Sự sụp đổ của một trong những quỹ đầu cơ tiền điện tử lớn nhất thế giới
Hồi tháng 3/2022, quỹ 3AC quản lý khoảng 10 tỷ USD tài sản, khiến họ trở thành một trong những quỹ đầu cơ tiền điện tử lớn nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Vậy mà giờ đây 3AC đã phải đệ đơn ra tòa xin bảo hộ phá sản sau khi giá tiền điện tử lao dốc cùng với chiến lược đầu tư quá rủi ro đã "thổi bay" tài sản của quỹ, và khiến họ mất khả năng trả nợ cho các nhà đầu tư. Trước đó, tòa án tại Quần đảo Virgin (Anh) ra lệnh thanh lý tài sản khi quỹ không còn khả năng thanh toán nợ.
3AC được thành lập năm 2012 có trụ sở tại Singapore, nổi lên với nhiều thương vụ đầu tư giá trị lớn vào tài sản số. Năm ngoái, quỹ này tạo tiếng vang khi mua gần 39 triệu cổ phiếu do Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) phát hành. Mỗi cổ phiếu GBTC có thể đổi thành bitcoin với tỷ giá 0,001 đơn vị. Theo đó, 3AC đã gom khoảng 1,3 tỷ USD bitcoin, trở thành thương vụ mua tiền số lớn nhất từng được ghi nhận. Hồi đầu năm nay, quỹ này công bố đang quản lý khoảng 10 tỷ USD tài sản.
Sự sụp đổ của 3AC làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng thanh khoản trong hệ sinh thái tiền số bắt nguồn từ việc bitcoin bốc hơi hơn 70% vốn hóa so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 11/2021. Theo The Block, 3AC đã mất ít nhất 400 triệu USD vì biến động thị trường.
Nhà phân tích Marcus Sotiriou của GlobalBlock cho biết: "Sự sụp đổ của 3AC đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều công ty khác trong không gian tiền số, đặc biệt là những đơn vị mà quỹ đầu cơ này đã vay với số tiền khổng lồ".
Trong bối cảnh đó, các công ty và nhà đầu tư tiền điện tử tại Singapore, trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, cũng đang phải đối mặt với những vụ phá sản và rắc rối pháp lý tiếp theo.
"Sau những sự kiện gần đây, có vẻ như Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) sẽ thắt chặt quản lý tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số hơn", Hoi Tak Leung, một luật sư cao cấp tại Ashurst cho biết.
Tham vọng trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu của Singapore bị lung lay?
Được biết đến với cái tên Thung lũng Silicon của châu Á, Singapore là nơi có nhiều fintech, chiếm hơn 40% thị phần. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, lĩnh vực fintech đạt hoàn thành 72 thương vụ trị giá 614,2 triệu đô la Mỹ (833,8 triệu đô la Singapore), tăng 22% so với năm ngoái. Singapore hiện là điểm đến hấp dẫn cho các công ty tiền điện tử toàn cầu nhờ quy định thân thiện, môi trường hướng đến nhà đầu tư. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh siết quản lý các hoạt động giao dịch tiền ảo trong những tháng gần đây, còn Nhật Bản chỉ mới cho phép một số quỹ đầu tư được cấp phép tham gia ngành tiền điện tử. Tại Mỹ, dù nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn để đầu tư vào tiền điện tử, giới quản lý vẫn lo ngại về tính rủi ro cao của loại tài sản này
Theo công ty kiểm toán KPMG, tổng vốn đầu tư vào các công ty tiền điện tử và blockchain của Singapore năm 2021 đã tăng lên 1,48 tỷ USD, gấp 10 lần so với năm trước đó và chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021. Số lượng người chơi đăng ký mới tăng gấp 4 lần kể từ năm 2017, mở ra một môi trường sôi động những có tính cạnh tranh cao, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới.
Trong năm 2020, có hơn 150 công ty tiền điện tử đã đăng ký giấy phép thanh toán tiền điện tử mới từ MAS, mặc dù cho đến nay chỉ có một số ít công ty nhận được giấy phép.
Bloomberg nhận định Singapore có nhiều cơ hội khi tham gia thị trường tiền điện tử, vì quốc đảo này vốn được biết đến là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, bức tranh này đang trở nên u ám với sự sụp đổ của 3AC. Các tác động dây chuyền của sự sụp đổ của 3AC - và sự xáo trộn thị trường sau đó - diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng. Tuần trước, sàn giao dịch và cho vay tiền điện tử có trụ sở tại Singapore Vauld cho biết họ sẽ tạm ngừng dịch vụ rút tiền.
Theo truyền thông địa phương đưa tin, một quỹ khác, Mirana, cũng đang kiện 3AC tại Singapore về một thỏa thuận cho vay, trích dẫn hồ sơ tòa án không được công bố rộng rãi.
Tại Mỹ, công ty cho vay tiền điện tử Voyager Digital đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tuần trước, vài ngày sau khi 3AC không thể trả được khoản vay 670 triệu USD, trong khi các sàn giao dịch tiền điện tử Genesis và Blockchain.com cũng đã tiết lộ khoản lỗ từ những khoản vay dành cho 3AC. Giám đốc điều hành Stephen Ehrlich của Voyager Digital cho biết trên Twitter rằng sau khi công ty trải qua thủ tục phá sản, những khách hàng có tiền điện tử trong tài khoản sẽ có khả năng nhận được một kiểu túi vật phẩm. Túi đó có thể bao gồm tiền điện tử mà họ nắm giữ, cổ phần phổ thông trong Voyager được tổ chức lại, mã thông báo Voyager và bất kỳ khoản tiền nào họ có thể nhận được từ 3AC.
Nic Carter, một đối tác tại Castle Island Ventures - công ty chuyên các khoản đầu tư blockchain, cho biết: "Tín dụng đang bị phá hủy và bị thu hồi, các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành đang được thắt chặt, khả năng thanh toán đang được kiểm tra, vì vậy mọi người đang rút thanh khoản từ các nhà cho vay tiền điện tử".
"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy các thị trường tiền điện tử trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng domino của các sự kiện thị trường gần đây, bao gồm cả ở Singapore, một trung tâm tiền điện tử lớn", Rose Kehoe, giám đốc điều hành về thực hành tái cấu trúc của Kroll tại Singapore cho biết.
3AC đang chịu giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý tại quê nhà Singapore. Theo các chuyên gia, những người chơi trong ngành cũng cần cảnh giác về cách các cơ quan quản lý của Singapore có thể phản ứng. Hiện MAS đưa ra bất cứ bình luận về vấn đề này, nhưng vào ngày 30/6, MAS đã đưa ra khiển trách công khai hiếm hoi đối với 3AC vì cung cấp thông tin sai lệch và vi phạm ngưỡng tài sản đang quản lý.
Hagen Rooke, một đối tác Singapore tại công ty luật Reed Smith, cho biết: "Tôi nghĩ MAS muốn gửi một tín hiệu đến ngành công nghiệp rằng 3AC đã nằm trong danh sách giám sát của chúng tôi".
"Câu hỏi đặt ra là liệu MAS có trở nên hà khắc hơn trong cách tiếp cận với ngành công nghiệp tiền điện tử hay không", Hagen Rooke cho nói thêm xác định các quy định mới xung quanh việc vay và cho vay tiền điện tử sẽ là một trọng tâm pháp lý./.