Truyền thông

Tác giả Hàn Quốc viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếc thương khi nghe tin ông từ trần

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Hàn Quốc) 20/07/2024 21:30

Phóng viên TTXVN tại Seoul đã có cuộc trò chuyện đầu tiên với tác giả Cho Chul-hyeon, người viết cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi tin buồn của Tổng Bí thư được công bố, chúng tôi tìm gặp ông để nghe ông trải lòng với những tâm sự vô cùng xúc động.

200724-tac-gia.jpg
Ông Cho Chul-hyeon, tác giả cuốn sách mang tên “Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” bày tỏ tiếc thương trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Ảnh: Trường Giang – PV TTXVN tại Hàn Quốc

Cuốn sách mang tên “Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” của tác giả Cho Chul-hyeon được xuất bản tại Hàn Quốc trung tuần tháng 5/2024. Được biết, cho đến nay ở Hàn Quốc cũng như trên thế giới chưa có cuốn sách nào xuất bản riêng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách này đã được NXB Thông tấn biên soạn và chuẩn bị ra mắt bản tiếng Việt tại Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Theo ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dấu ấn gì trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng?

Tôi thực sự bàng hoàng khi nghe tin buồn về Tổng Bí thư, điều mà tôi không thể tưởng tượng lại xảy ra. Nếu nói một câu ngắn gọn thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống cuộc đời của một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả đời phấn đấu vì sự thịnh vượng của đất nước, vì ước muốn tôn vinh vị thế của người dân, dân tộc Việt Nam. Đề tài luận văn tiến sĩ mà ông làm tại Liên Xô trước đây là “Nghiên cứu về đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tăng cường mối quan hệ với nhân dân”. Bút danh mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên sử dụng khi làm nhà báo tại Tạp chí Cộng sản những năm 1970 là “Người xây dựng Đảng”.

Kể từ khi gia nhập Đảng tháng 12/1967, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, có thể thấy ngay từ tựa đề luận án tiến sĩ của mình, ông là người đã không ngừng suy nghĩ và tìm biện pháp để Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một đảng gắn với dân, gần gũi với người dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự trở thành một nhà tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản với lý luận uyên thâm. Ông triển khai lý luận về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội một cách dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và rất nhân văn nhờ chuyên ngành văn học. Tôi cho rằng đây là một thành tựu rất lớn lao của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một thành tựu khác mà Tổng Bí thư để lại là việc bài trừ tham nhũng. Điều này phù hợp với đề án xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Với nhận thức kiên định và mạnh mẽ rằng việc làm liêm chính trong Đảng, giữ gìn đạo đức bắt đầu từ các đảng viên mới có thể xây dựng được một đảng chính trị mạnh, đủ sức thu hút, lãnh đạo đất nước.

Với tư cách người đứng đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nỗ lực và thực hiện mạnh mẽ việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua quảng bá hình ảnh một Việt Nam minh bạch và duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao suốt nhiều năm qua. Ông nhận được sự đánh giá cao của thế giới với chiến dịch chống tham nhũng, một trong những mấu chốt của chính sách đổi mới ở Việt Nam.

Cùng với đó, “thuyết ngoại giao cây tre” cũng đang nhận được sự đánh giá rất cao trên trường quốc tế vì cách thức Việt Nam triển khai chính sách ngoại giao hiệu quả với cả 3 cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga trong bối cảnh cuộc chiến kinh tế giữa 3 nước đang diễn ra khốc liệt. Cả Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, và mới đây nhất là Tổng thống Nga đều đã đến thăm Việt Nam trong vòng 1 năm qua và thực hiện các hoạt động ngoại giao cấp cao nhất, thu hút sự quan tâm lớn của thế giới.

Thông qua các sự kiện ngoại giao quan trọng này, nhiều kết quả hợp tác tích cực đã đạt được, giúp nâng cao lòng tự tôn của người dân Việt Nam và uy tín cũng như vị thế quốc gia của Việt Nam

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống cho người dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên định đường lối mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hội nhập.

Năm 2014, đúng 10 năm trước, khi là Chủ tịch Quốc hội, ông đã đến thăm Hàn Quốc và thiết lập nhiều nền tảng cho hợp tác song phương sau này. Đặc biệt ông có một động thái đích thân đến thăm văn phòng Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong và khích lệ tinh thần cho vị Chủ tịch trẻ này trong bối cảnh Chủ tịch dương nhiệm Lee Kun-hee đang suy sụp và đó là khoảng thời gian khó khăn với Samsung. Chính vì hành động này và toàn bộ tập đoàn Samsung kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đây có thể coi là ví dụ điển hình về sự nhạy cảm và tài ngoại giao kinh tế của ông. Trong cuốn sách viết về ông, tôi đã tóm tắt các thành tựu của ông vào 3 cụm từ “sĩ phu Bắc Hà”, "ngoại giao cây tre” và “người đốt lò”. Đây là di sản to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

PV: Là người viết cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm xúc của ông với nhà lãnh đạo của Việt Nam ra sao?

