Phải có cơ chế khen thưởng, tôn vinh các KOL đóng góp tích cực cho cộng đồng, đất nước
Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất các cơ chế khen thưởng, trao giải tôn vinh đóng góp của các KOL, nhà sáng tạo nội dung số có đóng góp tích cực cho cộng đồng, đất nước.
Quản lý những người có ảnh hưởng - KOL (Key Opinion Leader) trên không gian mạng Việt Nam như thế nào để môi trường mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh và mang lại giá trị tích cực là điều cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) đang hướng đến.
Quản lý KOL cũng hướng đến việc xem xét, khuyến khích sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa cơ quan QLNN với các KOL, người nổi tiếng, nhằm phát huy thế mạnh và tầm ảnh hưởng của KOL trong hoạt động truyền thông chính sách, lan tỏa thông tin, thông điệp chính thống, chuẩn mực tới cộng đồng, xã hội, giới trẻ…
Nhằm làm rõ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trao đổi với PV Tạp chí TT&TT một số nội dung liên quan.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: KOL ngày càng trở thành lực lượng quan trọng trong hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo, thương mại, đồng thời có khả năng tác động đáng kể tới nhận thức, hành vi, ứng xử của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Hiện nay, các cơ quan QLNN quản lý KOL khá toàn diện trên các lĩnh vực mà KOL tham gia.
Cụ thể, Bộ TT&TT và các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... tập trung quản lý KOL về hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, do các KOL hoạt động chủ yếu trên nền tảng mạng xã hội (MXH), Bộ TT&TT đưa ra các quy định mới tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm siết chặt quản lý nền tảng MXH, tài khoản, trang, kênh MXH đặc biệt là trong việc yêu cầu xác thực tài khoản, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải và chia sẻ thông tin (viết bài, bình luận, livestream)…; qua đó, điều chỉnh hoạt động của người sử dụng MXH nói chung và KOL nói riêng.
Hiện tại, Luật Quảng cáo cũng đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung để tăng cường thêm các quy định quản lý hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng, KOL.
Ngoài chế tài quản lý, xử lý “cứng” được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chế tài “mềm” cũng được cân nhắc áp dụng, theo quan điểm có thưởng có phạt, hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời phát huy mặt tích cực.
Đối với những người nổi tiếng, KOL vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực gây tác động tiêu cực đến cộng đồng, cần xem xét áp dụng biện pháp chấn chỉnh mạnh tay như kiểm soát sự xuất hiện hình ảnh, thông tin, hoạt động trên báo chí, truyền thông, quảng cáo, biểu diễn, không chỉ là chỉ phạt hành chính đơn thuần.
Đối với những KOL góp phần đưa tin, xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tốt đẹp, hay tuyên truyền đưa thông tin, thông điệp giá trị, chính thống, sẽ nhận được sự tôn vinh, ghi nhận của cơ quan quản lý, cộng đồng.
Ngày 30/11 vừa qua, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) đã tổ chức trao 11 giải thưởng về sáng tạo số (Vietnam iContent Awards) để khích lệ, động viên, vinh danh các KOL, nhà sáng tạo nội dung số có thành tích, đóng góp nổi bật.
Các biện pháp quản lý này được đúc rút từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… để áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
PV: Để môi trường mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh và mang lại giá trị tích cực, việc quản lý các KOL hoạt động theo định hướng, chuẩn mực quy tắc ứng xử rất cần được quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp quản lý, sử dụng KOL, xin bà cho biết những đề xuất giải pháp cụ thể này là gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã có báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 giải pháp quản lý, sử dụng KOL chính như sau:
Một là, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện quy định pháp luật để quản lý toàn diện KOL trên không gian mạng.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL.
Ba là, tập hợp, kết nối KOL để tham gia tuyên truyền về chủ trương chính sách, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, sáng tạo những nội dung có ích, có cơ chế khen thưởng, trao giải tôn vinh đóng góp của các KOL, nhà sáng tạo nội dung số có đóng góp tích cực cho cộng đồng, đất nước.
PV: Việc quản lý các KOL liên quan đến nhiều Bộ, ngành, Bộ TT&TT đề xuất giao các bộ, ngành, địa phương triển khai quản lý, rà soát, xử lý KOL vi phạm theo quy định pháp luật về hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh TMĐT, vi phạm về hình sự… Những đề xuất này cụ thể như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.
Bộ TT&TT đề xuất tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL; tập trung vào trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… trong việc xác thực danh tính, quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cung cấp thông tin, thương mại, quảng cáo, nghĩa vụ thuế… của KOL.
Ngoài ra, các Bộ, ngành khác cũng cần tham gia rà soát, xử lý vi phạm trong hoạt động của người nổi tiếng, KOL trong lĩnh vực mình quản lý; xem xét bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm là người nổi tiếng, KOL, có thể cân nhắc phạt tiền theo mức thu nhập để đảm bảo tính răn đe. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, xem xét xử lý hình sự cũng là điều cần thiết.
PV: Hiện nay, một số địa phương trong cả nước, nổi bật là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có những chuyển động tích cực trong việc quản lý KOL, trên góc độ cơ quan QLNN, bà có thể chia sẻ việc địa phương vào cuộc có ý nghĩa như thế nào và vai trò của cơ quan Nhà nước trong định hướng cho các địa phương?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Việc một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động trong công tác quản lý KOL là một tín hiệu tích cực, phản ánh sự quan tâm và nỗ lực của các địa phương trong việc đảm bảo không gian thông tin minh bạch, lành mạnh và có trách nhiệm.
Trước hết, sự tham gia chủ động của các địa phương có ý nghĩa rất lớn. Điều này cho thấy sự nhận thức rõ ràng rằng quản lý KOL không chỉ là công việc ở cấp Trung ương mà còn cần sự tham gia tích cực của địa phương, nơi trực tiếp tiếp xúc với các hoạt động thực tiễn của KOL và cộng đồng.
Các địa phương như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, thường là nơi diễn ra sôi động các hoạt động liên quan đến KOL. Việc chủ động triển khai các biện pháp quản lý sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề phát sinh như nội dung vi phạm, quảng cáo sai sự thật hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Từ góc độ của cơ quan QLNN ở Trung ương, chúng tôi luôn coi trọng vai trò định hướng, hỗ trợ và phối hợp với các địa phương. Cụ thể, Cục PTTH&TTĐT đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như:
Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý: Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành các quy định và hướng dẫn liên quan đến việc quản lý hoạt động của KOL, đặc biệt là trong hoạt động quảng cáo trên các nền tảng MXH. Điều này tạo nền tảng pháp lý thống nhất để các địa phương có thể triển khai hiệu quả.
Hỗ trợ chuyên môn và đào tạo: Chúng tôi tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, và nâng cao năng lực cho các địa phương về quản lý nội dung số, bao gồm KOL. Điều này giúp địa phương hiểu rõ các yêu cầu, cách thức và công cụ để thực hiện công tác này.
Cuối cùng, vai trò của cơ quan QLNN Trung ương không chỉ dừng lại ở việc đưa ra chính sách mà còn là cầu nối giữa các địa phương với các đối tác trong và ngoài nước, bảo đảm việc quản lý KOL được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, và phù hợp với tình hình thực tiễn.
PV: Vậy thì Cục PTTH&TTĐ kỳ vọng việc quản lý KOL có tác động tới môi trường quảng cáo trên không gian mạng như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Thị phần quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng, KOL (Influencer marketing) ngày càng phát triển mạnh. Chủ yếu, KOL sử dụng các nền tảng MXH, TMĐT để quảng cáo, đánh giá, khuyến nghị, chứng thực, xác nhận sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Statista, quy mô của Influencer marketing tại Việt Nam năm 2023 ước đạt trên 75 triệu USD, gấp 2,5 lần so với năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL trên mạng đang có xu hướng dễ dãi trong việc nhận quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, chưa được công nhận, hoặc quảng cáo chưa chính xác về công dụng, tính năng của sản phẩm, đặc biệt là thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, tình trạng không đưa ra thông báo rõ ràng về việc đăng quảng cáo, hoặc quảng cáo nhưng lại trá hình là nêu đánh giá, cảm nhận, bình luận cá nhân (review, comment) cũng diễn ra phổ biến, làm cho nhận thức và quyết định mua sắm của người tiêu dùng bị sai lệch.
Việc quản lý KOL là một phần quan trọng trong nỗ lực tổng thể nhằm xây dựng một môi trường quảng cáo an toàn và có trách nhiệm trên không gian mạng. Qua đó, chúng tôi muốn hướng tới hiệu quả về nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các KOL trong quảng cáo, giảm thiểu tình trạng quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với quảng cáo trực tuyến, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.
Trân trọng cảm ơn bà!