Tài liệu quý trong di sản nghiên cứu văn học của Việt Nam
Cuốn sách “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và Tiến trình” của GS. Bùi Xuân Bào là một tài liệu quý trong di sản nghiên cứu văn học của Việt Nam, nổi bật với những vấn đề về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại giai đoạn từ 1925 - 1945.
Cuốn sách được ra mắt tại buổi toạ đàm Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Tri thức tổ chức chiều 7/5 tại Hà Nội, với sự tham dự của dịch giả Ngân Xuyên, các nhà giáo Trần Đình Sử, Phạm Xuân Thạch, nhà văn Hoàng Minh Tường.
Tại tọa đàm, nhà giáo, GS. Trần Đình Sử chia sẻ: trong ngành nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại vẫn còn không ít tác phẩm bị vùi lấp và lãng quên. Việc tìm ra chúng và giới thiệu với bạn đọc hôm nay là một thái độ trân trọng đối với di sản.
Cuốn sách của GS. Bùi Xuân Bào viết cách nay đã lâu năm là một ví dụ như vậy.
GS. Trần Đình Sử gọi cuốn sách của GS. Bùi Xuân Bào là bức tranh tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, bởi vì đây là một cách hệ thống hóa của một nhà nghiên cứu từ 70 năm trước. Ngày nay đã có nhiều người nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng có thể chưa biết đến tác phẩm của GS. Bùi Xuân Bào.
Theo lý giải của GS. Trần Đình Sử, do sách viết bằng tiếng Pháp, cuốn sách có lẽ là đầu tiên nghiên cứu sự khai sinh và tiến trình của thể loại tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Việt Nam trong vòng 20 năm từ năm 1925 - 1945, một thể loại văn xuôi quan trọng bậc nhất của văn học hiện đại. Đây vốn là luận án phụ Tiến sĩ văn chương mà ông trình ở Sorbonne năm 1961, viết bằng tiếng Pháp, in trong Tủ sách nhân văn xã hội, Sài Gòn, 1972.
GS. Trần Đình Sử nhận định cuốn sách là một tài liệu quý trong di sản nghiên cứu văn học của Việt Nam, nổi bật với những vấn đề:
Thứ nhất, tác giả chia 20 năm tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thành 3 giai đoạn: 1925 - 1932: hình thành; 1932 - 1940: phát triển rực rỡ; 1940 - 1945: sự phát triển của tiểu thuyết trong thời cuộc. Đặc biệt, đáng chú ý là sự phân tích tiểu thuyết giai đoạn 1932 - 1940.
Thứ hai, tiểu thuyết ít được được xét theo đặc trưng thể loại, mà theo bối cảnh lịch sử và khuynh hướng tinh thần đạo đức của xã hội.
Thứ ba, khẳng định ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa và tiểu thuyết Pháp, lấn át ảnh hưởng Trung Hoa, vì thế tác giả chú trọng phương pháp văn học so sánh và có thể xem đây là một công trình văn học so sánh xuất sắc văn học Pháp - Việt, Trung - Việt.
Thứ tư, tác giả là một nhà giáo có ngòi bút phân tích tinh tế các hình tượng tác phẩm tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ XX.
Nhìn qua bức tranh tiểu thuyết của GS. Bùi Xuân Bào, GS. Trần Đình Sử cho biết: "Bạn đọc sẽ thấy sự phân chia tiểu thuyết theo đề tài, chủ đề làm cho bức tranh phong phú, nhiều sắc màu, có kiến giải sâu sắc, nhất là về con người cá nhân trong tiểu thuyết. Đọc sâu vào cuốn sách bạn đọc được biết thêm nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm ngày nay ít biết, những câu trích dẫn rất đắt, những nhận định thỏa đáng của người đương thời cách đây hơn 70 năm".
Chính vì tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, GS. Trần Đình Sử cho biết: "Những khác biệt trong quan niệm của tác giả mà cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam và đông đảo bạn đọc".
Cuốn sách là luận án thứ hai mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Năm 1972 luận án được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”, năm 1985 được in tại Paris trong tủ sách “Đường Mới”. Bản dịch cuốn sách này là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.
GS. Bùi Xuân Bào là một học giả văn học và nhà giáo có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam và Pháp. Sinh ngày 1/1/1916 tại Quảng Nam, ông đã được nuôi dưỡng trong một gia đình có nền tảng văn hóa vững chắc và xuất sắc đỗ đầu kỳ thi dành cho học sinh xuất sắc nhất toàn Đông Dương. Sau đó, ông du học tại Pháp vào năm 1948, được tiếp xúc và say mê với văn học Pháp, nghiên cứu và nuôi dưỡng đam mê với văn chương.
Sau khi trở về Việt Nam, ông đóng góp cho sự phát triển của văn học và giáo dục, trước khi trở lại Pháp và giữ chức Cố vấn Văn hóa tại Sứ quán Việt Nam ở Paris. Bằng sự liêm khiết, tận tâm với nghiên cứu văn học cũng như vai trò trong giáo dục và ngoại giao, GS. Bùi Xuân Bào để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa của Việt Nam và Pháp. Ông mất ngày 4/7/1991 tại Paris, Pháp./.