Tầm nhìn 2035 cho lĩnh vực thông tin và truyền thông
Sự thống nhất, đồng thuận của các Bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN đã khẳng định và định vị vai trò của ngành thông tin trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức" trong tuyên bố chung tại AMRI 16.
Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI -16) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam khởi xướng với chủ đề: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” là nội dung xuyên suốt các thảo luận tại hội nghị chính thức và các sự kiện bên lề hội nghị này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT Việt Nam đã khởi xướng xây dựng nội dung văn kiện tuyên bố Tầm nhìn đến 2030 cấp Bộ trưởng ASEAN cho lĩnh vực Báo chí Truyền thông và Tuyên bố Đà Nẵng là văn bản cơ sở để ghi nhận sáng kiến định vị lại vai trò của ngành Báo chí Truyền thông, hình thành khung hợp tác cho ASEAN thông tin trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm AMRI 16 đã xây dựng một cổng thông tin quảng bá về ASEAN với hình thức giống như một cánh cổng để thế giới đi vào ASEAN và từ đó kết nối đến từng nước thành viên (Sử dụng tên miền chuyên dụng có đuôi .asean).
Các Bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN đã thông qua các văn kiện mới và ghi nhận kết quả và tiến trình đạt được của các khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực thông tin, bao gồm:
Thứ nhất, thông qua tuyên bố Tầm nhìn 2035 cho lĩnh vực Thông tin và truyền thông của ASEAN với mục tiêu kiến tạo ngành Thông tin và Truyền thông có năng lực chuyển đổi, thích ứng và tự cường hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và và hỗ trợ triển khai kế hoạch trên cả 3 trụ cột chính của ASEAN. Các Bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội nảy sinh từ sự hội tụ và chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng sau năm 2025, nhấn mạnh vai trò chuyển đổi của truyền thông trong việc trao quyền cho cá nhân, cộng đồng và xã hội và chuyển đổi từ việc tiêu thụ thông tin thụ động hướng tới việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động, khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét việc xây dựng kế hoạch tổng thể về chuyển đổi kỹ thuật số cho báo chí và truyền thông.
Thứ hai, thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về "Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng", trong đó công nhận vai trò then chốt của truyền thông trong việc đóng góp vào mục tiêu hướng đến công dân được trang bị kiến thức, thúc đẩy tiếp thu kiến thức như động lực để thúc đẩy một cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng, đồng thời thúc đẩy bản sắc ASEAN để thúc đẩy sự gắn kết xã hội và làm sâu sắc thêm ý thức là một phần của khu vực nhằm hành động trước bối cảnh truyền thông đang thay đổi do chuyển đổi kỹ thuật số.
Thứ ba, thông qua Kế hoạch hành động của nhóm đặc trách ASEAN về tin giả. Đây là một trong những nỗ lực không ngừng của ngành thông tin trong việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng bao gồm tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, quan điểm cực đoan và chủ nghĩa cực đoan.
Thứ tư, thông qua hướng dẫn quản lý thông tin của Chính phủ trong việc chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông nhằm xây dựng một khuôn khổ về cách các Chính phủ có thể ứng phó với thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm đang được phổ biến trên các phương tiện truyền thông hoặc trên các nền tảng truyền thông xã hội; Thiết lập các tiêu chuẩn và thông lệ tốt cho các quan chức thông tin của Chính phủ; Nâng cao tính chính xác và độ tin cậy, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động truyền thông của Chính phủ; Cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng hoặc các trường hợp khẩn cấp để đảm bảo rằng thông tin của Chính phủ minh bạch và có trách nhiệm.
Thứ năm, cập nhật và hoan nghênh tiến độ thực hiện kế hoạch chiến lược dành cho thông tin và truyền thông ASEAN (2016-2025) cũng như ủng hộ xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới để đóng góp hơn nữa cho việc hiện thực hóa vai trò của thông tin truyền thông đối với thúc đẩy xây dựng ASEAN tự cường và thích ứng, phù hợp với tuyên bố tầm nhìn AMRI.
Thứ sáu, phê duyệt các báo cáo kết quả từ 3 nhóm công tác trực thuộc Hội nghị quan chức cấp cao phụ trách về thông tin ASEAN (SOMRI) và đánh giá cao tầm quan trọng của 3 nhóm công tác nhằm tiếp tục phát triển lĩnh vực thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng cũng như thúc đẩy không gian mạng an toàn và bảo mật cho mọi công dân ASEAN, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội bao gồm người già, thanh niên, trẻ em và người khuyết tật.
Thứ bảy, cập nhật và hoan nghênh tiến độ Kế hoạch tổng thể truyền thông ASEAN giai đoạn 2018-2025 trong việc thúc đẩy một cộng đồng cơ hội cho tất cả mọi người.
Thứ tám, ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động/dự án của Ủy ban văn hóa và thông tin ASEAN tập trung nâng cao năng lực cho ngành thông tin và truyền thông; Nâng cao nhận thức về ASEAN và thúc đẩy bản sắc ASEAN; Hỗ trợ xuyên suốt những nỗ lực của ASEAN giải quyết các vấn đề phát triển con người, xã hội và bền vững.
Hội nghị đã nhất trí triệu tập Hội nghị AMRI lần thứ 17 và các Hội nghị liên quan tại Brunei Darussalam vào năm 2025.