Tất cả các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó diễn biến mới của dịch bệnh

PV| 25/07/2020 09:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 24/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn thảo các nội dung: Đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước; kiểm soát cửa khẩu, đường biên giới, đường mòn, lối mở; triển khai công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng.

Tất cả các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng

Liên quan đến ca nghi mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở xét nghiệm COVID-19 hàng đầu Việt Nam - nơi khẳng định kết quả cuối cùng, hỗ trợ các địa phương xét nghiệm những mẫu xét nghiệm khó. 

8 giờ 30 phút sáng 24/7, Viện đã nhận được mẫu bệnh phẩm từ Đà Nẵng gửi ra để xét nghiệm thẩm định. Đến 12 giờ trưa nay đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục làm trong đêm nay, dự kiến đến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về 1 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở TP. Đà Nẵng, Bộ Y tế xác định đây là trường hợp có khả năng nhiễm rất cao và triển khai ngay tất cả các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch.

Cụ thể, Bộ Y tế đã yêu cầu và TP. Đà Nẵng đã tiến hành lập toàn bộ danh sách những người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm. Trong đêm 23/7, TP. Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp này bằng phương pháp RT-PCR và tìm kháng thể. Kết quả đều âm tính toàn bộ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly toàn bộ những trường hợp này để bảo đảm an toàn với cộng đồng. Những nơi bệnh nhân đi đến đã được khoanh vùng, cách ly. Chiều nay, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác kinh nghiệm nhất hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác cách ly.

Đối với công tác điều trị người nghi nhiễm, bệnh nhân này đang mắc viêm phổi cấp tính có dấu hiệu nặng, diễn biến nhanh, do đó các chuyên gia đầu ngành đã tiến hành hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho. Một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp cho công tác điều trị.

Tất cả các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh - Ảnh 2.

Ảnh VGP

Đặc biệt, trong đợt này, Bộ Y tế tiến hành một biện pháp chưa từng áp dụng là rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng xét nghiệm kháng thể với kit thử do Việt Nam sản xuất bằng máy ELISA. Bộ Y tế cũng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng thời gian qua việc thực hiện quy định đeo khẩu trang để phòng dịch có lơi lỏng, do vậy, kể cả trường hợp ca bệnh ở Đà Nẵng không dương tính, thì mọi người phải thực hiện nghiêm quy định khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người…

Báo cáo về công tác bảo hộ công dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, tính đến thời điểm này chúng ta đã tổ chức khoảng 60 chuyến bay, đưa khoảng 15.000 công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về nước (một số địa bàn dương tính nhiều như: Nga, UAE,…). 

Dự kiến thời gian tới sẽ đưa người từ Guinea xích đạo về nước, chuyến bay này dự kiến có khoảng 130 người mắc bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang xây dựng kế hoạch tiếp tục đưa công dân về nước.

Phải quản lý chặt đường biên giới

Về kiểm soát người nhập cảnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, quan điểm của chúng ta là phải quản lý chặt đường biên giới, song thời gian qua đã xuất hiện đường dây đưa người trái phép nhập cảnh vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương rà soát toàn bộ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam để có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị phải tiếp tục quản lý chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, đường mòn lối mới, quản lý người nhập cảnh; các cơ quan chức năng tiến hành điều tra xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. 

Đối với trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng cần khẩn trương truy vết, rà soát các trường hợp tiếp xúc để cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm. Nhấn mạnh bài học chống dịch từ các nước thế giới, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần phải cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó để tránh tình trạng diễn biến xấu.

Tất cả các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh - Ảnh 3.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng báo cáo tình hình tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Cuộc chiến chống dịch còn dài

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và phát biểu của TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, như đã nói nhiều lần, chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch cho đến ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn. Nhưng "chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt".

Tuy nhiên, chúng ta "một tuyến đê" trên bộ dài tới 4.000 km. Chúng ta cũng phải đón các chuyên gia sang làm việc; đưa công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, trong đó một số địa bàn có số người bị nhiễm trên các chuyến bay là rất nhiều. Đặc biệt, tới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đón một số lao động ở châu Phi về, theo báo cáo ban đầu có hơn 100 người nhiễm… Thực tế đó, dẫn tới "tuyến đê" của chúng ta không thể tránh khỏi những chỗ rò rỉ.

Do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đặc biệt là ngay khi phát hiện ra các chỗ "rò rỉ" thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu. Không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng cho biết Ban Chỉ đạo đã nhận được thông tin và có chỉ đạo ngay từ ngày 23/7. Ban Chỉ đạo ghi nhận và biểu dương tinh thần sẵn sàng và phản ứng rất kịp thời, đúng hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền TP. Đà Nẵng. Khi có ca nghi nhiễm chúng ta phải tiến hành các biện pháp như đối với ca nhiễm từ xét nghiệm, cách ly, truy vết những người tiếp xúc gần… 

Như báo cáo của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trường hợp này cần chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu của Việt Nam là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vì trong quá trình xét nghiệm có một số yếu tố cần phải làm lại.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cho dù quả xét nghiệm có âm tính hay dương tính thì chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý. So với 4 tháng trước đây, thì tình hình đã khác nhiều. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng, chống dịch. Đồng thời, yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.

"Nếu sẵn sàng và làm đúng các yêu cầu đã được hướng dẫn, tập huấn từ trước đến nay thì cho dù tới đây có thể có những ca nhiễm trong cộng đồng nhưng chúng ta tập trung xử lý gọn ngay từ đầu sẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng", Phó Thủ tướng khẳng định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tất cả các lực lượng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó diễn biến mới của dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO