Tận dụng sức mạnh công nghệ mới trong xây dựng chính phủ điện tử

Linh Đan| 15/12/2021 15:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), chính quyền số, Bạc Liêu sẽ ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số mới như Cloud, Big Data, IoT, AI, Blockchain, mạng xã hội để vận hành và tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.

Ngày 28/9/2018, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 203/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Bạc Liêu phiên bản 1.0. Phiên bản này được xây dựng trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 1.0 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 21/4/2015.

Năm 2019 với quan điểm chỉ đạo “Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/12/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 ban hành Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, phiên bản 2.0, đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số và cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuỗi khối …. Đây là cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng, phát triển Kiến trúc CPĐT/CQĐT phiên bản 2.0. 

Bạc Liêu đã tiến hành xây dựng Kiến trúc CQĐT, phiên bản 2.0 cập nhật, bổ sung, phát triển từ Kiến trúc CQĐT của tỉnh Bạc Liêu, phiên bản 1.0. Đặc biệt, Kiến trúc CPĐT/CQĐT phiên bản 2.0 nhấn mạnh đến các nội dung về cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT; các xu thế công nghệ phát triển như Cloud Computing, AI, Big Data, Blockchain, 5G, Mobility. 

Kiến trúc CQĐT tỉnh Bạc Liêu, phiên bản 2.0 là căn cứ để định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2020-2025, hướng tới một hệ thống quản lý số toàn diện, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh. 

Tận dụng sức mạnh công nghệ mới trong xây dựng chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nền tảng hạ tầng CNTT, CSDL phục vụ phát triển CPĐT, Bạc Liêu sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số mới như Cloud, Big Data, IoT ... để vận hành và tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.

Ứng dụng công nghệ mới để phát triển CPĐT 

Kiến trúc CQĐT tỉnh Bạc Liêu, phiên bản 2.0 nhấn mạnh việc tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới, đồng thời tinh giản một số dịch vụ không cần thiết. Cụ thể, Bạc Liêu sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động. Triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng DVCTT, trước hết xem xét để giảm chi phí và thời gian cho người dân khi thực hiện TTHC trực tuyến; xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của CQNN.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ xây dựng, phát triển CQĐT, chính quyền số đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với CCHC, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tổ chức chuẩn hóa cấu trúc, hệ thống hóa mã định danh, thực hiện số hóa dữ liệu và cung cấp danh mục dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý của tỉnh đã được số hóa theo quy định để tích hợp, chia sẻ giữa các CSDL của các CQNN bảo đảm dữ liệu được thu thập một lần.

Thiết lập môi trường điện tử, cung cấp khả năng phân tích, xử lý, tổng hợp thông tin, dữ liệu thông minh, đảm bảo công tác quản lý, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, xác định dữ liệu được lưu trữ, chuẩn hóa trong các CSDL cùng các kết quả phân tích, xử lý dữ liệu đó là căn cứ quan trọng trong thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác thường xuyên, là căn cứ khoa học, thực tiễn của việc ra quyết định, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành.

Phát triển, mở rộng, nâng cấp Hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) kết nối các CSDL trong nội bộ tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài. Xây dựng, phát triển hoàn thiện các hệ thống ứng dụng, CSDL đặc thù dùng chung, các CSDL chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số của tỉnh, bảo đảm không trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí triển khai; cập nhật, kết nối, chia sẻ với các CSDL quy mô quốc gia theo yêu cầu và thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia;

Các dữ liệu gốc phải được định hướng cho phép lưu trữ dưới dạng máy có thể đọc được và chia sẻ dưới dạng dịch vụ giao diện lập trình ứng dụng (API), hướng tới việc hình thành, xây dựng, phát triển kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Dữ liệu cần được quản lý như là tài nguyên quan trọng, cần phải được chia sẻ một cách tối đa trong các CQNN và phục vụ người dân, DN theo quy định của pháp luật. Dữ liệu cần phải được chia sẻ, tái sử dụng trong các CQNN để đảm bảo người dân, DN chỉ cần cung cấp một lần đối với một loại dữ liệu khi thực hiện các TTHC. Dữ liệu số được pháp lý hóa để có giá trị như dữ liệu truyền thống; hướng đến cung cấp dịch vụ gia tăng trên các CSDL của tỉnh trong tương lai.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nền tảng hạ tầng CNTT, CSDL phục vụ phát triển CPĐT, Chính quyền số, Bạc Liêu sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số mới như Cloud, Big Data, Mobility, IoT, AI, Blockchain, mạng xã hội và các công nghệ số mới trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số tại địa phương để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống và tự động hóa, thông minh hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.

Theo Kiến trúc CQĐT tỉnh Bạc Liêu, phiên bản 2.0, việc xây dựng CQĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức. Cụ thể, phải xây dựng các hệ thống an toàn, an ninh mạng cho triển khai CQĐT, chính quyền số tại tỉnh, bảo đảm kết nối với các hệ thống an toàn, an ninh mạng quốc gia; phát triển Hệ thống Trung tâm Kiểm soát an toàn thông tin mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.

Các đơn vị thuộc tỉnh phải tổ chức triển khai bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng tại tỉnh. 

Tận dụng sức mạnh công nghệ mới trong xây dựng chính phủ điện tử - Ảnh 2.

Bạc Liêu đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. (Ảnh: baclieu.gov.vn)

Năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối IoT

Bạc Liêu đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 

100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh thông qua nền tảng đô thị thông minh của tỉnh, từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang sẽ phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình. Dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh được phổ cập, phấn đấu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. 

Chỉ tiêu cơ bản đến năm 2030, Bạc Liêu sẽ phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 

Năm 2030, Bạc Liêu sẽ hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. 70% các hoạt động quản lý, điều hành, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng sức mạnh công nghệ mới trong xây dựng chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO