Thắng cảnh Chùa Am Vãi - nơi nuôi dưỡng lòng thiền

Đỗ Thêu| 01/03/2022 19:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Am Vãi là một trong những ngôi chùa cổ thời Lý - Trần tọa lạc bên sườn Tây Yên Tử. Chùa còn được gọi là Am Vãi Ni tự, thuộc xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 50km về phía Đông Bắc.

Thắng cảnh Chùa Am Vãi – nơi nuôi dưỡng lòng thiền - Ảnh 1.

Ngôi chùa Am Vãi linh thiêng

Truyền thuyết về Phật Hoàng Trần Nhân Tông kể lại, sau khi truyền ngôi, Ngài đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Giác Hoàng Điều Ngự Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Ngài chọn ra hai đệ tử trong số các đệ tử của ngài là Huyền Quang và Pháp Loa làm hai đệ tử kế truyền y bát. Đời sau gọi ba vị là ba vị tổ sư đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. 

Thiền phái Trúc Lâm lấy ngọn Yên Sơn, đỉnh Yên Tử làm sơn môn của thiền phái, lấy chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang (nay thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) làm trụ sở trung tâm của thiền phái Trúc Lâm. Tại chùa Vĩnh Nghiêm, Ngài và hai vị tổ khai phái đã khai tràng thuyết pháp thống nhất giáo hội cả nước, theo về thiền phái Trúc Lâm.

Thiền phái do Ngài khai sáng đã độ cho hàng ngàn tăng ni, ấn định giáo phẩm, in, dịch kinh sách làm cho thiền phái Trúc Lâm phát triển mạnh mẽ. Trong thời này, nhiều chùa chiền được trùng tu, xây dựng trở thành những chốn tùng lâm, danh lam thắng cảnh, trong đó có các ngôi chùa trên các ngọn núi thuộc phía Đông và phía Tây dãy Yên Tử.

Đến thời kỳ nhà Lê thế kỷ XVII - XVIII, chùa Am Vãi được mở mang trên diện tích khoảng 2500m2. Dấu tích vật chất để lại ở chùa như các vật liệu xây dựng gạch, ngói, non sành, lọ… và các nguồn sử liệu cho biết, khi ấy chùa Am Vãi là một ngôi chùa lớn có một bố cục mặt bằng theo kiểu "Nội công ngoại quốc", với nhiều hạng mục công trình như: Tiền đường, tam bảo, nhà tăng ni, hành lang, vườn tháp, giếng nước.

Các hạng mục của chùa đều được dựng bằng gỗ lim chắc chắn, chân cột được kê bằng tảng đá nhám. Hiện nay quanh khu vực chùa tuy không còn đủ các chân tảng kê cột song số chân tảng còn lại có kích thước khá lớn; các mảnh gốm, non sành, lọ, vò, gạch, ngói... Đặc biệt nay vẫn còn nền móng lộ rõ các viên gạch thời Lê trung hưng. Những hiện vật này chứng minh sự trường tồn của di tích chùa Am Vãi liên tục suốt các thời kỳ. Hơn nữa đến thời Lê trung hưng, chùa Am Vãi được phát triển, mở rộng bề thế.

Năm 1990, nhân dân địa phương đã hưng công góp sức tu tạo lại chùa trên nền chùa cũ. Năm 1998, chùa được tôn tạo theo kiểu chữ Đinh, với quy mô vừa phải gồm 3 gian tiền đường và 2 gian thượng điện. Kết cấu vì làm theo kiểu kèo kìm cánh báng, quá giang gác tường. Năm 2009, chùa Am Vãi được tu bổ, tôn tạo một lần nữa.

Khu chùa Am Vãi ngày nay đã được tôn tạo khang trang, trong chùa bài trí hệ thống tượng Phật. Trước chùa có gác chuông treo quả chuông lớn đúc năm 2010. Chùa Am Vãi nằm cách xa khu dân cư và có độ cao 438m so với mực nước biển. Để lên được chùa, trước đây du khách có thể đi đường bộ hoặc đi đường sông. Đường bộ từ thị trấn Chũ hoặc từ nhánh nối đường Tây Yên Tử tới trung tâm xã Nam Dương du khách có thể đi ô tô theo con đường bê tông uốn lượn qua những cánh rừng xanh thẫm để lên chùa. 

Nếu theo đường thủy, du khách đi thuyền dọc theo nhánh của con sông Lục Nam đến bến Nam Dương và tiếp tục leo núi bằng lối mòn vào chùa. Từ trên đỉnh núi nơi ngôi chùa tọa lạc, trải dài tầm mắt ngắm những đồi vải bạt ngàn lúp xúp như những mâm xôi bao quanh, những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ được dòng sông Lục Nam bồi đắp. Xa xa về phía Đông là cảnh núi non hùng vĩ của dãy Yên Tử huyền thoại…

Lễ hội chùa Am Vãi diễn ra vào mùa Xuân, từ ngày 1-3/3 âm lịch. Trong những ngày này, nhân dân địa phương làm cỗ chay lên núi vào chùa dâng Phật. Những năm gần đây, lễ hội chùa Am Vãi được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và các phận tử, du khách thập phương về đây lễ Phật. Ngoài phần nghi lễ trang nghiêm, trong lễ hội chùa Am Vãi còn có các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của miền sơn cước Lục Ngạn như chơi đu, chọi gà…

Chùa Am Vãi đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 819/QĐ-Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), ngày 9/3/2017 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL./. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Thắng cảnh Chùa Am Vãi - nơi nuôi dưỡng lòng thiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO