Thanh tra Bộ TT&TT kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2015)

Thu Hương| 23/11/2015 10:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng ngày 20/11/2015, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ TT&TT đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2015). Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Sở TT&TT 63 tỉnh, thành phố, đại diện thanh tra các bộ, ngành…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chụp ảnh lưu niệm cùng toàn thể cán bộ Thanh tra Bộ TT&TT.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra giữ một vị trí hết sức quan trọng để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Do đó, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đánh dấu sự ra đời và trở thành Ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Ủy ban Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đóng vai trò nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh xử lý vi phạm và giải quyết các bức xúc của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, Ngành Thanh tra đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật như: Hoạt động thanh tra đã gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước; phát huy tốt vai trò chủ đạo trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hiện có hiệu quả trong việc tham mưu triển khai Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cùng với những thành tựu chung của đất nước, của Ngành, Thanh tra TT&TT cũng không ngừng lớn mạnh và có vai trò quan trọng. Ngày 9/11/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/2001/QĐ-TTg về tổ chức Thanh tra Nhà nước về Bưu điện, đến tháng 6/2003 được đổi tên thành Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin. Tháng 8/2007, Thanh tra Thông tin và Truyền thông tiếp tục được củng cố, hoàn thiện trên cơ sở tiếp nhận thêm chức năng thanh tra báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa, Thông tin. Triển khai Luật Thanh tra năm 2010, các Cục được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đã tạo thêm sức mạnh cho lực lượng Thanh tra ngành TT&TT, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Các thế hệ cán bộ Thanh tra TT&TT đã không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, lợi ích dân tộc và giai cấp, gắn bó chặt chẽ sự nghiệp của ngành với nhân dân và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định xử lý vi phạm hành chính liên tục được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để theo kịp và phù hợp với công tác quản lý Nhà nước. Các văn bản như Thông tư quy định mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Bộ TT&TT, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Sở TT&TT; Thông tư quy định bộ phận tham mưu và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ TT&TT đã tạo điều kiện để công tác phối hợp giữa các Cục thuộc Bộ với các Sở TT&TT ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn và tránh bị chồng chéo.

Hoạt động thanh tra được triển khai tích cực, toàn diện, đã có nhiều đổi mới, cải tiến và luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ quản lý của Bộ. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được điều chỉnh linh hoạt và tăng cường hơn các cuộc thanh tra đột xuất, tập trung vào kiểm tra những lĩnh vực nóng, có tính thời sự và dư luận xã hội quan tâm. Các trường hợp vi phạm đã được xử lý một cách thường xuyên liên tục và công khai trên các phương tiện truyền thông đã phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa và tạo ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Ngoài ra, công tác phòng, chống tham nhũng được gắn liền với các hoạt động thanh tra, kiểm tra; việc xử lý khiếu nại, tố cáo được triển khai kịp thời, nhanh chóng, kết quả giải quyết thỏa đáng theo yêu cầu; hoạt động tiếp công dân được diễn ra theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà ngành Thanh tra Việt Nam nói chung và Thanh tra Bộ TT&TT nói riêng đã đạt được trong 70 năm qua.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, đất nước ta đang ngày càng phát triển và hội nhập sâu, rộng với thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều đối tượng đã lợi dụng khoảng trống pháp lý để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi hơn. Tình trạng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, không thực hiện nghiêm túc quy định quản lý thuê bao di động trả trước, cung cấp các trò chơi điện tử vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý học sinh, sinh viên; lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi bị cấm vẫn đang là những vấn đề bức xúc của xã hội. Các hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc từ các máy chủ nước ngoài đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích của mình; viết bài với những cách giật gân câu khách, đưa tin sai sự thật; một số những người làm báo vi phạm bản quyền, sao chép, cắt dán từ những bài báo khác thành sản phẩm của mình. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do dân chủ, các blog, diễn đàn thường xuyên đăng, viết bài xuyên tạc nói ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; đưa thông tin một chiều, không được kiểm chứng gây hoang mang trong dư luận. Những thực trạng nêu trên cho thấy vai trò và nhiệm vụ đặt lên vai của các cán bộ làm công các thanh tra ngày càng trở nên phức tạp và nặng nề hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, môi trường pháp luật luôn được điều chỉnh, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn, các phương thức, hành vi vi phạm mới luôn phát sinh đòi hỏi người cán bộ làm công tác thanh tra phải cập nhật kịp thời để phục vụ tốt cho công tác thực thi pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, trong thời gian tới, để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, Thanh tra Bộ TT&TT cần tập trung làm tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra; nghiên cứu, đề xuất tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Ngành phù hợp với thực tiễn. Từ đó góp phần nâng cao khả năng phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, hạn chế cao nhất hậu quả có thể xảy ra.

Thứ hai, chủ động thanh tra theo kế hoạch, nắm chắc tình hình, thanh tra đột xuất, kịp thời, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và đang gây ra nhiều bức xúc trong xã hội như thông tin điện tử, xuất bản trái phép, quản lý thuê bao di động trả trước, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, qua đó phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý bổ sung, điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tiễn.

Thứ ba, tăng cường quan hệ chuyên ngành, tuân thủ sự chỉ đạo, định hướng của Thanh tra Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là các Sở TT&TT để nắm bắt tình hình thực tế và chủ động xử lý kịp thời, nhanh chóng các vấn đề vướng mắc phát sinh.

Thứ tư, cần phải có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn, để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay; coi đấu tranh, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; lồng ghép công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí với hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; chủ động, tích cực hơn nữa trong việc hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai các biện pháp phòng ngừa và đẩy mạnh phát hiện tham nhũng.

Thứ năm, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, mỗi cán bộ, thanh tra viên ngành TT&TT cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.

Thứ sáu, làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân đảm bảo đúng quy định của pháp luật; không để tồn đọng, kéo dài, vượt cấp và đặc biệt không để xảy ra các điểm nóng trong hoạt động TT&TT.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trao tặng bức ảnh lưu niệm cho một số đơn vị thanh tra ngành TT&TT

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra Bộ TT&TT kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2015)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO