Thái Lan: Thành công của chính phủ số sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của kinh tế

Bảo Bình| 06/07/2021 07:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo Bangkok Post, những tiến bộ và thành công của chính phủ số sẽ thúc đẩy quá trình số hóa khu vực tư nhân và tăng cường khả năng truy cập của cả người dân và doanh nghiệp (DN) vào dữ liệu khu vực công, từ đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế chung của đất nước.

Nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh trong nước, tạo mọi điều kiện để chính phủ cung cấp dịch vụ công một cách minh bạch và cho phép công dân tiếp cận công bằng với cơ sở dữ liệu, đó chính là những trọng tâm trong kế hoạch phát triển quốc gia “Thái Lan 4.0” của Thái Lan. Các công nghệ số sẽ là phương tiện để Thái Lan thực hiện những mục tiêu đề ra trong kế hoạch quốc gia này.

Theo báo Bangkok Post, những tiến bộ và thành công của các chính sách chính phủ số sẽ thúc đẩy quá trình số hóa khu vực tư nhân và tăng cường khả năng truy cập của cả người dân và doanh nghiệp (DN) vào dữ liệu khu vực công, từ đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế chung của đất nước.

Thái Lan: Thành công của chính phủ số sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của kinh tế - Ảnh 1.

Theo Bangkok Post, những thành công của chính phủ số sẽ tăng cường khả năng truy cập vào dữ liệu công của người dân và DN, từ đó thúc đẩy cạnh tranh kinh tế chung của đất nước. Ảnh: https://thedope.news/

Trọng tâm của kế hoạch quốc gia Thái Lan 4.0

Một nội dung chính của kế hoạch phát triển quốc gia “Thái Lan 4.0” là nhằm thúc đẩy việc áp dụng và đổi mới công nghệ số, tự động hóa và robot trong các DN vừa và nhỏ. Thái Lan đặt trọng tâm đảm bảo nắm bắt các cơ hội công nghệ số để cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân, tất cả mọi người sẽ tham gia vào quản trị chính trị và thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế của đất nước thông qua các sáng kiến như dự án phát triển thành phố thông minh, nền tảng dữ liệu lớn trong nông nghiệp, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đầu tư vào cơ sở hạ tầng số.

Đầu năm nay, chính phủ Thái Lan đã chỉ định Internet là một phần của cơ sở hạ tầng cơ bản của đất nước, đồng thời cam kết giảm chi phí dịch vụ Internet và cho phép người có thu nhập thấp truy cập dịch vụ miễn phí theo kế hoạch sử dụng công nghệ số để thúc đẩy bình đẳng và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Hiện tại, tất cả 74.987 ngôi làng của Thái Lan đều có thể truy cập mạng internet tốc độ cao, cho phép người dùng truy cập các dịch vụ chính phủ điện tử về chăm sóc sức khỏe và chính phủ trực tuyến, cũng như các ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh điện tử và ngân hàng điện tử.

Nhằm nỗ lực tăng cường khung pháp lý trong thời đại số của đất nước, quốc hội Thái Lan đã ban hành Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, hướng dẫn cho các DN quản lý các lĩnh vực dữ liệu nhạy cảm, bao gồm quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng và các giao thức lưu trữ dữ liệu, phân công nhật ký dữ liệu và ngăn chặn truy cập trái phép. Luật này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2022, và các DN được yêu cầu phải đảm bảo chuẩn bị đầy đủ khi luật bắt đầu có hiệu lực.

Về các mối đe dọa bảo mật bên ngoài, Đạo luật An ninh mạng cũng khuyến khích các cơ quan chính phủ và DN đầu tư vào các biện pháp an ninh mạng để ngăn chặn các cuộc tấn công.

Chính phủ số thúc đẩy cách mạng dữ liệu

Chính sách về chính phủ số của Thái Lan đã đặt ra 4 mục tiêu, tập trung tăng cường hiệu quả của các dịch vụ khu vực công đối với người dân, bao gồm công bằng xã hội và kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, đảm bảo tính minh bạch của chính phủ và cải thiện sự tham gia của người dân. 

Chính sách này bao gồm 4 chiến lược: 1) cung cấp các dịch vụ số cho người dân, 2) cải thiện các điều kiện kinh doanh thông qua công nghệ số, 3) cung cấp nền tảng dữ liệu mở và 4) thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Khuôn khổ này cũng phù hợp với Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025.

Cơ quan Phát triển Chính phủ số (DGA) chính là đơn vị được ủy thác để thúc đẩy việc triển khai chính phủ số, thúc đẩy kiến trúc chính phủ số giữa các cơ quan chính phủ sau đại dịch COVID-19. Tăng tốc trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ chính là một trong những biện pháp được đưa ra, và từ đó, Thái Lan đã thiết lập cơ sở dữ liệu trung tâm giữa các cơ quan chính phủ, thúc đẩy sử dụng ID số, bao gồm cả chữ ký số giữa các cơ quan. Ngoài ra, một sáng kiến quan trọng khác là tạo ra một danh mục dữ liệu của chính phủ, nhờ đó cho phép khu vực tư nhân truy cập vào dữ liệu của khu vực công hiệu quả hơn.

DGA cũng đang tăng tốc phát triển kế hoạch trao đổi dữ liệu của chính phủ, tạo ra một nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu chính phủ trong hai năm tới, bằng cách chuẩn hóa các hướng dẫn trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan.

Kết quả của việc triển khai chính phủ số, Thái Lan đã nâng thứ hạng Chỉ số phát triển CPĐT của Liên hợp quốc năm 2020 lên vị trí thứ 57/193 quốc gia từ thứ hạng 68 trước đó vào năm 2019, một lần nữa là quốc gia ASEAN có xếp hạng cao thứ ba, sau Singapore và Malaysia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan: Thành công của chính phủ số sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO