Tăng cường phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ
Tại Toạ đàm "Ngành In Việt Nam trong thời kỳ hội nhập" diễn ra ngày 8/10, một hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Ngành (10/10/1952 - 10/10/2022), các đại biểu là các nhà nghiên cứu, các trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp (DN) in, các nhà quản lý đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm … cho hội viên của Hội In Hà Nội và một số DN in phía Bắc.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT đã chia sẻ: Ngày 10/10 vừa là ngày thành lập ngành, vừa là ngày chuyển đổi số (CĐS). Từ khi thành lập đến nay, lĩnh vực in là một phần của ngành xuất bản, đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc cách mạng, thống nhất đất nước. Tới đây, có thể ngành in sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong công cuộc CĐS.
Ông Nguyễn Nguyên nhận định: khi nói về CĐS của ngành in, ta cần bàn về 2 vấn đề là: nhân lực và CĐS. Đây là 2 bài toán lớn nhất trong chiến lược phát triển của ngành, bởi xét cho cùng, khi một ngành phát triển thì phải dựa trên 2 nền tảng đó là con người và công nghệ.
Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách. Làm thế nào để kích hoạt cho sự phát triển của 2 vấn đề trên trong quá trình hội nhập toàn cầu. Hiện nay các DN in đang giải bài toán trước mắt đó là làm thế nào để tạo ra sản phẩm ngay mà chưa có tầm nhìn. Bên cạnh đó, những đầu tư của Nhà nước còn chưa nhìn thấy những hỗ trợ cho ngành. Điều đó dẫn đến việc CĐS ngành in đang rất lúng túng.
Ông Nguyên nhấn mạnh: Trong xu hướng dịch chuyển hiện nay, thì các cơ sở in cần phải làm sao để đào tạo nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực đó cũng có thể đào tạo lại những nguồn nhân lực khác tại chính đơn vị của mình.
"Về câu chuyện CĐS, ngành in là ngành gắn với công nghệ nên CĐS là rất quan trọng và cần thiết. Các đơn vị cần phải hiểu CĐS là gì và chúng ta cần phải làm gì để CĐS. Câu chuyện số hóa là câu chuyện chung nhưng cũng là riêng đối với mỗi đơn vị in, không phải đơn vị in nào cũng giống nhau. Mỗi một đơn vị quy mô khác nhau, đối tượng sản phẩm, sản xuất khác nhau thì phải có bài toán CĐS khác nhau, nhưng phải dựa trên một nền tảng chung. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập 1 Trung tâm tư vấn ngành in để có thể giúp các đơn vị in hiểu rõ và nắm chắc quá trình CĐS cũng như tìm ra những phương án tối ưu nhất cho đơn vị của mình CĐS thành công", ông Nguyễn Nguyên cho hay.
Cũng tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch hội in Hà Nội cho biết: ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia - Cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về xuất bản, báo chí, in và phát hành. "Đây là một sự kiện trọng đại đối với lịch sử hoạt động của ngành sản xuất, báo chí, in và phát hành. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, ngành in Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn vững bước phát triển ngang tầm với ngành In khu vực và thế giới".
Từ những cơ sở bé nhỏ ban đầu của xuất bản, tòa soạn báo, từ in đất, đá, bản gỗ, in tipô, những cơ sở phát hành của báo Sự thật, Cứu quốc v.v… đến nay, chúng ta đã có đội ngũ đông đảo của những người xuất bản, in ấn và phát hành, có cơ sở vật chất tiên tiến và hiện đại, đủ năng lực và trình độ tham gia cạnh tranh với thị trường khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành in Việt Nam hiện nay đang đối mặt trước một số khó khăn thách thức đó là: Nguồn nhân lực đang có xu hướng giảm dần do ngành in hiện nay làm việc vất vả phải làm ca, kíp, độc hại, thu nhập không cao không hấp dẫn về thu nhập so với các ngành nghề khác do đó người lao động có xu hướng bỏ nghề đi làm công việc khác…
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Hà Nội cũng chia sẻ về những chặng đường phát triển của Hiệp hội In Hà Nội ra đời tuy vừa được 20 năm, song đã thể hiện vai trò tập hợp, liên kết và hợp tác trong khu vực và cả nước, tham gia cùng các hội nghề nghiệp, cùng vì ngôi nhà chung, cùng các khâu Xuất bản, In và Phát hành sách, cùng ngành in Việt Nam tham gia hội nhập và phát triển.
Về công nghệ in, ông Nề cho biết, hiện có các công nghệ in offset, in ống đồng, in Plexo là phổ biến. Công nghệ in offset chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực in văn hóa phẩm và bao bì. Ngoài sử dụng công nghệ in ống đồng, công nghệ in Plexo đang khẳng định vị thế cạnh tranh, thay thế in ống đồng, in offset trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về xu hướng sản phẩm in, bao bì thân thiện với môi trường.
Hiện nay, công nghệ in trực tiếp, in phun đang được nhiều DN đầu tư, từ sản phẩm in quảng cáo tới các dây chuyền in chuyên ngành về chứng từ và nhãn cao cấp. Công nghiệp in 3D đã được một số DN đầu tư, kết nối toàn cầu, tại Việt Nam đang hoạt động quy mô còn nhỏ. Thêm nữa, sản phẩm in đa dạng về mẫu mã và chủng loại, kích thước cũng như trên nhiều vật liệu…
Ông Nề cũng nhận định ngành công nghiệp in là một trong số các ngành sản xuất đi đầu trong việc ứng dụng sự thay đổi trong công nghệ. Việc áp dụng công nghệ đang nhanh chóng chuyển từ công nghệ truyền thống sang in kỹ thuật số và với sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (4.0), dẫn tới sự chuyển đổi mạnh sang kỹ thuật số đang được tiến hành trong ngành công nghiệp in.
"Các công ty in cần tăng cường khả năng của họ với các công nghệ mới, đầu tư dây chuyền đồng bộ, thúc đẩy sự đổi mới, cải thiện dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường, kiểm soát rộng và vận hành quy trình in phù hợp, hiệu quả", ông Nề đề nghị.
Tham luận tại Chương trình, ông Nguyễn Việt Cường, Bộ môn Công nghệ in, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phân tích về những thay đổi của cuộc cách mạng công nghệ dẫn tới những thay đổi của ngành in. Bởi vậy, ngành in cần phải có những bước CĐS hiệu quả.
Ông Cường cũng đưa ra những sai lầm mắc phải khi CĐS và các bước quản trị DN thông minh, cùng những phân tích dự báo để thấy rõ các vấn đề đặt ra cho ngành in trong CĐS.
Ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp in cho biết mỗi năm số lượng sinh viên ra trường là 200 sinh viên trong đó, 100 sinh viên hệ Cao đẳng và 100 sinh viên hệ Trung cấp. Với số lượng như vậy cho thấy nguồn nhân lực của ngành in hiện nay vừa yếu vừa thiếu.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực, đồng thời cũng phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn 2017-2021 của trường. Ông cũng chỉ rõ những nguyên nhân vì sao số lượng sinh viên ngành in ngày càng giảm, để từ đó đưa ra những giải pháp giúp nâng cao chương trình đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành in hiện nay.
Nâng cao thể chất đội ngũ cán bộ Ngành In
Cùng ngày, Hội In Hà Nội phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hiệp hội In Việt Nam tổ chức Hội thao ngành Xuất bản, In và phát hành khu vực Hà Nội mở rộng năm 2022.
Hội thao truyền thống Hội In Hà Nội được tổ chức hằng năm nhằm động viên khích lệ tinh thần tự rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại của mỗi cán bộ, công nhân viên (CBCNV) các đơn vị trong toàn ngành. Đồng thời, Hội thao tạo cơ hội để CBCNV các đơn vị trong và ngoài Hội tăng cường sự hiểu biết, giao lưu học hỏi lẫn nhau góp phần thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị năm, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành/.