Bên cạnh đó, khi triển khai, làm tốt nhiệm vụ này, sẽ góp phần đẩy mạnh, đồng bộ các ứng dụng CNTT, tiết giảm thời gian, chi phí xã hội, minh bạch, công khai tài chính, chấm dứt tình trạng làm giả hóa đơn…
Hướng đến những mục tiêu trên và để việc sử dụng HĐĐT đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ với điểm mới là các quy định việc quản lý, sử dụng HĐĐT.
Cần tập trung tăng cường các giải pháp CNTT
Theo quy định của Thông tư số 78/2021/TT-BTC, kể từ ngày 01/7/2022, toàn bộ DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện HĐĐTvới các nội dung: Ủy nhiệm lập HĐĐT; mẫu hiển thị các loại HĐĐT; ký hiệu mẫu số HĐĐT, ký hiệu HĐĐT; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng HĐĐT đối với một số trường hợp khác.
Cùng với đó, các HĐĐTđược thực hiện theo quy định chặt chẽ: Có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tên loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn do Cục Thuế đặt in; việc sử dụng biên lai thu thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế đối với cá nhân và hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.
Báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện nay việc sử dụng HĐĐT đã thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 255 doanh nghiệp (DN) thí điểm áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế và trên 550.000 DN áp dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạoo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Số lượng HĐĐT đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hóa đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.
Để triển khai hiệu quả các nội dung quy định này, Tổng cục Thuế yêu cầu: Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, phân loại người nộp thuế là DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; sẵn sàng chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp CNTT để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế; rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT trên địa bàn về việc triển khai HĐĐT cho khách hàng theo quy định.
Thông tư cũng nêu rõ, trong trường hợp các DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh (trừ DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn chứng từ) nếu không đáp ứng đủ về Hạ tầng CNTT, hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập HĐĐT... thì vẫn sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (tối đa trong thời gian 12 tháng) và các cơ quan thuế phải có giải pháp chuyển đổi, áp dụng HĐĐT.Còn lại, đối với các trường hợp đủ điều kiện về hạ tầng CNTT khuyến khích áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/7/2022.
HĐĐT giúp xây dựng, hoàn thiện nguồn cơ sở dữ liệu số về hóa đơn
Có thể nói, việc sử dụng HĐĐTđang tạo ra những lợi ích to lớn đối với xã hội, thúc đẩy nền kinh tế số đất nước, góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, làm giả hóa đơn, giảm tối đa việc sử dụng giấy in góp phần bảo vệ môi trường.
Quan trọng hơn, đây là việc thực hiện nhiệm vụ theo đúng hướng của tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, đồng thời, giúp cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, hoàn thiện nguồn cơ sở dữ liệu số về hóa đơn.
Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư này góp phần thực hiện hiệu quả Nghị định số 123/2020/NĐ-CP - một văn bản được có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng HĐĐT, mà mục tiêu xa hơn hướng đến sớm về đích, vận hành hiệu quả nền Chính phủ số.
Cũng để góp phần triển khai nhanh chóng, hiệu quả nhiệm vụ này, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định) về việc phối hợp triển khai HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Công văn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TT&TT, các đài, báo địa phương đẩy mạnh tuyên truyền; chỉ đạo sở kế hoạch và đầu tư thông báo, tuyên truyền các thành lập ban chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT; chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thông tin HĐĐT chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng thực hiện việc kết nối, tra cứu thông tin...
Nói về các lợi ích được tạo ra khi sử dụng HĐĐT, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.
"Tổng cục Thuế xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 mới, theo hướng triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), điều này vì mục tiêu đảm bảo hiệu quả việc thực hiệnnhiệm vụ sử dụng HĐĐT", ông Minh cho biết.
Trên quan điểm khác, khi nói về giải pháp giúp khuyến khích, giúp các DN áp dụng HĐĐT hiệu quả, đại diện DN chuyên về Kế toán & Tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được từng chia sẻ, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các nhà cung cấp phần mềm.
"Trong bối cảnh hiện nay, DN cần nhận thức rõ những lợi ích của việc sử dụng HĐĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì HĐĐT rất thuận tiện trong việc lập, gửi, lưu trữ, báo cáo… rất thuận lợi trong quản lý kinh doanh", ông Được nhấn mạnh.
Với các giá trị, lợi ích được tạo ra, chúng ta luôn tin tưởng, khi quyết tâm triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ này, đây sẽ là tiền đề không chỉ ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.