Tác động của 5G đến ngành báo chí

Hạnh Tâm| 06/08/2022 06:45
Theo dõi ICTVietnam trên

5G đang bắt đầu chạm đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, 5G làm thay đổi mọi thứ và không có gì ngạc nhiên khi 5G cũng đang thay đổi cách làm việc trong các tòa soạn báo. Sự phát triển của 5G tạo cơ hội cho nhiều hình thức báo chí mới.

5G giúp ích nhiều cho các phóng viên, biên tập viên (PV, BTV)

Theo GS. John Pavlik của Đại học Rutgers, sau khi phổ biến rộng rãi, với tốc độ của 5G và các công cụ mà nó mang lại sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà báo. 

Đầu tiên phải kể đến là 5G giúp các nhà báo làm việc hiệu quả hơn từ các thiết bị số của họ, đặc biệt trong việc thu thập tin tức cần lượng băng thông cao như quét (scan) 3D và các ứng dụng phong phú khác trong thực tế tăng cường, thực tế ảo và video độ phân giải cao từ thiết bị di động; Thứ hai, bằng cách hỗ trợ chia sẻ tệp Internet tốc độ cao, 5G giúp các đơn vị tin tức hoạt động hiệu quả mà không bị phụ thuộc vào trung tâm tin tức hay một tòa soạn báo vật lý nào; Cuối cùng, 5G có thể giúp cải thiện các tòa soạn bằng những hỗ trợ sự tương tác tốt hơn với công chúng. 

Cụ thể, với 5G, các phóng viên có thể phát trực tiếp, biến họ từ “những người báo cáo, viết những câu chuyện được biên tập và xuất bản trực tuyến thường xuyên” thành “những người liên tục chia sẻ các liên kết, bình luận về các sự kiện, các cuộc họp báo trực tiếp, đưa ra thông tin chi tiết cập nhật, yêu cầu trợ giúp và trò chuyện với con người”, tất cả đều được thực hiện ở ngay nơi thực địa và trong thời gian thực. Chỉ bằng chiếc điện thoại, những công việc này hoàn toàn có thể thực hiện được một cách dễ dàng, thuận tiện, từ việc tạo ra các cửa hàng ứng dụng cho đến mô tả biểu đồ xã hội…

Tác động của 5G đến ngành báo chí - Ảnh 1.

Với 5G, các phóng viên có thể phát trực tiếp các sự kiện đang diễn ra trong thời gian thực. (Hình minh họa)

Nhờ đó mà 5G nâng cao khả năng nắm bắt thông tin cho các PV, BTV và sản xuất đa phương tiện trong các tình huống tin tức nóng. Theo thời gian, khi 5G trở nên phổ dụng, độc giả bắt đầu sử dụng 5G, các tòa soạn có thể tối ưu hóa hơn nữa cách truyền tải và những trải nghiệm báo chí tới đông đảo quần chúng. 

Với các sự kiện trực tiếp, các nhiếp ảnh gia, các nhà báo có thể tự động truyền phát phương tiện như ảnh HD, video và âm thanh và thậm chí cả mô hình 3D về phòng tin tức (newsroom) trong thời gian thực ngay khi chúng được ghi lại. 

Dự báo, trong tương lai, các tổ chức truyền thông sẽ phát sóng video với băng thông không dây. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đang theo đuổi các giải pháp với 5G công nghệ phát video trực tiếp mượt mà cho người đăng ký của họ, công nghệ mới nổi đã vô cùng mong muốn tải lên nội dung trực tiếp ở định dạng video từ bất kỳ thiết bị điện tử nào, như máy tính bảng và thiết bị di động máy quay phim… Môi trường IoT sẽ vô cùng phát triển. Với những tiêu chuẩn cao để cung cấp video phát thanh truyền hình, mạng 5G sẽ vượt qua hầu hết các thiết bị điện tử. Nhờ đó, các PV  thập tin tức quan trọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển từng ngày trong mô hình kinh doanh truyền thông kỹ thuật số mới và sẽ vượt hơn hẳn các hoạt động hiện tại. 

Những thay đổi công nghệ đang nổi lên ảnh hưởng đến báo chí theo những cách khác nhau. Công nghệ IoT - 5G có thể xử lý dữ liệu đầu ra bằng cách sử dụng các kỹ năng viết mềm tốt. Sử dụng các công nghệ tiên tiến cho phép xử lý một lượng lớn dữ liệu trong báo chí.

5G với độc giả 

Hiện nay, công chúng thay bằng cách tiếp nhận thông tin qua báo, tạp chí in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, sự phát triển của công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã hình thành “báo nhúng”. Do đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng như ở hiện trường. 

 Với những tính năng mạnh mẽ của công nghệ, các cơ quan báo chí đang dần phải thay đổi mô hình tổ chức, chuyển từ đơn loại hình sang đa loại hình, từ đơn ấn phẩm sang đa ấn phẩm để đáp ứng nhu cầu độc giả. 

Tác động của 5G đến ngành báo chí - Ảnh 2.

Với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình. (Hình minh họa)

5G giúp độc giả và phóng viên kết nối với nhau dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời nó có thể giúp tạo ra các “con đường” để sản xuất báo chí, nhờ đó mà độc giả có thể tiếp cận được với những tác phẩm đã từng nằm ngoài phạm vi tiếp cận. 

Khi 5G được sử dụng rộng rãi, người đọc không chỉ xem được các phiên bản chi tiết hơn, chân thực hơn giống như thật mà còn có thể khám phá các môi trường mới được chụp ở chế độ 3D, ví dụ như trang phục cổ điển của David Bowie trong thực tế tăng cường hay những trải nghiệm nhập vai AR và VR trong các câu chuyện để người đọc khám phá những môi trường mới được ghi lại ở chế độ 3D.

Một số công cụ 5G hỗ trợ tốt cho ngành báo chí 

Có thể nhìn thấy 5G đã giúp cho các hoạt động báo chí hiệu quả hơn qua sự hợp tác mới nhất giữa The New York Times và Verizon. Năm 2019, hai công ty đã cùng nhau xây dựng phòng thí nghiệm báo chí 5G. Các công cụ ra đời từ sự hợp tác này bao gồm phép môi trường đo quang (environmental photogrammetry), Beam và Eclipse.

Môi trường đo quang 

Sebastian Tomich, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm trưởng bộ phận quảng cáo và tiếp thị toàn cầu giải thích: “Môi trường đo quang liên quan đến việc chụp hàng nghìn bức ảnh tĩnh và ghép chúng lại với nhau thành một mô hình 3D lớn, mang lại cho người đọc cảm giác trong một không gian như thế giới thực”. 

Một bài báo sử dụng môi trường đo quang với nhiều dữ liệu giống như chiếu một chương trình truyền hình dài một giờ. Điều này giúp cho trải nghiệm đọc của những độc giả sử dụng mạng tiên tiến 5G được trở nên liền mạch. Giải pháp này đã được thời báo New York Times đưa vào thực tế.

Beam và Eclipse 

Các nhà báo của Times đã làm việc trong lĩnh vực này, họ chụp và tự động tải hình ảnh độ phân giải cao lên hệ thống tòa soạn mà không cần gì ngoài điện thoại thông minh và máy ảnh cá nhân. 

Sebastian Tomich cho biết, dựa trên những tiến bộ của Beam, ứng dụng Eclipse thúc đẩy Verizon 5G để mở rộng báo chí video. Eclipse có thể sử dụng 5G để truyền các tệp video chuyên nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của The Times với tốc độ cạnh tranh với việc upload video trên điện thoại di động, có kích thước tệp nhỏ hơn khoảng 14 lần. Nó cho phép các nhà báo video có được tài liệu đến tay các BTV của họ trong thời gian thực, thay vì vài giờ sau đó. 

Theo Sebastian Tomich, kết nối “luôn bật” này được hỗ trợ bởi Beam và Eclipse, cho phép phối hợp sâu hơn giữa tòa soạn và các nhà báo hình ảnh và video trong lĩnh vực này. “Với khả năng xem lại cảnh quay trong thời gian gần thực, giờ đây các biên tập viên có thể yêu cầu thêm ảnh hoặc video trong khi nhà báo vẫn đang ở hiện trường”.

Ứng dụng thực tế 

Những công cụ này do phòng thí nghiệm 5G phát triển nhằm cải thiện tốc độ và chất lượng của báo chí. 

Ví dụ, trong lễ trao giải Oscar 2020, Verizon đã thiết lập mạng 5G tại sự kiện này. Sử dụng Beam, một nhiếp ảnh gia của Times “dạo chơi” trên thảm đỏ một cách tự do, không bị gián đoạn hoặc quan tâm đến giới hạn truyền tệp tin. Sebastian Tomich cho biết: “Cuối cùng, anh ấy đã gửi nhiều ảnh gấp tám lần so với nhiếp ảnh gia của năm trước, với thời gian tải lên trung bình là 2,1 giây”. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tạo ra các công cụ mạnh mẽ cũng đủ để thực hiện hiệu quả trong thế giới thực. Các yếu tố như nhận thức, sự sẵn có và khả năng tiếp cận các nguồn lực đóng một vai trò rất lớn trong việc định hình báo chí. Khi các tòa soạn và nhà cung cấp 5G đang khơi dậy sức mạnh chuyển đổi của 5G, giáo sư John Pavlik đề xuất ba ý tưởng để tận dụng tốt hơn các công cụ 5G hiện có trên thị trường. Ông khuyên các tòa soạn nên:

1. Cung cấp hỗ trợ ngân sách để các phóng viên mua điện thoại thông minh hiện đại và các thiết bị di động khác hỗ trợ công nghệ 5G và kết nối 5G. 

2. Đào tạo các phóng viên sử dụng các công cụ mới có sẵn trong môi trường 5G (ví dụ: thực tế tăng cường, thực tế ảo).

3. Phát triển văn hóa tòa soạn để hỗ trợ công việc từ xa, tận dụng công nghệ di động băng thông rộng 5G.

Mặt hạn chế của báo chí 5G 

Mặc dù 5G chắc chắn đang giúp cải thiện hiệu quả trong các tòa soạn báo, nhưng nó lại đi kèm với một số vấn đề riêng mà không phải tòa soạn nào cũng có kinh phí để đầu tư mạnh vào ba ý tưởng mà John Pavlik gợi ý. Ngoài tiền bạc, thời gian cũng là một yếu tố. Không phải lúc nào các tòa soạn báo cũng có thể dành nhiều giờ để đào tạo các nhà báo sử dụng những công cụ mới, lạ mắt này.

Ngoài ra, tính khả dụng rộng rãi của 5G vẫn là một vấn đề lớn, bởi 5G không phải là một “công tắc đèn” có thể được bật trên toàn quốc trong một vài ngày. 

Hơn nữa, còn rất nhiều vấn đề về bảo mật trong việc tăng cường sử dụng 5G. Bà Victoria Mendoza, Giám đốc điều hành của MediaPeanut (một cộng đồng kỹ thuật số theo phong cách sống) cho rằng, 5G có nhiều điểm định tuyến lưu lượng hơn đáng kể so với 4G. Nhưng tất cả những điểm này cần phải được giám sát để đảm bảo an ninh, nếu không, an ninh mạng sẽ bị tổn hại lớn. 

Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói thế giới báo chí 5G sẽ diễn ra theo chiều hướng nào. Chắc chắn có rất nhiều tiềm năng để khám phá các công cụ và công nghệ để cải thiện các tòa soạn, tuy nhiên, vấn đề bảo mật đang gia tăng cũng được quản lý hiệu quả. 

Mặt khác, những yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Cần có chiến lược CĐS của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí (ví dụ với các báo in, quá trình số hóa thể hiện ở việc đầu tư phát triển báo điện tử, áp dụng tòa soạn điện tử trong quy trình xuất bản nội bộ…). 

Báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong đời sống xã hội.

Và chúng ta không nên bỏ qua tác động của 5G và AI đối với báo chí truyền thống, đồng thời báo chí nên chủ động đón nhận các công nghệ mới và đẩy nhanh quá trình hội tụ truyền thông. 

Tóm lại, theo những ý kiến mà các chuyên gia đưa ra cùng những phân tích cả về mặt lợi ích và khó khăn khi áp dụng 5G vào các tòa soạn báo chúng ta thấy, để tận dụng được hết lợi thế của 5G cũng còn đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư và tâm huyết của các nhà báo. Sự đầu tư ở đây không chỉ về công cụ, phương tiện mà còn về cả kiến thức, kỹ năng và cả vấn đề về an toàn bảo mật. 

Các cơ quan báo chí cũng cần phải có thời gian để chuẩn bị “hành trang” cho mình trước khi 5G trở nên phổ biến. Bước “chuẩn bị” này không những cần sự quan tâm của các phóng viên, biên tập viên, những người làm báo nói chung mà còn cần sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể cũng như toàn xã hội nói chung. Hy vọng rằng, khi 5G được phổ biến, những người làm báo cũng như độc giả sẽ được trải nghiệm một “thế giới mới” trong ngành báo chí, truyền thông./.

Tài liệu tham khảo:

1. digitaltrends.com

2. open.nytimes.com

3. antoanthongtin.vn

4. tapchicongsan.org.vn

5. irjmets.com

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7 năm 2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tác động của 5G đến ngành báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO