin của người làm báo và công chúng.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà báo
Điều 25, khoản 2, điểm c, ghi quyền của nhà báo là: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Tuy nhiên, trên thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu phải có giấy giới thiệu hoặc phải có giấy mời, thư mời… Mặt khác, có những nhà báo dựa vào quy định (đúng tinh thần của Hiến pháp) này để vào bất cứ đâu, bất cứ lĩnh vực nào, đòi hỏi những điều trái với công việc của họ và cơ sở khó đáp ứng.
Hơn nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành rộng rãi tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, các địa phương, các cơ quan, tổ chức có thể căn cứ vào đó để từ chối tiếp nhà báo. Như vậy là trái với quy định tại Điều 25 hiện nay, tức trái pháp luật.
Để tránh sự bất hợp lý này, cần sửa Điều 25, nội dung quyền của nhà báo, theo hướng cần xuất trình thẻ nhà báo và các quy định khác của pháp luật./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)