Tài chính ngân hàng Việt Nam cần tận dụng lợi thế để bứt phá trong cuộc đua blockchain

Ngọc Diệp| 25/06/2022 07:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là xu hướng tất yếu trong công việc hàng ngày, đặc biệt là những lĩnh vực luôn luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy và chính xác như tài chính ngân hàng. Tại Việt Nam, ứng dụng blockchain Việt Nam đang nở rộ với nhiều cơ hội lớn nhưng cũng gặp không ít thách thức về nhân sự, hành lang pháp lý.

Blockchain đang tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Ngày 24/6/2022, tại Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng, hội thảo "Ứng dụng blockchain trong tài chính ngân hàng: Thực trạng và xu hướng" đã được Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế trường ĐH Tôn Đức Thắng và khoa Tài chính Ngân hàng trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp với Trung tâm Quản lý tài sản số (TSS) thuộc Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam đồng tổ chức. Hội thảo được sự bảo trợ chuyên môn của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Liên minh chuyển đổi số (CĐS) DTS và Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam.

Đây là một sự kiện bên cạnh hội thảo quốc tế về blockchain và quản trị tài chính tiên tiến do trường ĐH Tôn Đức Thắng đồng tổ chức với các trường đại học đến từ Hoa Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Indonesia trong các ngày 23 - 24/6/2022.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nghiêm Quý Hào, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng, ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: "Giờ đây, blockchain không chỉ còn là cái gì đó của tương lai, mà thực sự nó đã có những sản phẩm thực tế và nó đã và đang tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Là một công nghệ mới sáng tạo với sức mạnh có khả năng phá vỡ các mô hình kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tái định hình các thị trường trong tương lai, blockchain cũng mang lại tiềm năng to lớn đối với các thị trường mới nổi để có thể vươn lên một cách nhanh chóng".

Ngành tài chính ngân hàng Việt Nam cần tận dụng lợi thế để bứt phá trong cuộc đua blockchain  - Ảnh 1.

TS. Nghiêm Quý Hào: Các trường ĐH, với các sứ mệnh cốt lõi là giáo dục, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững, với tư cách là cái nôi của sáng tạo, nên và cần thiết tham gia vào các quá trình giáo dục, đào tạo và phát triển blockchain ở Việt Nam.

Giáo dục đào tạo, KHCN và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu cho phát triển đất nước. Lĩnh vực blockchain đã và đang được quan tâm ở nhiều cấp độ, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhiều hội thảo, diễn đàn về blockchain đã và đang tiếp tục được tổ chức. Song một hội thảo, kết nối được giới khoa học và cộng đồng DN, được tổ chức bởi một trường đại học thì có lẽ không nhiều.

Do đó, theo TS. Nghiêm Quý Hào, các trường ĐH, với các sứ mệnh cốt lõi là giáo dục, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững, với tư cách là cái nôi của sáng tạo, nên và cần thiết tham gia vào các quá trình giáo dục, đào tạo và phát triển blockchain ở Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam cho biết: Trong thời đại 4.0 hiện nay, ưu thế luôn giành cho người đi đầu. Với xu thế toàn cầu đang tiến vào metaverse, công nghệ quốc tề về blockchain và quản lý tài chính tiên tiến là sự kiện không thể bỏ qua dành cho những ai quan tâm tới các nghiên cứu mới nhất và kết nối quốc tế về blockchain, tài chính và ngân hàng.

Blockchain được xem là công nghệ có tính đột phá và then chốt trong nền kinh tế số trong tương lai. Với hệ thống và khả năng chia sẻ dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và tính bảo mật cao, blockchain sẽ là một trong những công nghệ mang tính đột phá, có khả năng ứng dụng cao trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, điện tử viễn thông, logistics, kế toán kiểm toán,…

Dưới góc nhìn của VIA, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA, Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao về việc ứng dụng blockchain trong các lĩnh vực, đặc biệt là tài chính ngân hàng. Tại Việt Nam, tháng 7/2018, NAPAS đã phối hợp cùng ba ngân hàng VietinBank, VIB và TPBank, thực hiện thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng blockchain chỉ sau 4 tuần triển khai. Điều đó cho thấy tiềm năng cũng như động lực cho việc ứng dụng blockchain tại Việt Nam.

Ngành tài chính ngân hàng Việt Nam cần tận dụng lợi thế để bứt phá trong cuộc đua blockchain  - Ảnh 2.

Ông Vũ Hoàng Liên: Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao về việc ứng dụng blockchain

Trong một cuộc khảo sát 42.000 người trên 27 quốc gia của Finder, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ chấp nhận tài sản mã hóa, vượt qua hàng loạt thị trường khổng lồ khác như Anh, Mỹ, Ấn Độ… Trong nhóm 41% người từng sử dụng tài sản số, có tới 20% người được hỏi cho biết đã thực hiện giao dịch bitcoin.

Theo thống kê của Newszoo, năm 2021 có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu. Con số này tăng 5,3% so với năm 2020. Trong khi đó, con số của ứng dụng Annie Intelligence cho thấy Việt Nam đứng thứ hai tại Đông Nam Á về thị phần tải game trên các ứng dụng mobile (gồm IOS và Google Play), chiếm 22%, sau Indonesia với 38%.

Sau thành công của Axie Infinity vào giữa năm 2021, có thể nói năm qua là một năm khởi động của các dự án Gamefi với hàng loạt các dự án được ra mắt. Axie Infinity cũng là dự án nổi bật nhất trong cộng đồng Gamefi Việt Nam vào năm 2021, giúp CEO Nguyễn Thành Trung lọt top 10 những nhân vật có sức ảnh hưởng nhất trong thế giới tiền mã hóa.

Thách thức và giải pháp để phát triển blockchain tại Việt Nam

Ngành blockchain Việt Nam đang nở rộ với nhiều cơ hội lớn nhưng cũng gặp không ít thách thức về nhân sự, hành lang pháp lý. Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ blockchain thế giới với nhiều sản phẩm được cộng đồng toàn cầu đón nhận. Ngoài các lĩnh vực về game, NFT... công nghệ này đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống như giáo dục, nông nghiệp…

Chia sẻ về các giai đoạn phát triển của blockchain, ông Vũ Hoàng Liên, cho biết có 7 giai đoạn, đó là: giai đoạn thử nghiệm (2008 – 2009); giai đoạn lan truyền trong giới "tín đồ" công nghệ (2010 - 2012); giai đoạn hình thành thị trường (2013 - 2015); giai đoạn tăng trưởng bùng nổ (2016 – 2018); giai đoạn công nghiệp hóa (2019 - 2021); giai đoạn trưởng thành (2022 - 2025: lộ diện các "trùm" về blockchain).

Trong các giai đoạn đó, việc ứng dụng blockchain vào các DN tài chính, ngân hàng tại Việt Nam cũng phải đối mặt với các rào cản pháp lý. Ngày 08/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngày 13/01/2022, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh CĐS và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hoàng Liên, các văn bản pháp lý hiện hành chỉ mới đề cập tới công nghệ nhưng chưa đề cập cụ thể đến việc ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.

Báo cáo từ mạng xã hội LinkedIn khẳng định nhu cầu tuyển dụng lập trình blockchain sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Dữ liệu cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2020 - 2021, các tin tuyển dụng có từ khóa "blockchain" đã tăng 395% so với cùng kỳ ở Mỹ. Ngay cả Việt Nam, dựa theo một số báo cáo về thị trường lao động, nhóm ngành liên quan đến blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... có sự tăng trưởng mạnh và có nhu cầu nhân lực rất cao.

Đồng thời, để ứng dụng được công nghệ blockchain đòi hỏi hệ thống an ninh mạng vững chắc với tính bảo mật tuyệt đối. Điều này đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết nhiều về công nghệ blockchain nói riêng và fintech nói chung. Hơn thế nữa, việc cung cấp các hiểu biết cơ bản về công nghệ cho các nhà đầu tư cũng là vấn đề vô cùng quan trọng.

Chuyển đổi công nghệ nghĩa là thay đổi và thích ứng với môi trường giao dịch hoàn toàn mới. Do đó, các DN tài chính ngân hàng sẽ phải nỗ lực giúp cho các nhà đầu tư tiếp nhận và hiểu rõ được ưu điểm và hiệu quả mà nó mang lại trong hoạt động chứng khoán. Từ đó, tạo được niềm tin và mang lại giá trị cao cho các nhà đầu tư.

Ứng dụng KHCN là xu hướng tất yếu trong công việc hàng ngày, đặc biệt là những lĩnh vực luôn luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy và chính xác như tài chính, ngân hàng. Theo ông Phan Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài sản số (TSS), Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi tiên phong trong lĩnh vực blockchain. Để tận dụng lợi thế và bứt phá trong cuộc đua, cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, ưu tiên phát triển lĩnh vực đang có lợi thế so sánh, thu hút thêm nhân lực trình độ cao, hoàn thiện khung pháp lý cho blockchain và các ứng dụng liên quan như tiền điện tử, trò chơi điện tử.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tài chính ngân hàng Việt Nam cần tận dụng lợi thế để bứt phá trong cuộc đua blockchain
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO