Diễn đàn

Thế hệ trẻ dám đối diện khó khăn, thách thức để khởi nghiệp

AD 27/11/2024 23:00

Cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại, không có khó khăn, trở ngại nào mà không vượt qua; với động lực mạnh mẽ, nhiệt huyết, niềm tin và đam mê cháy bỏng; tạo nên những "kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới.

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) - TECHFEST Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" diễn ra tại Hải Phòng chiều ngày 27/11.

khoi-nghiep-271124.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia 2024. (Ảnh: TTXVN)

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo là một bước đột phá cần thiết để khai thác có hiệu quả những tiến bộ của KHCN, ĐMST. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

418-202411280459331.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khởi nghiệp sáng tạo để hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST khu vực và thế giới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khởi nghiệp sáng tạo để bứt phá, vượt qua chính mình, để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, là yếu tố đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Khởi nghiệp sáng tạo để hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST khu vực và thế giới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam.

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và DN. ĐMST là động lực mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới, tạo ra lực lượng sản xuất mới", Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các công việc là thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời để không bỏ lỡ thời cơ. Việt Nam là nước đi sau, vừa có cơ hội, vừa có thách thức, nhưng khát vọng của chúng ta là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. ĐMST có những rủi ro, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, phải vượt qua chính mình.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế như: còn thiếu nguồn lực để có thể tăng tốc và phát triển; chậm đổi mới tư duy, chưa tạo đột phá trong xây dựng pháp lý; nội hàm, khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn chưa được chuẩn hóa; chưa nhiều DN lớn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; không gian, cơ sở hạ tầng về thí điểm, thử nghiệm công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu…

Phân tích một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần có liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và DN. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo phát triển, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quản lý Nhà nước; các viện, trường đào tạo nhân lực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho ĐMST, cho khởi nghiệp; DN hỗ trợ, đặt hàng, tạo môi trường phát triển khởi nghiệp ĐMST.

Đồng thời, cần có tư duy đột phá, chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm trong thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cả từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng DN, nhân dân với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dẫn dắt, hỗ trợ hiệu quả xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải hình thành thị trường cho ĐMST; phát huy vai trò mạnh mẽ vai trò của các mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế, chính sách chấp nhận rủi ro, giải phóng nguồn lực từ cộng đồng DN, đặc biệt là các tập đoàn, DN lớn để đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Thủ tướng nhận định, thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, phức tạp và khi tình hình thay đổi thì tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý công việc cũng phải thay đổi phù hợp. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về KHCN, ĐMST.

"Thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn, cơ hội cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói chung. Đây cũng là cơ hội để bứt phá, vươn mình, thể hiện trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ba yêu cầu chủ đạo đặt ra đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là: Thu hút được các nguồn lực từ các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới; tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn diện, bao trùm, bền vững.

Theo Thủ tướng khởi nghiệp sáng tạo cần phải có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng, người dân, DN; phải lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Khởi nghiệp sáng tạo cần có tư duy mới, nhận thức mới, cách làm mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải là một trụ cột quan trọng để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN, ĐMST, tạo đột phá về thể chế thúc đẩy mô hình kinh doanh mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải là môi trường nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ doanh nhân công nghệ tương lai.

Tập trung các lĩnh vực CĐS, AI, điện toán đám mây, IoT, blockchain, phát triển xanh

Trên tinh thần “Đổi mới để bay cao; sáng tạo để vươn xa; hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng Chính phủ nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy ĐMST, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, hướng đi cho KHCN, khởi nghiệp sáng tạo, trong đó tập trung cho các lĩnh vực CĐS, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật, blockchain, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các phong trào khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường, "sàn giao dịch" cho ĐMST, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh những nhiệm vụ cụ thể Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, và địa phương, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng DN, nhà đầu tư, nhân dân tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu vực, trên thế giới. Mỗi DN khởi nghiệp sáng tạo cần phải là một "hạt nhân đổi mới" góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trường đại học…) phát huy vai trò là cầu nối, kết nối các DN khởi nghiệp với các nguồn lực (vốn đầu tư, cố vấn chuyên môn, mạng lưới chuyên gia, thị trường); Cập nhật liên tục những mô hình hỗ trợ tiên tiến, ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong việc đánh giá, phát triển và theo dõi các DN khởi nghiệp; Cam kết đồng hành, hỗ trợ DN từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến mở rộng quy mô và vươn ra quốc tế, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ cam kết đồng hành, giữ vai trò kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Trong đó, chính sách phải ổn định, lâu dài cho DN yên tâm đầu tư; xây dựng mô hình quản lý tập trung với một đầu mối, bảo đảm quy trình thuận lợi, tránh phiền hà, sách nhiễu cho khởi nghiệp ĐMST; Tạo thị trường, thúc đẩy cung cầu cho ĐMST. Xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở, visa, đi lại, vốn ưu đãi… cho khởi nghiệp ĐMST; Xây dựng các quy định về huy động vốn như thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các nhà khoa học, các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn nữa cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với phương châm "3 chung": "chung sức đồng lòng", "chung tay hành động", "chung hưởng thành quả".

Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám dấn thân, dám ĐMST, dám vượt qua chính mình", đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, thực hiện khát vọng vươn lên của cộng đồng DN và nhân dân cả nước, Thủ tướng tin tưởng rằng cộng đồng khởi nghiệp, ĐMST, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại, không có khó khăn, trở ngại nào mà không vượt qua; với động lực mạnh mẽ, nhiệt huyết, niềm tin và đam mê cháy bỏng; tạo nên những "kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới; đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa về khởi nghiệp sáng tạo; góp phần đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Năm 2024, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPIO), Việt Nam tăng 2 bậc trong Chỉ số ĐMST toàn cầu, xếp thứ 44/133 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên ghi nhận Chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo dẫn đầu.

Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục khởi sắc, với Chỉ số số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ hạng 77 (năm 2022) lên hạng 50 (năm 2024) và Chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ hạng 54 (năm 2021) lên vị trí 44 (năm 2024).

Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2024 nổi bật với khoảng 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân và 11 DN được định giá trên 100 triệu USD.

Cả nước có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung, 208 quỹ đầu tư, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 79 cơ sở ươm tạo, và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành tại các địa phương và trên toàn quốc.

Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink, Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt vào top 200, TP. Đà Nẵng lọt top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác năm 2025
    Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT khuyến khích đầu tư vào việc mở rộng mạng cáp quang và đảm bảo việc truy cập Internet trở thành hiện thực cho mọi hộ gia đình Việt Nam. Việt Nam sẽ đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác vào năm 2025.
  • ‏FPT hợp tác cùng nhà cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp Top 10 thế giới‏
    ‏FPT vừa ký kết thỏa thuận với công ty Yonyou - nhà cung cấp giải pháp ERP top 10 toàn cầu (theo IDC). Hai bên sẽ phối hợp, phát huy thế mạnh để cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. ‏
  • Cách Masan dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ trong năm 2024
    Năm 2024 đánh dấu nhiều bước ngoặt trong chiến lược dồn lực cho mảng tiêu dùng bán lẻ của Tập đoàn Masan như thực hiện thành công các thương vụ M&A giúp gia tăng nguồn lực tài chính, tăng tốc mô hình bán lẻ và IPO công ty Masan Consumer.
  • Giao dịch sôi động, cần xây dựng khung pháp lý cho Mobile Money
    Đến 31/12/2024, chương trình thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) sẽ kết thúc. Do vậy, việc sớm bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ Mobile Money để các tổ chức có cơ sở triển khai đầu tư, hoạt động.
  • Rapido - Hành trình 10 năm tăng tốc chuyển mình
    Rapido là một thương hiệu gia dụng của Đức được Ferroli mua lại từ năm 2001. Chính thức có mặt tại Việt Nam từ 2015, khởi đầu từ một thương hiệu gia dụng nhập khẩu đến nay Rapido đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi xây dựng nhà máy rộng 40.000 m² tại Hà Nam.
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ trẻ dám đối diện khó khăn, thách thức để khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO