Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí Tại Việt Nam

T.H| 23/05/2022 17:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường như sự gia tăng quá tải của rác thải, ô nhiễm không khí hay ô nhiễm sông hồ,... Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng và chất lượng cuộc sống người dân.

Nhằm cải thiện chất lượng không khí (CLKK) và hạn chế ô nhiễm môi trường, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố bị ô nhiễm không khí (ONKK) ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều nghiên cứu và dữ liệu quan trọng để có một bức tranh cụ thể về nguyên nhân và giải pháp. Với thực trạng  ONKK hiện nay, cần sự đầu tư lâu dài và quyết liệt của cơ quản quản lý cấp trung ương và chính quyền địa phương cho việc nghiên cứu về ONKK để kiểm soát ô nhiễm từ nguồn thải.

Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác bình đẳng cũng như tận dụng các dữ liệu khoa học từ các kết quả nghiên cứu hợp tác để bổ sung cho dữ liệu của cơ quan quản lý, cũng như xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu để phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Những năm qua, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đã có các chương trình nghiên cứu, hoạt động bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí mà Live&Learn phối hợp thực hiện tại Việt Nam. Đặc biệt là nỗ lực của Dự án Chung tay vì không khí sạch, được thực hiện bởi Live & Learn dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án hướng tới nâng cao nhận thức và thúc đẩy giải pháp về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em và cộng đồng tại Hà Nội và các thành phố khác theo đúng tinh thần mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị định.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí Tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường

Chính sách và giải pháp cải thiện chất lượng không khí

Để có được môi không khí sạch đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp (trung ương và địa phương), nhiều lĩnh vực (môi trường - sức khỏe - các ngành nghề sản xuất) và nhiều bên tham gia (nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng và các tổ chức xã hội).

Từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều văn bản pháp luật ra đời về quản lý chất lượng không khí ở cả cấp trung ương và địa phương. Trong đó đáng chú ý ở cấp trung ương là Luật Bảo vệ môi trường 2020, thay thế cho Luật năm 2014, và Nghị định 08/2022-CP đã bổ sung quy định về Kế hoạch Quản lý CLKK và Trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan; đồng thời Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh.

Tại địa phương như Hà Nội, một loạt các chỉ thị kiểm soát ONKK đã ra đời và đang là công cụ quản lý để triển khai các giải pháp cụ thể, ví dụ Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về loại bỏ than tổ ong, Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/09/2020 về kiểm soát đốt rơm rạ và chất thải.

Một số các địa phương cũng đang tiến hành xây dựng kế hoạch quản lý CLKK cấp tỉnh một cách bài bản và dựa trên các bằng chứng khoa học như Vĩnh Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam…

Về kế hoạch quản lý chất lượng không khí: các địa phương đang được cho là có vấn đề về ONKK sẽ cần ưu tiên để xây dựng kế hoạch quản lý CLKK cấp tỉnh hoặc liên vùng. Kế hoạch cấp quốc gia cần đặt ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm không khí. Đối với ứng phó ONKK nghiêm trọng, cần cân nhắc về việc quy định quá chi tiết về mức AQI và các biện pháp ứng phó; cũng như hiện nay Việt Nam chưa có dự báo CLKK, cảnh báo sớm.

Về quan trắc môi trường và giám sát CLKK: cần cởi mở hơn với các công nghệ mới trong giám sát CLKK như sử dụng cảm biến chi phí thấp cho các mục tiêu nâng cao nhận thức, hay xác định các điểm nóng về ONKK hay sử dụng dữ liệu vệ tinh cho các giám sát diễn biến của ONKK trong thời gian dài, hay xem sự phân bố ONKK theo vùng/liên tỉnh. cùng với đó, cần có các hướng dẫn, chỉ dẫn về các cách đọc dữ liệu về ONKK, cũng như các lưu ý về ưu điểm và hạn chế của mỗi phương pháp giám sát và các dữ liệu của chúng để cộng đồng hiểu đúng và sử dụng đúng cách. Có thể tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan quản lý môi trường như Mỹ, Châu Âu.

Bảo vệ môi trường từ thanh thiếu niên và cộng đồng

Theo báo cáo của UNICEF công bố vào tháng 8 năm 2021, Việt Nam xếp thứ 37 trên 163 quốc gia về chỉ số bị tác động bởi các vấn về khí hậu và môi trường của trẻ em (Children’s Climate Risk Index - CCRI, báo cáo "Khủng hoảng môi trường là khủng hoảng về quyền trẻ em" (The climate crisis is a child rights crisis).

Trong các năm vừa qua Live & Learn đã xây dựng và chia sẻ các tài liệu giáo dục môi trường tới hơn 200 tổ chức, đơn vị giáo dục. Với hình thức đa dạng, sinh động và tính tương tác cao, các tài liệu như áp phích, phim hoạt hình, khóa học trực tuyến, sổ tay, bộ thẻ trò chơi, video hướng dẫn tổ chức trò chơi... đã giúp các em học sinh dễ hiểu, dễ ghi nhớ và dễ vận dụng các thông điệp, kiến thức về môi trường.

Live & Learn cũng đã đồng hành cùng trên 70 trường học để nâng cao nhận thức và thực hiện các giải pháp: tổ chức các hoạt động CLB, hoạt động STEM về môi trường, lắp đặt máy đo chất lượng không khí, tăng cường không gian xanh trong trường học, thực hiện chương trình "Đường đến trường an toàn", lắp đặt trạm sạc năng lượng mặt trời, thu gom rác nhựa và rác điện tử...

Bên cạnh đó, các chiến dịch, cuộc thi như "Đại sứ xanh", "Hiệp sĩ môi trường nhí", "Thử thách cùng con đọc sách sống xanh"... đã thu hút hàng ngàn người tham gia để bảo vệ sức khỏe của trẻ em, gia đình và cộng đồng. Với các hình thức đố vui, xem phim hoạt hình và thử thách sống xanh, các hoạt động này tạo sân chơi vui vẻ, bổ ích cho trẻ em và gia đình kể cả trong thời kỳ giãn cách xã hội phòng COVID-19.

Trong năm 2021, Live & Learn đã tham vấn và đồng hành cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội để triển khai thí điểm chương trình "Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh" tại 69 trường học ở các cấp Mầm non, Tiểu học và THCS thuộc 4 quận/huyện: Hoàn Kiếm (39 trường), Hai Bà Trưng (10 trường), Đông Anh (10 trường) và Thạch Thất (10 trường)

Các hoạt động xây dựng trường học xanh được thực hiện tại 69 trường học, bao gồm các giải pháp bảo vệ môi trường về các chủ đề không khí, năng lượng, rác thải, nước và không gian xanh và cuộc thi "Đại sứ xanh" giúp nâng cao nhận thức của hơn 1.000 giáo viên và 43.000 học sinh, đồng thời, thúc đẩy thực hành bảo vệ môi trường với ít nhất 40.000 hành động xanh.

Ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ - lực lượng lao động sản xuất chính của nền kinh tế địa phương và quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, thanh niên không phải là nạn nhân bị động trước vấn đề môi trường, mà đây có thể là một lực lượng đông đảo với những ý tưởng mới, sáng tạo và luôn có mong muốn đóng góp/ trực tiếp mang lại những thay đổi tích cực.

Chính vì vậy, dự án "Chung tay vì Không khí sạch" (CAfCA) tiếp nối từ dự án Không khí sạch - Thành phố xanh (CAGC) tiếp tục dành một phần nguồn lực đáng kể để xây dựng và vận hành Quỹ sáng kiến dành đối tượng hưởng lợi thanh niên - trường học và cộng đồng.

Live & Learn cùng với quỹ USAID và huy động từ Quỹ Tầm Vóc Việt, Hội Đồng Anh, thực hiện chương trình Quỹ sáng kiến nhằm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các sáng kiến của thanh niên trên khắp cả nước về chủ đề Không khí. Tới nay, đã có 194 dự án được gửi về thông qua 4 lần mở quỹ, trong đó có 43 dự án về chủ đề Không khí do thanh niên đề xuất nhận được tài trợ để triển khai tại 11 tỉnh/thành 11 phố và trực tuyến trên toàn quốc nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương, trong đó có 27 dự án Truyền thông - Giáo dục và 16 dự án Khoa học - Kỹ thuật.

Bên cạnh đó, với mong muốn và nỗ lực mang Khoa học công dân đến gần hơn với học sinh Việt Nam, Dự án Chung tay vì không khí sạch phối hợp cùng với Viện Goethe (Goethe Institut Vietnam) và các đơn vị thiết kế máy đo chất lượng không khí chi phí thấp tổ chức cuộc thi "Nhà Khoa học nhí - Đi tìm không khí sạch". Trong cuộc thi, học sinh thực hành sử dụng máy đo để theo dõi chất lượng không khí trong các tình huống thực tế của gia đình, địa phương của các em và phân tích kết quả đó, từ đó làm ra các sản phẩm truyền thông về chủ đề này. Các kỹ năng như sử dụng và đọc số liệu từ máy đo; hay lưu ý trong truyền thông về chủ đề này sẽ được tập huấn cho người tham gia bên lề cuộc thi./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí Tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO