Đời sống xã hội

Tham gia hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn là trách nhiệm vì cộng đồng

H.T 20/12/2023 14:03

Nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố, thiên tai có thể tận dụng từ các nguồn xã hội hóa, trong đó có khối doanh nghiệp bởi đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

anh3.jpg

Chủ trương xã hội hoá nguồn lực ứng phó với thiên tai, thảm hoạ

Trong một cuộc làm việc với Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định năm 2023 và những năm tiếp theo, công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ khó khăn, nặng nề hơn bởi tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp với quy mô lớn hơn và nhanh hơn dự báo.

Trong khi đó, kinh tế - xã hội phát triển hơn đi kèm với sự gia tăng các sự cố; và ảnh hưởng của biến động chính trị khó đoán định trong khu vực.

Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý cần nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố bởi mỗi người dân có ý thức hơn, sự cố chắc chắn sẽ ít xảy ra hơn.

Phó Thủ tướng gợi ý cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, trong đó có khối doanh nghiệp cho công tác ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa.

Tại nhiều cuộc họp trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến các địa biểu cũng đồng tình cho rằng một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phòng chống thiên tai hiện nay. Đặc biệt là việc huy động nguồn lực tài chính của xã hội cho công tác phòng chống thiên tai.

Phải lấy người dân làm gốc và người dân cần phải “hành động” trước khi lực lượng, phương tiện từ bên ngoài tiếp cận tới. Do vậy, chúng tôi xác định là cần phải nâng cao ý thức chủ động của người dân, cộng đồng ở các khu vực có thiên tai. Với các đồng bào, người dân sống trong vùng lũ quét thì phải có ý thức và có sự am hiểu cũng như sự chủ động trong việc phòng, tránh.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn

Trong một phiên họp Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhắc đến yêu cầu xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự.

Trong đó, Thủ tướng cho rằng công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục.

Cụ thể, nhận thức về công tác này có nơi, có lúc còn chưa ngang tầm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho phòng thủ dân sự còn hạn chế.

Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế; thông tin, tuyên truyền ở một số địa phương chưa đến được người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biển đảo xa bờ.

Phương án ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố có nơi xây dựng chưa sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn; phương châm "bốn tại chỗ", "ba sẵn sàng" nhiều nơi còn tính hình thức; công tác huấn luyện, diễn tập có nội dung chưa sát thực tiễn…

Theo Thủ tướng, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường; ô nhiễm môi trường, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều thách thức đang đặt ra cho công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Do đó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải góp phần quan trọng bảo vệ an ninh, an toàn, tính mạng, bình yên cuộc sống của nhân dân, góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân làm gốc, người dân là trung tâm, là chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân tham gia thực hiện chính sách.

Đồng thời phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế.

Mô hình huy động nguồn lực cộng đồng

Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai là một trong những hoạt động xã hội hoá cho mục đích cứu trợ, cứu nạn. Ra đời năm 2008, đã 15 năm qua tất cả các loại dự án mà Quỹ thực hiện đều nhằm mục tiêu giúp cộng đồng nâng cao năng lực tự phòng tránh thiên tai và thích ứng an toàn.

Công trình phòng chống thiên tai do Quỹ thực hiện.

Ví dụ như Hỗ trợ xây dựng và đưa vào sử dụng 120 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai, gồm các trường tiểu học và trung học cơ sở, trường mầm non, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là những công trình 02 tầng, vững chắc, xây dựng ở các vùng thường hay xảy ra bão, lũ; lúc bình thường thì phục vụ cho các hoạt động dân sinh, khi có thiên tai thì là nơi để bà con quanh vùng đến tạm trú, lánh nạn.

Xây dựng 119 bể bơi ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ, nhằm tạo điều kiện cho địa phương, nhà trường tổ chức dạy bơi và phổ cập kỹ năng phòng chống đuối nước, góp phần giảm bớt những tai nạn đuối nước thường xảy ra đối với học sinh.

Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất; trang bị phương tiện, thiết bị dạy học, đồ dùng chăm sóc trẻ cho 137 trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở bị thiệt hại do thiên tai, bão, lũ tại tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trồng thành công 106 ha rừng ngập mặn phòng hộ bảo vệ đê biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ khi có dự án, rừng ngập mặn được phục hồi không chỉ được bảo vệ trước bão gió; môi trường tự nhiên được cải tạo; ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn được nâng lên mà còn đem lại một nguồn thu lớn cho nhân dân các xã ven biển có rừng tăng thêm thu nhập từ việc đánh bắt nguồn lợi hải sản cư trú trong và ven rừng ngập mặn.

Xây dựng 763 trạm đo mưa tự động phục vụ công tác cảnh báo lũ sớm cho 41 tỉnh/thành phố. Các trạm đo mưa do Quỹ lắp đặt không chỉ phục vụ cho chính quyền, cơ quan phòng chống thiên tai, khí tượng thủy văn ở địa phương mà còn trực tiếp cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo lũ cho người dân qua mạng điện thoại di động.

Tổ chức 85 đội xung kích cứu hộ cứu nạn cấp thôn, xã, tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng phòng tránh thiên tai cứu hộ cứu nạn cho hơn 4.000 học viên. Trên cơ sở kinh nghiệm này, Quỹ đã tổ chức phối hợp với các tổ chức xã hội liên quan đề xuất và hỗ trợ Tổng cục phòng chống thiên tai xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trong cả nước.

Quỹ cũng đã tham gia nhiều chương trình cứu trợ khẩn cấp cho hàng vạn hộ dân bị thiệt hại do thiên tai...

Dự án tài trợ thuyền cho tổ xung kích cứu nạn ở địa phương.

Tất cả những dự án này của Quỹ đều được thực hiện bằng nguồn lực do các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp tài trợ. Ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, bằng hành trình bền bỉ của Quỹ và trải nghiệm của cá nhân, cho rằng công cuộc phòng chống thiên tai cần sự kết nối của cộng đồng, sự chung tay của cả xã hội.

Bởi vậy, theo ông, mục tiêu xây dựng một cộng đồng bền vững, thích ứng an toàn với thiên tai nên là một mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phòng chống thiên tai.

Quỹ Cộng đồng phòng chống thiên tai là một trong những mô hình thành công trong việc huy động nguồn lực xã hội cho phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ.

Đúng như ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định: Vai trò của các tổ chức xã hội và từng cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai là rất quan trọng. Đặc biệt, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai là một tổ chức xã hội thực hiện hỗ trợ phòng tránh thiên tai một cách bài bản cả 3 giai đoạn, gồm: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục. Trong đó, hoạt động hỗ trợ phòng ngừa của quỹ đã giúp các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả việc phòng tránh trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan và dị thường.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tham gia hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn là trách nhiệm vì cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO