Tăng cường công cụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

VA| 25/11/2020 20:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội khiến trẻ em trở thành công dân số từ rất sớm. Điều này mang lại nhiều lợi ích trong việc phục vụ học tập, giải trí, tăng cường tương tác xã hội… Song, bên cạnh đó nó cũng đang đặt ra không ít những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em, bởi môi trường không gian mạng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, mất an toàn đối với trẻ.

Nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em trên không gian mạng

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của Internet thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó, trẻ em Việt Nam đã từng bước được tiếp cận và hội nhập với nền tảng Internet ngày càng phát triển. Trẻ em có cơ hội học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội trên môi trường mạng. 

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy có không ít tác động tiêu cực, thậm chí trên môi trường mạng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với trẻ em.

Tăng cường công cụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - Ảnh 1.

Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em có nhiều lợi ích nhưng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. (Ảnh: Viettimes)

Theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan tại Hội thảo của Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" của Quốc hội tổ chức ngày 13/01/2020, Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 64 triệu người dùng, chiếm 66% dân số. Trong đó 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 và mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục.

Theo kết quả khảo sát cho thấy cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em trai.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên mạng Internet.

Chưa bao giờ việc tiếp cận và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi trở nên báo động như thời điểm hiện nay. Thông qua môi trường mạng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như: Hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, được quay, được chụp và phát tán trên mạng Internet, tiếp xúc với các nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm, nội dung xúi giục tự tử và những hành vi tiêu cực khác…

Theo các chuyên gia, việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với những vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Bởi lẽ, nếu như các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ một vài người chứng kiến, nhưng nếu việc xâm hại bị đưa lên mạng, thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả cuộc đời.

Do đó, việc tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo vệ và đảm bảo trẻ em được thực sự an toàn trên môi trường mạng đang được Chính phủ, các cấp, ngành và các phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Tăng cường công cụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Tăng cường công cụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, đã có nhiều văn bản pháp lý với những mục quy định cụ thể như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư số 09/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên Đài phát thanh truyền hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Trong năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019, Việt Nam đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).

Đặc biệt, tháng 3/2020 nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thông tin trên không gian mạng với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em. Theo kế hoạch, các đơn vị liên quan sẽ tập trung khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; Triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet.

Ngày 9/11 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trả lời chất vấn về việc ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và việc lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng vào bộ Quy tắc này.

Theo đó, Bộ TT&TT đã quan tâm lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng vào trong bộ Quy tắc ứng xử. Cụ thể, nội dung của bộ Quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em, yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025. Đề án đưa ra những giải pháp cơ bản như tạo đầu mối duy nhất tiếp nhận phản ánh nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để chủ động gỡ bỏ nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ TT&TT cũng sẽ trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em như giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để trẻ em tự nhận diện nguy cơ, tự bảo vệ mình. Hiện nay đề án đã được trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2020.

Với quyết tâm đẩy lùi những nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên không gian mạng cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự kết hợp giữa sức mạnh của áp dụng công nghệ tiên tiến với kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em hy vọng sẽ tạo nên một bước tiến mới giúp trẻ em Việt Nam được bảo vệ an toàn và phát triển lành mạnh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ môi trường không gian mạng.

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT ban hành "cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng"
    Bộ TT&TT ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo từng nhóm tuổi phù hợp để trẻ em tự bảo vệ bản thân và phụ huynh cùng tham gia bảo vệ con em mình sinh hoạt trên môi trường mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công cụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO