Bộ trưởng Chaiwut Thanakamanusorn cho biết "thành phố thông minh" có thể được định nghĩa theo nhiều cách, nhưng đối với Bộ Kinh tế và Xã hội số, TPTM là một thành phố sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh và đổi mới để nâng cao hiệu quả các dịch vụ và quản lý của thành phố.
Ông cũng cho biết chi phí quản lý phải thấp và các nguồn lực được sử dụng tối ưu để phục vụ người dân. Các TPTM nên được thiết kế để các thành phố này không chỉ là những thành phố đáng sống mà còn mang đến cho cư dân một phong cách sống bền vững, chất lượng tốt.
Được biết Kế hoạch 100 TPTM là mục tiêu tham vọng của Thái Lan trong 2 năm để cải thiện nền kinh tế và chất lượng cuộc sống. Kế hoạch này nằm trong chiến lược phát triển quốc gia 20 năm của Thái Lan.
Từ năm 2020, các thành phố tại 6 tỉnh trên cả nước cùng với thủ đô Bangkok đã khởi động quá trình chuyển đổi thành TPTM. 6 tỉnh gồm Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen, Chon Buri, Rayong và Chachoengsao.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển TPTM do Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon làm Chủ tịch, đã mở quy trình đăng ký cho các thành phố muốn tham gia Đề án bằng cách gửi đề xuất của họ để đánh giá và phê duyệt từ tháng 5/2020.
Để được phê duyệt phát triển TPTM, các thành phố phải đáp ứng 5 tiêu chí: có ranh giới địa lý và các mục tiêu TPTM rõ ràng; có đầu tư cơ sở hạ tầng và có kế hoạch phát triển; có thiết kế cho một nền tảng dữ liệu thành phố mở và an toàn; cung cấp các giải pháp TPTM; và có mô hình quản lý bền vững.
Các thành phố được phê duyệt trở thành TPTM được quyền sử dụng biểu tượng TPTM Thái Lan và được phép đăng ký các đặc quyền đầu tư.
Các đặc điểm của TPTM theo kế hoạch phát triển bao gồm 7 khía cạnh của TPTM: kinh tế, phương tiện đi lại, năng lượng, sinh hoạt, con người, quản trị và môi trường.
Đề án không chỉ giới hạn ở các thành phố mà có thể bao gồm các khu vực rộng lớn, nơi có tiềm năng được phát triển theo khái niệm TPTM.
Để theo đuổi dự án, các công ty phát triển thành phố liên quan đến sự hợp tác của nhà nước và tư nhân phải được thành lập để thúc đẩy các kế hoạch TPTM thông qua hỗ trợ của khu vực tư nhân.
Đề án TPTM có thể đạt được thông qua tầm nhìn của lãnh đạo thành phố, quản lý môi trường tốt, cơ sở hạ tầng đầy đủ và hệ thống quản lý dữ liệu để quy hoạch thành phố hiệu quả.
Các TPTM cũng được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. Các thành phố này cũng có thể là mô hình thí điểm để phát triển TPTM cho các khu vực khác trên toàn quốc. Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ số vào việc giải quyết các vấn đề của thành phố nhằm mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn./.