Thật sự là rất buồn! Là tác giả viết cuốn sách về ông và khi cuốn sách đang chuẩn bị được xuất bản tại Việt Nam, ông đã vội ra đi là điều không có gì đáng tiếc hơn. Ngày mai, tôi sẽ bay tới Hà Nội với mong muốn được trực tiếp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu điều kiện không cho phép thì dù viếng vọng ông dưới bầu trời Hà Nội, nơi ông đã trút hơi thở cuối cùng, tôi cũng vẫn sẽ đi.

Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như trong sách tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng dù khi tốt nghiệp đại học, ông có ước muốn trở thành giáo sư nhưng theo sự phân công của Đảng, của tổ chức ông đã về làm việc tại tòa soạn báo. Đến năm 2021, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, khi tái đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3, tại cuộc họp báo sau đó ông cũng nói rõ mặc dù sức khỏe không tốt, bản thân mong muốn nghỉ ngơi nhưng theo yêu cầu của Đảng, ông phải tiếp tục đảm nhiệm trọng trách.

Và rồi, chiều 19/7, nhân vật ưu tú ấy đã lặng lẽ ra đi để lại đau buồn cho không chỉ người dân Việt Nam mà cả người dân của nhiều nước. Là người viết cuốn sách về ông, tôi không thể không đau buồn và tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến nhân dân Việt Nam.

PV: Theo tác giả, thế hệ trẻ Việt Nam có thể học được gì từ tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Theo tôi, không chỉ thế hệ trẻ của Việt Nam mà người dân trên thế giới có rất nhiều điều cần học từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bài thơ mà nhiều thế hệ người Viêt Nam yêu thích và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất thích là “Tre Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy trong đó có câu: "Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”.

Một bài thơ nữa là bài “Việt Bắc”, cũng khắc họa hồn cốt của dân tộc Việt Nam qua hình tượng cây tre. Hai bài thơ này là những tác phẩm phản ánh rõ nét khi chất trữ tình của Tổng Bí thư và tư tưởng của Tổng Bí thư với tư cách là một nhà lý luận xã hội chủ nghĩa.

Tôi cho rằng sau này, thế hệ trẻ Việt Nam khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nhớ về hai bài thơ này và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là đại diện cho hình tượng cây tre Việt Nam với rễ chắc, thân khỏe, cành mềm. Đây chính là lý luận mà ông đã đúc kết trong học thuyết ngoại giao của mình. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp thu có chọn lọc văn minh tiến bộ của thế giới trên nền tảng kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống trọn vẹn một cuộc đời có gốc rễ vững chắc, tức là niềm tin vào hồn cốt và ý niệm mà bản thân đã theo đuổi, thân mềm, lá mỏng thể hiện sự linh hoạt, uyển chuyển trong biện pháp triển khai mà mang lại nhiều thành tựu rực rỡ cho đất nước, lợi ích thiết thực lâu dài cho người dân Việt Nam.

Có một điều hiếm thấy đó là do xuất thân là sinh viên văn khoa nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là nhà lý luận uyên thâm nhưng ông cũng dẫn dắt người dân bằng trí tuệ và tinh thần nhân văn cao, thông qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới. Nếu các thế hệ trẻ Việt Nam có trình độ, có lòng tự tôn và học hỏi được tinh thần nhân văn đó thì các bạn có thể tự tin giao tiếp với thế giới như công dân của đất nước văn minh hàng đầu.

Theo TTXVN
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển công nghệ số với Burundi và NIPA
    Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Số quốc tế 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện Burundi Léocadie Ndacayisaba và ông Hur Sung Wook, Chủ tịch Cục Xúc tiến Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA).
  • Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
    Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
  • Đưa siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi" vào cuộc sống
    “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh các vấn đề đời sống, từ đó giúp chính quyền tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
  • Sự gia tăng của ứng dụng AI tạo sinh: Những rủi ro tiềm ẩn cho xã hội và con người
    AI tạo sinh là một trong những thành tựu công nghệ mới nhất của con người trong thập niên 20 của thế kỷ XXI. Cho đến nay, sự ứng dụng của AI tạo sinh đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận quan trọng trong các nghiên cứu xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực triết học. AI tạo sinh đã thách thức nhiều khái niệm và định kiến của chúng ta về bản thân mình, đặc biệt là về cách chúng ta hiểu về tư duy và bản chất của tư duy con người.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam
    Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp là một công cụ quan trọng giúp quản lý và xử lý thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Tác giả Hàn Quốc viết sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếc thương khi nghe tin ông từ trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO