Sáng ngày 5/3/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các bên nhằm hoàn thiện xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”. Sự kiện này là một trong các hoạt động trọng tâm của Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ - GBII thuộc Đề án 12 được tài trợ thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh.
Báo cáo này được phối hợp thực hiện giữa Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững, VCCI và Công ty TNHH Tư vấn Hội nhập và Phát triển - TDI cùng với các chuyên gia uy tín của Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính và sự hỗ trợ kỹ thuật của Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Quốc tế - IBLF Global (UK).
Tham dự Hội thảo, Đại diện cơ quan tài trợ, Ngài Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ Quỹ Thịnh vượng, Chính phủ Anh đã hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia trên thế giới phòng chống tham nhũng. Tại Việt Nam, chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình và dự án khác nhau, bao gồm Dự án Triển khai thực hiện Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC). Với các nỗ lực từ phía Chính phủ, cụ thể Luật Phòng, chống tham nhũng sắp tới có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ tạo đà thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ và thể hiện rõ cam kết xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính. Tuy nhiên, để có thể thực hiện một chương trình liêm chính doanh nghiệp hiệu quả thì cần có sự hợp tác tham gia của các bên liên quan không chỉ từ phía cơ quan chính phủ mà còn có sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Thúc đẩy môi trường kinh doanh tập trung vào lĩnh vực liêm chính doanh nghiệp tiếp tục là một trong những ưu tiên của Vương quốc Anh tại Việt Nam, vì vậy tôi rất vui khi nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam”.
Ngài Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam
Hội thảo diễn ra vào thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp chính thức có hiệu lực (tháng 7/2019), mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước (khu vực doanh nghiệp). Nghiên cứu được thảo luận tại hội thảo kịp thời giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: “Khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng thì các hành vi xấu dễ có cơ hội này sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu.Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp”.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
Kết quả nghiên cứu thu được từ 239 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát và 40 doanh nghiệp tham gia vào các cuộc phỏng vấn sâu đã cho thấy một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp còn hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử, cụ thể có nhiều doanh nghiệp cho rằng kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ chứ không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Trong số đó, chỉ có 50% - 60% doanh nghiệp cho thấy họ hiểu rõ về kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ trong việc thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh. “Việc áp dụng các công cụ này là trách nhiệm của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế theo Điều 79 Chương VI của Luật Phòng, chống tham nhũng”, bà Wiesen nhấn mạnh. “UNDP sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cẩm nang hướng dẫn áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ, đồng thời cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp còn đang tìm cách áp dụng các công cụ đó”.
Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
Trong phần trình bày kết quả khảo sát (Kinh nghiệm quốc tế và thực trạng trong nước) và một số khuyến nghị chính, ông Brook Horowitz, Giám đốc điều hành, Diễn đàn các Nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế - IBLF Global, cho biết: "Các vấn đề tuân thủ, chẳng hạn như trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, có hai vấn đề quan trọng cần xem xét bao gồm: Một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp đã vi phạm một số các quy định; Việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước dường như là một thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam".
Để giải thích hay biện minh cho việc này, các doanh nghiệp đã đưa ra một số thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật như gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định hoặc do các quy định pháp luật có sự chồng chéo/mâu thuẫn và thay đổi thường xuyên trong khi bản thân doanh nghiệp lại thiếu nhân lực chuyên trách để cập nhật, theo dõi sự thay đổi đó.
Ông Brook Horowitz, Giám đốc điều hành, Diễn đàn các Nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế - IBLF Global
Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn. Mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25% - 30% trong trong các giao dịch kinh doanh. Một phần ba số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát và điều này được cho rằng là nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh.
Cụ thể hơn về các phát hiện chính về thực trạng áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm nghiên cứu, đã chia sẻ: Đối với hoạt động mua sắm, các thực tiễn chưa tốt như “đặt hàng không theo nhu cầu”, “đặt hàng không đúng chất lượng”, “hồ sơ báo giá bị can thiệp làm mất tính khách quan” chiếm khoảng 10%.
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm nghiên cứu
Tương tự, trong hoạt động bán hàng, 11% - 16% doanh nghiệp tham gia khảo sát (tương đương 24%-34% doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát) đã nhận ra các bất thường này một cách rõ ràng như “lập hóa đơn sai”, “Bán hàng không theo đúng chính sách của doanh nghiệp”, giao hàng không đúng như cam kết trong hợp đồng”.
Đáng báo động hơn là các bất thường trong quản lý nhân sự có khoảng 27% đến 38% người trả lời cho biết họ có biết các hoạt động như “thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động”, “Chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng” và “tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn là năng lực”.
Khảo sát của PCI đã cho thấy tham nhũng hiện khá phổ biến: Một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp đang trả chi phí hối lộ như là một thông lệ kinh doanh thông thường; Hối lộ đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, đi ngược lại những nỗ lực của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng; Một tỷ lệ khá lớn các doanh nghiệp đang trả chi phí hối lộ cho rằng mức họ đang trả là “chấp nhận được”. Các doanh nghiệp có thiên hướng ''lợi nhuận trước mắt''; Cơ cấu, trách nhiệm không rõ ràng; Thiếu cam kết với liêm chính và trung thực.
Các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm tới “lợi nhuận” nhiều hơn "rủi ro"; Hệ thống và phương pháp đánh giá rủi ro còn yếu. Trong khi đó, hoạt động kiểm soát, Chính sách/ quy trình có cơ chế kiểm tra không rõ ràng; Năng lực chuyên môn hạn chế.
Kết quả nghiên cứu phần nào đã phán ảnh rõ những mặt hạn chế hay thậm chí không hiệu quả trong công tác quản lý nói chung. Ngoài ra, tại các công ty có quy mô lớn, vai trò của ban kiểm soát hoạt động còn khá hình thức, chưa thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ yêu cầu cao về tính độc lập mà thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào hội đồng quản trị và ban điều hành vì cho rằng ban kiểm soát vẫn là cấp dưới. Các báo cáo vi phạm trong quản trị doanh nghiệp vừa qua đã phần nào khẳng định hầu hết các vụ việc liên quan gần đây xẩy ra là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ và sự tuân thủ bộ quy tắc ứng xử còn yếu kém, thiếu minh bạch.
Việt Nam hiện đang phát triển rất nhanh. Cam kết rõ ràng về liêm chính trong kinh doanh của Chính phủ và doanh nghiệp có thể khiến cho nền kinh tế Việt nam trở nên hấp dẫn hơn với đầu tư và thương mại quốc tế. Kiểm soát nội bộ (KSNB) là một quy trình do Ban quản trị của doanh nghiệp, nhà quản lý và các nhân sự khác thực hiện, được thiết kế để đảm bảo cho việc đạt được mục tiêu về hoạt động, báo cáo và tuân thủ. Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế sẽ ban hành và thực hiện Bộ Quy tắc Ứng xử (QTƯX) và cơ chế kiểm soát nội bộ (KSNB) để phòng ngừa xung đột lợi ích, các hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, không có tham nhũng. Một hệ thống KSNB chặt chẽ sẽ giúp tăng cường hiệu lực, lợi nhuận và giảm bớt rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế hiện đang áp dụng hệ thống KSNB vững mạnh có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp có hệ thống KSNB chặt chẽ sẽ dẽ dàng tham gia vào các chuỗi cung ứng dịch vụ quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài
Các diễn giả tham dự phiên tọa đàm
Cải cách thể chế và hành động của doanh nghiệp là "hai chân" của sự phát triển. Thể chế đổi mới một bước thì DN cần tiến một bước dài hơn. DN cần cân bằng giữa "chớp cơ hội" và bảo vệ thành quả kinh doanh. Đồng thời, cải thiện hệ thống KSNB giúp DN bảo vệ thành quả kinh doanh. KSNB/QTƯX không nhất thiết đòi hỏi đầu tư lớn. DN có thể đầu tư vào hệ thống KSNB tùy theo điều kiện của mình. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần chuyển triết lý kinh doanh từ “thu lợi nhanh" sang "phát triển bền vững".
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp ý kiến đánh giá, nhận xét giúp hoàn thiện Dự thảo báo cáo nghiên cứu, tập trung vào các phát hiện chính về cơ chế KSNB và bộ quy tắc ứng xử và các khuyến nghị. Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã có những đề xuất nên có những hành động cụ thể giữa doanh nghiệp và Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tốt Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng tìm kiếm, xác định những ưu tiên chính nhằm thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp nhằm hướng tới xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam