Tạo điều kiện để các DN nền tảng tham gia thị trường bưu chính
Các doanh nghiệp (DN) nền tảng số mong muốn được tham gia sâu vào thị trường bưu chính đang mở rộng thông qua việc Luật Bưu chính được sửa đổi.
Hình thành thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững
Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua tháng 6/2010, đến nay đã thực thi hơn 13 năm, là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành và phát triển thị trường bưu chính tại Việt Nam ngày hôm nay.
Theo số liệu của Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT, trong giai đoạn 2010 - 2023, số DN bưu chính tăng 18 lần (từ 40 lên hơn 700 DN); doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 14 lần (từ 4.000 tỷ đồng lên 59.000 tỷ đồng); sản lượng bưu gửi tăng hơn 7 lần (từ 330 triệu bưu gửi lên 2.420 triệu bưu gửi).
Từ những số liệu thống kê trên, tại Hội nghị tổng kết thi hành luật Bưu chính do Bộ TT&TT tổ chức ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương khẳng định: “Sự tăng trưởng nhanh chóng của bưu chính trong hơn 13 năm qua là tác động tích cực, quan trọng của Luật Bưu chính đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấn tượng đã đạt được, sau 13 năm thi hành, Luật Bưu chính cũng bộc lộ những hạn chế, những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là xu thế chuyển đổi số (CĐS), xu thế phát triển thương mại điện tử (TMĐT).
Ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm: “Phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Hạ tầng bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, trong đó lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt”.
Đồng thời, Chiến lược phát triển bưu chính cũng xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số”.
Để đáp ứng kỳ vọng bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật Bưu chính hiện hành, năm 2024, Bộ TT&TT đã đăng ký trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ nhiệm vụ xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi.
Để thực hiện nhiệm vụ này, theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, việc đầu tiên, cũng là việc cần thiết nhất, đó là tổng kết việc thi hành Luật Bưu chính trong thời gian qua, từ khi ban hành năm 2010 đến nay. Hội nghị tổng kết thi hành Luật Bưu chính hôm nay chính là việc làm cụ thể, nhằm mục tiêu nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được của lĩnh vực bưu chính, đồng thời xác định những điểm hạn chế, những nội dung cần bổ sung để tạo tiền đề hình thành thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững trong 5 - 10 năm tới.
6 vấn đề đặt ra để sửa đổi Luật Bưu chính
Báo cáo kết quả thi hành luật Bưu chính và một số vấn đề đặt ra của Luật, Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT cho biết sau khi Luật được ban hành đã có 5 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Thông tư liên tịch, 28 Thông tư của Bộ TT&TT đã được ban hành.
Để sửa đổi Luật, đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực và theo kịp thời đại số, Vụ Bưu chính đã đề ra một số vấn đề để các các DN đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Bưu chính.
Đầu tiên là vấn đề sự chồng chéo giữa dịch vụ bưu chính với vận tải hàng hóa khi dịch vụ bưu chính hiện đang chồng chéo với dịch vụ vận tải hàng hóa.
Thứ hai, vấn đề phạm vi cấp giấy phép bưu chính. Bộ TT&TT cấp giấy phép bưu chính cho dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đến 02 kg; Tỷ trọng sản lượng gói, kiện hàng hóa trong tổng sản lượng bưu gửi là trên 90%. Vậy có cấp giấy phép cho DN chuyển phát gói, kiện hàng hóa như chuyển phát thư hay không.
Thứ ba, điều kiện cấp giấy phép có cần cụ thể, chi tiết hơn hay không. Ví dụ như về điều kiện cấp giấy phép bưu chính không có các tiêu chí định lượng (về tài chính, nhân sự, hạ tầng, hệ thống kỹ thuật...), điều kiện tài chính: “ký quỹ”; Về nhân sự gồm số lượng tối thiểu, yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, đào tạo?; Về hạ tầng có yêu cầu số lượng bưu cục, cơ sở khai thác, điểm phục vụ, xe ô tô, xe máy...
Thứ tư là về bảo đảm an toàn, an ninh bưu chính. Hiện chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn thực hiện, cách thức kiểm tra, xử lý về an toàn, an ninh bưu chính.
Thứ năm là quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính. Chất lượng dịch vụ bưu chính ngoài công ích do DN bưu chính tự công bố, áp dụng, theo đó, việc theo dõi, giám sát và đánh giá không được đầy đủ.
Thứ sáu là quản lý các DN bưu chính với mô hình kinh doanh mới. Hiện nay với mô hình kinh doanh mới rất ít DN bưu chính tự thực hiện toàn bộ quy trình (4 công đoạn: chấp nhận, khai thác, vận chuyển, phát). Hầu hết chỉ thực hiện một hoặc một số công đoạn. Có DN không tự thực hiện công đoạn nào mà thuê/hợp tác với các DN khác để cung ứng tất cả các công đoạn.
Bổ sung loại hình kinh doanh mới
Trước các vấn đề được Vụ Bưu chính đặt ra, tại Hội nghị, hơn 30 DN bưu chính lớn nhất, chiếm trên 80% thị phần doanh thu và sản lượng dịch vụ bưu chính đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó nhiều ý kiến nêu rõ về những điều chỉnh để DN mới tham gia thị trường như DN nền tảng có thể đóng góp phát triển thị trường.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết cùng với sự bùng nổ hoạt động TMĐT, cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ với dung lượng thị trường bưu chính phục vụ TMĐT chiếm đến 70% - 80% toàn bộ thị trường bưu chính chuyển phát. Đồng thời xuất hiện nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ, chi hộ... Mặt khác, các sàn TMĐT xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận thay vì phụ thuộc vào các DN bưu chính.
Theo đó, ông Lê Quốc Anh đề xuất bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ TMĐT (bao gồm TMĐT xuyên biên giới), hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn TMĐT.
Cũng nói về sự phát triển của TMĐT đối với lĩnh vực bưu chính, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đề nghị xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh đối với DN bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hoá TMĐT và thu hộ COD, tương tự như các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật,… để tạo khuôn khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền COD.
Trong khi đó, bà Vũ Tố Uyên, Quản lý đối ngoại, Công ty TNHH Lalamove Việt Nam bày tỏ ủng hộ việc phân định rõ ràng giữa dịch vụ vận tải và dịch vụ bưu chính, đồng thời đồng tình với việc luật hóa khái niệm và dịch vụ giao hàng tức thì (on-demand delivery) trong quá trình sửa đổi Luật Bưu chính.
Bà Vũ Tú Uyên cũng cho biết các công ty nền tảng vận hành mô hình giao hàng tức thì như Lalamove, Ahamove, Grab, Gosend, Be Group đã và đang phát triển dựa trên nhu cầu của thị trường và các cơ sở thực tiễn khác. Đây là loại hình kinh doanh bưu chính mới, có nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng tận dụng nguồn lực nhàn rỗi, góp phần bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu rỗng tải một chiều, hỗ trợ các DN nhỏ với mức chi phí hợp lí và tạo cơ hội tăng thu nhập cho các đối tác.
Cũng chia sẻ ý kiến từ góc độ là DN nền tảng mong muốn tham gia thị trường bưu chính, bà Đặng Thị Thuỳ Trang, Giám đốc đối ngoại Công ty Grab Việt Nam cho biết Grab hiện chỉ thực hiện nhận hàng ở chặng đầu và giao hàng ở chặng cuối nên không thực hiện đủ 4 khâu, công đoạn như các DN bưu chính truyền thống như Luật Bưu chính hiện hành quy định.
Đại diện Grab cho biết việc các DN nền tảng có thể thực hiện tốt việc giao thư từ, nền tảng đã được chứng minh trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt giai đoạn COVID-19 và mong sửa đổi luật Bưu chính để những DN mới như Grab có thể được phép tham gia vào thị trường đang rất mở và lớn.
Bổ sung nội dung về hoạt động CNTT và biện pháp bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ bưu chính
Hoạt động ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ bưu chính đã được nhiều DN bưu chính vận dụng triệt để để tận dụng các lợi thế do chuyển đổi số mang lại trong nhiều hoạt động của DN, từ quản lý khách hàng đến thu gom, chấp nhận, xử lý bồi thường, khiếu nại… Ông Lê Quốc Anh đề xuất bổ sung các nội dung quy định đối với hoạt động này của các DN trong Luật bưu chính.
Ông Đinh Thanh Sơn cho rằng cần xem xét bổ sung quy định cho phép người sử dụng dịch vụ bưu chính được quyền lựa chọn DN cung cấp dịch vụ trên các các nền tảng TMĐT. Điều này phù hợp với tinh thần pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường cạnh tranh.
Ông Sơn cũng cho rằng cần bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin định danh cá nhân của người sử dụng dịch vụ bưu chính (mã số định danh cá nhân) để hạn chế hàng cấm gửi, hàng lậu vận chuyển qua đường bưu chính, đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực bưu chính./.