Thái Nguyên cần coi thông tin từ báo chí là một kênh hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần coi thông tin từ báo chí là một kênh hỗ trợ quy trình ra quyết định; tạo sự đồng thuận, tham gia ý kiến của người dân...
Ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm và và Đoàn công tác của Bộ TT&TT làm việc với tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện quy định của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến cho biết: Xác định được tầm quan trọng của báo chí, truyền thông, tỉnh Thái Nguyên luôn tích cực phối hợp với cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng dư luận và nhất là trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin từ các kênh thông tin báo cáo, truyền thông liên quan đến tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh đã chọn Cổng thông tin điện tử (TTĐT) để cung cấp thông tin chính thức của UBND tỉnh.
Ngay khi Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/2/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) được ban hành, và có hiệu lực từ ngày 30/3/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn chủ động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị cho báo chí theo quy định tại khoản 1, Điều 38, Luật Báo chí. Tất cả các cơ quan HCNN trên địa bàn tỉnh đã cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời công bố thông tin của người phát ngôn đăng tải trên cổng/trang TTĐT của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc thực hiện quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin được thực hiện thông qua các văn bản, tin, bài, clip, công báo về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh được cập nhật chính thống trên Cổng TTĐT của UBND tỉnh tại địa chỉ thainguyen.gov.vn, trên ứng dụng C-Thainguyen và các trang TTĐT của các địa phương, đơn vị.
Năm 2021 Cổng TTĐT cung cấp 6.800 tin, bài, năm 2022 cung cấp 11.000 tin, bài; 9 tháng đầu năm 2023 cung cấp trên 9.000 tin bài về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và các hoạt động, sự kiện. Thông tin được cung cấp trực tiếp tại hội nghị giao ban công tác báo chí; bằng hình thức họp báo. Tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực cập nhật thông tin và đảm bảo an toàn an ninh thông tin; công tác phản hồi, xử lý thông tin báo chí được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
“Các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, có hiệu quả các vấn đề KT-XH, an ninh quốc phòng của tỉnh, của đất nước, những vấn đề xã hội quan tâm, góp phần không nhỏ vào thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật pháp, tinh thần trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến cho biết.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến nhấn mạnh, tỉnh sẽ đổi mới, nâng cao năng lực thông tin báo chí, cách thức phối hợp, chủ động, chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin cho báo chí. UBND tỉnh sẽ chủ động tổ chức việc cung cấp thông tin định kỳ một cách kịp thời đầy đủ hơn nữa; đa dạng cách thức cung cấp thông tin hơn.
Tuy nhiên trong lĩnh vực này còn một số khó khăn do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn ở một số cơ quan chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm phát ngôn và cung cấp thông tin, xử lý thông tin báo chí. Một số sở, ban, ngành, địa phương còn chậm trong việc phản hồi thông tin.
Một số phóng viên đăng tải thông tin khi chưa có sự kiểm chứng làm sai lệch vấn đề, ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. Một số cơ quan báo chí đề nghị cung cấp thông tin về các vấn đề không liên quan đến tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
Tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về công tác xử lý thông tin báo chí và thông tin trên mạng xã hội; kỹ năng xử lý khủng hoảng thông tin; phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh xác định những vi phạm đối với các thông tin viết về tỉnh trên báo chí và mạng xã hội để xử lý theo thẩm quyền; việc cấp thẻ nhà báo cho các phóng viên tại các cơ quan thông tin.
Theo UBND Thái Nguyên, Thái Nguyên hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên; hơn 20 bản tin của các cơ sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố được Sở TT&TT cấp phép hoạt động.
Đồng thời, có 9 cơ quan báo chí trung ương, báo cáo chuyên ngành đặt văn phòng đại diện tại tỉnh, có 8 cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành cử phóng viên thường trú độc lập trên địa bàn; 1 cơ quan báo chí đóng trên địa bàn là Báo Quân khu 1 và một số cơ quan báo Trung ương có phóng viên chuyên trách hoặc thường xuyên hoạt động trên địa bàn.
Ngoài ra, còn có Trung tâm Thông tin Tỉnh (đơn vị quản trị nội dung Cổng TTĐT của Tỉnh) và 9 trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông cấp huyện.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, có hiệu quả các vấn KT-XH, an ninh quốc phòng của tỉnh, của đất nước, các vấn đề xã hội quan tâm, góp phần đẩy mạnh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, cổ vũ, động viên, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Theo đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên, “báo chí đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật pháp, tinh thần trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH trong tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung”.
Tận dụng các kênh thông tin để thực hiện truyền thông chính sách
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm ghi nhận, đánh giá cao việc tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt triển khai tốt các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cho báo chí; có hoạt động cụ thể để nâng cao năng lực người phát ngôn, đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ ấn tượng về số lượng cung cấp thông tin trên Cổng TTĐT của tỉnh, thể hiện vai trò của Cổng TTĐT và sự quan tâm của người dân đối với hình thức cung cấp thông tin này ngày càng được ưa chuộng. Đây là bước tiến được tỉnh coi trọng và thực hiện tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề nghị tỉnh Thái Nguyên và các sở, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, công khai, lựa chọn hình thức phù hợp.
Đồng thời, cần xử lý thông tin tận gốc, tận dụng các kênh thông tin để thực hiện truyền thông chính sách; Xây dựng đội ngũ xử lý thông tin báo chí; tổ chức họp báo thường kỳ để cung cấp thông tin cho báo chí.
Tỉnh Thái Nguyên cần coi thông tin từ báo chí là một kênh hỗ trợ quy trình ra quyết định; tạo sự đồng thuận, tham gia ý kiến của người dân. Khi phát hiện những thông tin sai sự thật cần có sự phối hợp với các cơ quan của Bộ TT&TT để xử lý, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh./.