Ngày 30/11/2017, Bộ TTTT đã tổ chức phiên họp của Hội đồng Tư vấn Tem Bưu chính quốc gia để thẩm định 4 bộ tem về nội dung, thiết kế. Tham dự phiên họp có Tcác thành viên của Hội đồng là các nhà quản lý, chuyên gia về tem của Bộ TTTT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Tem Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Tem Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên của Hội đồng đã xem xét và cho ý kiến về các mẫu thiết kế của 4 bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 150 ngày mất Nguyễn Trung Trực (1938 – 1968)”, “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyên Hồng (1918 – 1982), “Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh” và “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng”, dự kiến sẽ được phát hành trong năm 2018.
Bộ tem thứ nhất được thẩm định là bộ tem “Kỷ niệm 150 ngày mất Nguyễn Trung Trực (1938 - 1968)” gồm 1 mẫu thể hiện hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Nguyễn Văn Lịch) quê Bình Định, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) và hình ảnh hai trận đánh nổi tiếng của ông là các trận Nhật Tảo, Kiên Giang.
Bộ tem thứ hai là bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyên Hồng (1918 – 1982) gồm 1 mẫu. Nhà văn Nguyên Hồng đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ, với hơn 40 tác phẩm văn học, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bỉ Vỏ”, “Núi rừng Yên Thế”, “Những ngày thơ ấu”... Ông là 1 trong 14 nhà văn Việt Nam vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 1996). Bộ tem sẽ thể hiện chân dung nhà văn Nguyên Hồng gần gũi, đời thường và khung cảnh bến Tam Bạc, Hải Phòng, nơi chính là bối cảnh trong tiểu thuyết “Bỉ Vỏ”. Nền tem sẽ có màu nâu ấm thể hiện cho nhân cách gần gũi, mộc mạc của nhà văn.
Bộ tem thứ ba là bộ tem “Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh”, gồm 4 mẫu và 1 bloc sẽ là hình ảnh thu nhỏ của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh - một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khu vực và quốc tế mà trong tương lai sẽ là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Ngoài sự đa dạng và phong phú của hệ động thực vật rừng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông, cung cấp nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho khu vực Gia Lai và Kon Tum. Bộ tem được thiết kế theo lối tả thực, thể hiện các loài tiêu biểu đặc hữu như Vượn má hung, Khướu Kon Ka Kinh, Mang lớn, Kỳ Đà hoa.
Bloc của bộ tem sẽ có đầy đủ cả 4 mẫu tem, được thiết kế theo luật xa gần của từng con tem. Đây là lần đầu tiên bloc tem được thiết kế, bố cục theo phong cách này, mang lại phong cách thiết kế mới cho tem bưu chính Việt Nam và đáp ứng mong mỏi của người sưu tập tem.
Bộ tem thứ tư là bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng”, với 4 mẫu giới thiệu 4 bảo vật bằng đồng gồm: Cây đèn đồng hình người quỳ (thuộc văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Kiếm ngắn Núi Nưa (thuộc văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa), Thạp đồng Hợp Minh (thuộc văn hóa Đông sơn, Bảo tảng tỉnh Yên Bái) và bộ khóa đai lưng bằng đồng (thuộc văn hóa Đông Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Đây là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Bộ tem được thiết kế hình vuông có kích thước 37 x 37mm. Phong cách thiết kế trầm ấm kết hợp với các họa tiết cổ của Văn hóa Đông Sơn làm nền.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng lưu ý các bộ tem kỷ niệm cần thể hiện chân thực, nét riêng, sự gần gũi của người anh hùng Nguyễn Trung Trực và nhà văn Nguyên Hồng.
Đối với bộ tem Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Thứ trưởng cho biết cần thêm chữ Gia Lai để nhiều người biết đến Vườn quốc gia này ở tỉnh Gia Lai và để quảng bá cho Vườn quốc gia. Bộ tem này sẽ lần đầu tiên có 4 con tem trên 1 bloc nên cũng cần có giá bán hợp lý để đông đảo công chúng đón nhận. Sau khi phát hành cần lưu ý những phản hồi của người sử dụng, người sưu tập để có thể triển khai cho các bloc của các bộ tem tiếp theo.
Còn bộ tem bảo vật quốc gia cần hết sức lưu ý màu nền cần chân thực để phù hợp thời kỳ lịch sử của các bảo vật. Bộ tem này là bộ tem đầu tiên về bảo vật quốc gia nên cần có kế hoạch truyền thông về niên đại, giá trị của bảo vật, hiện đang được trưng bày tại đâu… để đông đảo người dân được biết đến.