Thành phố thông minh: Cơ hội của chuyển đổi số

HÀ THANH| 08/12/2021 21:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc xây dựng thành phố thông minh đang là nhu cầu cấp thiết với các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Bởi đây được xác định là yếu tố cốt lõi nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế - xã hội truyền thống sang số hóa mà Việt Nam đang thực hiện.

Nhu cầu cấp thiết đến từ chuyển đổi số

Chuyển dịch dần từ mô hình xã hội - kinh tế truyền thống sang mô hình xã hội số - kinh tế số đang là xu hướng không thể đảo ngược tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và cũng tương tự, với Việt Nam việc xây dựng thành phố thông minh cho các địa phương trên cả nước được xác định là yếu tố cốt lõi để hoàn tất quá trình chuyển đổi này.

Trên thực tế, từ gần chục năm trở lại đây Việt Nam đã từng bước xây dựng các mô hình thành phố thông minh. Có thể kể đến như vào 2012, Đà Nẵng đã nhận được sự trợ giúp từ Tập đoàn công nghệ IBM nhằm ứng dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh nhằm tránh ùn tắc giao thông công cộng cũng như chất lượng nguồn nước để phục vụ người dân.

Thành phố thông minh: Cơ hội của chuyển đổi số - Ảnh 1.

Vinhome Smart City - Khu đô thị thông minh tiêu biểu được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại

Hay như vào năm 2018, Hà Nội đã bắt tay với Tập đoàn Công nghệ Dell nhằm xây dựng thành phố thông minh cùng chính quyền điện tử cho Thủ đô. Đáng chú ý, sự hợp tác này được xây dựng nhằm thống nhất với “Định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam” đã được Bộ TT&TT ban hành, hướng đến hình thành và phát triển kinh tế tri thức đưa Thủ đô tham gia vào các diễn đàn thành phố thông minh trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều thành phố khác như Nha Trang, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh … cũng đã dần triển khai các cấu phần của thành phố thông minh vào hoạt động công cộng. Có thể kể đến như TP Hồ Chí Minh với trung tâm điều hành đô thị thông minh, Bình Dương với hệ thống điều hành khu công nghiệp thông minh hay Bắc Ninh với hệ thống camera thông minh nhằm giám sát giao thông toàn tỉnh …

Và trong năm 2018, với việc Chính phủ thông qua Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để quá trình chuyển đổi này được mạnh mẽ hơn. Tính tới hiện tại, đã có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai một phần hoặc toàn bộ địa phương sang thành phố thông minh. Phần lớn trong số này đang ở giai đoạn đầu với việc xây dựng trung tâm hành chính công và triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Không chỉ bó gọn ở khối chính quyền, khối tư nhân cũng đang trong quá trình đầu tư mạnh nhằm xây dựng những khu đô thị thông minh, trung tâm của các thành phố thông minh. Có thể kể đến như khu đô thị Vinhome Smart City (Hà Nội) được học hỏi theo mô hình đô thị thông minh của Songdo (Hàn Quốc) hay Fujisawa (Nhật Bản). Tại đây, việc giám sát người lạ, biển số xe được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo; phòng cháy, cảnh báo chất lượng không khí, tình trạng giao thông … có thể hiển thị rõ ràng trên điện thoại của mỗi người dân.

Nói về tầm quan trọng của đô thị thông minh với chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng khẳng định, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, quá trình này gắn liền và không thể tách rời với chuyển đổi số của các địa phương cũng như toàn quốc.

Chính đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng thành phố thông minh trên toàn quốc. Những mô hình này không chỉ bền vững, linh hoạt mà còn dễ thích nghi và phản ứng nhanh trước tác động bất lợi của môi trường cũng như xã hội, Thứ trưởng chia sẻ.

Có cùng quan điểm, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa nhận định, chính đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng các thành phố thông minh ở Việt Nam. Đây không chỉ dừng lại ở xu thế mà còn là nhu cầu cấp thiết của các khu đô thị. Đáng chú ý, với giai đoạn phục hồi sau đại dịch, việc vận hành một thành phố theo mô hình thông minh sẽ mang lại các giải pháp kịp thời cho kinh tế cũng như phòng chống dịch bệnh.

Thành phố thông minh đang là tiêu chuẩn nhằm đánh giá quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Đây là phương thức hiện đại giúp các đô thị tối ưu nguồn lực, phát triển bền vững cũng như tăng cao sự an toàn, tiện lợi cho người dân cũng như phát triển kinh tế, ông Khoa chia sẻ.

Mảnh đất màu mỡ cho startup

Hiện trên thế giới cũng như Việt Nam đang chứng kiến làn sóng chuyển dịch cũng như xuất hiện mới của startup sang dần lĩnh vực thành phố thông minh. Đây được xem là sự thay đổi tất yếu khi đi kèm với thành phố thông minh là việc liên tục ứng dụng công nghệ cao, các nhu cầu dịch vụ phát sinh đều dựa trên nền tảng công nghệ mới như Blochain, AI, Bigdata, Fintech, IoT, NFT … Và đây chính là cơ hội cho startup.

Trên thực tế, bất chấp những khó khăn mà đại dịch Covid-19 mang lại, các khoản đầu tư nước ngoài vào startup về công nghệ, đặc biệt là công nghệ ứng dụng cho thành phố thông minh đã gia tăng đáng kể. Các chỉ số về lĩnh vực này đang ở mức “kỷ lục” với hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và 210 quỹ đầu tư mạo hiểm. Dự kiến trong thời gian tới các con số này sẽ tiếp tục tăng.

Theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực thành phố thông minh mặc dù có sự tham gia của nhiều Tập đoàn, công ty công nghệ lớn trong nước và thế giới nhưng mảng miếng dành cho startup không những là không có mà còn tương đối lớn. Bởi các doanh nghiệp lớn sẽ tập trung và các bài toán lớn như hạ tầng, giải pháp tổng thể, còn những bài toán nhỏ hơn như vận hành, dịch vụ mới lại thích hợp hơn với startup nhờ mô hình nhỏ và linh động.

Minh chứng cho nhận định trên, Tổng Giám đốc BKAV Global Lê Quang Hiệp lấy sản phẩm camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo ra làm ví dụ. Xác định đây là một trong những giải pháp không thể thiếu cho một thành phố thông minh, BKAV đã bắt tay cùng Qualcomm nhằm phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo dành cho camera, được tích hợp các công nghệ mới nhất trên thế giới với tên gọi AI View Platform.

"Dựa trên nền tảng lớn này, các cá nhân, doanh nghiệp và cả các startup có thể tự xây dựng ứng dụng riêng. Những ứng dụng này nếu thích hợp để triển khai trong thực tế thì việc thu được lợi nhuận là hoàn toàn khả thi" - ông Hiệp nói.

Có nhận định tương tự, Giám đốc Trung tâm Smartcity - Viettel Solutions Dương Công Đức hiện toàn Việt nam đang có hơn 100 khu đô thị có nhu cầu chuyển đổi thành đô thị thông minh. Khối lượng công việc cần đáp ứng là rất lớn, không một doanh nghiệp công nghệ nào có thể đáp ứng toàn bộ được. Do đó đây là mảnh đất rất tiềm năng với các startup.

Việc bắt tay với các doanh nghiệp lớn nhằm giải quyết bài toán đô thị thông minh là hướng đi cần thiết với các startup. Không như nhiều lĩnh vực khác buộc phải đơn độc hoạt động, với thành phố thông minh, startup hoàn toàn có thể tận dụng được sức mạnh đến từ con người, công nghệ lẫn tài chính của các doanh nghiệp lớn nhằm tạo thành công cho mình, ông Đức chia sẻ.

Trong thời gian qua, cũng không thiếu những thành công đến với các startup trong lĩnh vực phát triển thành phố thông minh. Có thể kể đến như BusMap, startup Việt duy nhất giành Quán quân ITU Digital World Awards 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế trao tặng.

Vào tháng 6 vừa qua, BusMap đã nhận được 1,5 triệu USD đầu tư từ Tập đoàn Phenikaa nhằm mở rộng phát triển ứng dụng giao thông thông minh của mình. Được biết, BusMap là ứng dụng giúp hành khách  tối ưu hóa hành trình di chuyển bằng phương tiện công cộng theo hướng thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với các hình thức di chuyển khác.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thành phố thông minh: Cơ hội của chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO