Diễn đàn

Văn hóa không sợ thất bại là yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Thế Phương 11:16 26/11/2024

Theo ông Choi Young-sam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, nền văn hóa không sợ thất bại và coi đó là cơ hội để phát triển, là một yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thông tin trên được ông Choi Young-sam chia sẻ tại chương trình Giao lưu kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc ngày 25/11.

423-202411260908231.jpg
Đại sứ Choi Young-sam: Nền văn hóa không sợ thất bại và coi đó là cơ hội để phát triển, là một yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Xây dựng văn hóa kế thừa để truyền lại cho công ty đi sau

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Choi Young-sam cho biết, nếu như Hàn Quốc đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp với khả năng đổi mới toàn cầu thì Việt Nam lại đang thu hút sự chú ý của thế giới như một trung tâm đổi mới toàn cầu đang phát triển nhanh chóng với thị trường rộng lớn và dồi dào nhân lực.

Ông Choi Young-sam tin tưởng rằng, Hàn Quốc và Việt Nam đã hình thành mối quan hệ bền chặt thông qua những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và hợp tác kinh tế tích cực. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước có thể hợp tác và tạo ra thành quả lớn hơn trong tương lai.

Cũng theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, khởi nghiệp là một thách thức mà các nhà sáng lập đặt cả cuộc đời của họ vào đó. Bởi vì “thử thách luôn đi kèm với thất bại nhưng thất bại cũng là nền tảng của thành công”.

Ông Choi Young-sam đã dẫn chứng trường hợp của Toss, một trong những công ty fintech kỳ lân hàng đầu của Hàn Quốc, đã nói rằng động lực cốt lõi thúc đẩy sự đổi mới là thất bại. Họ cùng nhau phân tích các dự án thất bại, ăn mừng bằng cách tổ chức “bữa tiệc thất bại” với các thành viên trong nhóm của mình và coi đây là bước đệm để tiếp tục đón nhận những thử thách mới.

“Nền văn hóa không sợ thất bại và coi đó là cơ hội để phát triển là một yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Choi Young-sam cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Choi Young-sam cho rằng, để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, ngoài văn hóa vượt qua thất bại này thì nên tạo ra văn hóa kế thừa, như việc các công ty đi trước truyền lại kinh nghiệm thất bại và bí quyết thành công và chia sẻ các mạng lưới quan hệ cho các công ty đi sau.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ trong năm nay và đặt nền tảng hợp tác nhằm mở rộng hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Thông qua đó, ông Choi Young-sam tin rằng Trung tâm Khởi nghiệp Hàn Quốc (KSC), khai trương tại Hà Nội vào năm ngoái, sẽ tích cực đóng vai trò là nền tảng hợp tác đôi bên cùng có lợi giúp các công ty khởi nghiệp từ cả hai nước gia nhập và hòa nhập thị trường.

“Chúng tôi ủng hộ sự phát triển và hợp tác liên tục của các công ty khởi nghiệp ở cả hai quốc gia và hy vọng rằng những thách thức của các bạn trong hiện tại sẽ dẫn đến thành công lớn hơn trong tương lai”, ông Choi Young-sam kết luận.

423-202411260908232.jpg
Thứ trưởng Bộ KHCN Hoàng Minh: Nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển trong thời gian tới chính là dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hoàng Minh cho biết, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng cốt lõi. Khi mà không có một quốc gia nào có thể phát triển mà không dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, có thể nói, nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển trong thời gian tới chính là dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo.

Dù vậy, để phát triển KHCN - ĐMST, Việt Nam không thể đi một mình và cần học hỏi những kinh nghiệm, những bài học, kể cả thành công và thất bại của các nước. Trong đó, Hàn Quốc cũng như các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc là những đối tác, những người bạn mà Việt Nam mong muốn được học tập, chia sẻ.

“Tôi tin rằng hai quốc gia chúng ta sẽ có những sự hợp tác sâu rộng hơn không chỉ trong lĩnh vực khởi nghiệp mà còn trong những lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, văn hóa…”, Thứ trưởng Bộ KHCN bày tỏ.

423-202411260908233.jpg
Phiên tọa đàm “Định hướng mở rộng hợp tác và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hai nước”.

Thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng để startup Hàn Quốc thâm nhập

Tại phiên tọa đàm “Định hướng mở rộng hợp tác và cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hai nước”, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Bộ KHCN đã chia sẻ về tầm nhìn, giá trị mà Techfest theo đuổi nhân dịp kỷ niệm 10 năm cũng như ý nghĩa của sự kiện được tổ chức từ 26-28/11 tới đây. Trải qua 10 năm đồng hành, Techfest thực sự là ngôi nhà có nền móng vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

“Techfest Việt Nam 2024 nhằm tổng kết hoạt động và trình diễn những công nghệ, mô hình kinh doanh nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2024 cũng như trong suốt hành trình 10 năm Techfest, đồng thời định hướng phát triển hệ sinh thái trong giai đoạn mới”, ông Trần Xuân Đích nói.

Còn theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinVentures cho biết, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhất là giai đoạn sớm từ vòng hạt giống đến Series A, thể hiện qua việc có rất nhiều vòng gọi vốn được diễn ra trong giai đoạn này. Đổi lại, cơ hội sẽ đi kèm với những thách thức không chỉ cho các nhà đầu tư mà cho chính doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, theo bà Lâm, cách giải quyết tốt nhất là tìm kiếm đội ngũ đã có kinh nghiệm vận hành để hiểu rõ hơn về các quy định, quy chế cũng như đặc trưng của thị trường Việt Nam. Điều này sẽ giúp các hóa chi phí, giảm thiểu rủi ro cũng như tăng cường hợp tác giữa 2 nước. Ví dụ như tìm kiếm một đội ngũ có những sản phẩm tương tự để hợp tác hay sát nhập, cách này sẽ giúp tiết kiệm hơn việc chi nhiều tiền cho quảng cáo…

423-202411260908234.jpg
Toàn cảnh chương trình Giao lưu kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

Thị trường Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ, có thể kể đến như Edtech (Công nghệ giáo dục), Medtech (Công nghệ y tế), Fintech (Công nghệ tài chính) hay thương mại điện tử. Đây đều là những lĩnh vực có thể tận dụng nguồn dân số lên đến 100 triệu dân Việt Nam. Dù vậy, để thành công, đối với các quỹ, nên tập trung vào 2-3 lĩnh vực mũi nhọn muốn đầu tư thông qua bộ tiêu chí như giai đoạn đầu tư, thời điểm rút vốn, thị hiếu người tiêu dùng…

Khi được hỏi về những lời khuyên dành cho những startup của Hàn Quốc đang muốn thâm nhập thị trường cũng như triển khai ý tưởng của mình tại Việt Nam, ông Bùi Hoài Nam, Giám đốc Urbox cho rằng, các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc thường có những thế mạnh bao gồm: Công nghệ tiên tiến; thiết kế sáng tạo để nâng cao trải nghiệm người dùng; tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ; mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư cho các dự án startup Hàn Quốc.

Để khuyến khích các startup Hàn Quốc tham gia vào thị trường Việt Nam, ông Nam đã đưa ra một vài gợi ý như tìm kiếm đối tác có cùng tầm nhìn và giá trị cốt lõi, xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững và hiệu quả. Qua đó, tận dụng thế mạnh của nhau để tạo ra những giá trị vượt trội.

Tiếp theo, cần tập trung chuẩn hoá vận hành và gia tăng hiệu quả tài chính kinh doanh.

Cuối cùng, các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc cần phải đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh và linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi.

“Với một nền tảng vững chắc như UrBox, các startup Hàn Quốc có thể nhanh chóng tiếp cận và đạt được thành công, không những tại thị trường Hàn Quốc mà còn ở quốc tế như Việt Nam, hay khu vực Đông Nam Á . Với UrBox, chúng tôi không chỉ cung cấp một nền tảng công nghệ, mà còn là một cầu nối kết nối các doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp các đối tác của mình phát triển và thành công”, ông Nam nhấn mạnh.

Năm nay là năm thứ 2 diễn ra chương trình Giao lưu kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Sự kiện được tổ chức với mục đích tăng cường giao lưu hợp tác giữa cộng đồng khởi nghiệp hai nước, đồng thời cũng là nơi chia sẻ các ý tưởng và công nghệ mang tính đổi mới sáng tạo, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác hướng tới sự phát triển chung. Từ đó tạo nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh giữa hai nước, thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp đôi bên, hướng tới sự phát triển bền vững./.

Bài liên quan
  • Việt Nam - Hàn Quốc đồng hành trong kỷ nguyên AI
    Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm hy vọng, Việt Nam có thể học tập nhiều hơn từ Hàn Quốc về các bài học kinh nghiệm, cách làm hay để phát huy tối đa vai trò công nghệ số nói chung và trợ lý ảo nói riêng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập xã hội số nhân văn và thu hẹp khoảng cách số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa không sợ thất bại là yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO