Thế hệ Z khởi nghiệp nghĩ rộng, lớn và nhìn khác

Hoàng Linh| 20/10/2022 06:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong không khí hồ hởi của lễ khai giảng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), một phần rất thú vị và được nhiều thầy cô, các bạn sinh viên mong đợi là chương trình tọa đàm với chủ đề "Gen Z: Chuyện lập thân, lập nghiệp".

Là khách mời đặc biệt của buổi lễ khai giảng và toạ đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ, giải đáp nhiều câu hỏi, khúc mắc của đông đảo sinh viên, giảng viên PTIT thông qua những kinh nghiệm, chiêm nghiệm, trải nghiệm của Bộ trưởng.

Chú tâm học thật tốt

Trước câu hỏi về thời đi học Bộ trưởng có đặt nhiều mục tiêu lớn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ ngay: mọi người nghĩ những người thành đạt, thành danh khi còn là sinh viên đang đi học thì có mục tiêu, kế hoạch "ghê gớm" nhưng khá nhiều người không đặt những mục tiêu rõ ràng cho mình.

"Cá nhân tôi lúc đang làm gì thì chú vào làm việc đó tốt thôi. Cũng không đặt mục tiêu quá lớn lao. Đi học thì tập trung vào học cho thật tốt, thậm chí là học tốt tất cả các môn. Khi ra trường vào làm việc tại viện nghiên cứu thì cũng làm tốt việc của mình, đến khi ra làm doanh nghiệp (DN) cũng vậy. Đến lúc làm Bộ trưởng cũng vậy, chỉ chú tâm vào việc đang làm và làm tốt nhất".

Nhưng có một điểm Bộ trưởng chia sẻ: Khi làm gì thì bao giờ cũng cố gắng tìm cho việc đó một lý luận, một triết lý. Điều đó để đi xa được. Tiếp theo, bao giờ cũng nghĩ việc mình đang làm thì nghĩ lớn, cho việc đó một tầm nhìn, ý nghĩa lớn hơn để từ đó có thêm động lực, năng lượng để làm.

"Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm của con người có một việc chính thôi. Việc chính là phải chiếm hơn 70% thời gian, năng lượng thì được gọi là việc chính. Đi học mà đi làm thêm mà việc đó hỗ trợ cho việc học thì giống như việc hành. Điều đó hỗ trợ cho học rất tốt. Đi làm thêm để hiểu giá trị của lao động, hiểu giá trị cuộc sống, đồng tiền, sự va chạm, nắm thị trường để có thể sau này lập nghiệp, đỡ một chút cho gánh nặng của bố mẹ đều là những điều rất tốt".

Đi làm thêm, theo Bộ trưởng, cũng cho nó một triết lý, ý nghĩa nhưng học vẫn là chính "Nhưng nếu việc làm thêm dưới 30% và hỗ trợ cho việc học tập thì rất may mắn và tốt. Làm thêm hơn mức hơn 30% được xem là một việc lớn và như vậy, cùng với việc học là làm hai việc lớn cùng lúc thì khó làm tốt cả hai việc. Hãy việc chọn việc cần thiết hơn để làm. Việc phụ nên làm dưới mức 30% là ổn".

Không có một công thức chung cho khởi nghiệp

Về câu hỏi của sinh viên PTIT về Bill Gates được cho là hình mẫu của khởi nghiệp, là người bỏ học và thành công sớm? Vậy có nên bỏ học để khởi nghiệp hay đi làm sớm hay không?

Bộ trưởng chia sẻ: "Nếu các bạn là Bill Gates thì nên làm. Có người khởi nghiệp khi đang học ĐH, có người bỏ học để khởi nghiệp và có người khởi nghiệp khi đã 70 tuổi. Không có một công thức chung cho tất cả mọi người, nên mỗi người thấy mình đã đến lúc, sẵn sàng rồi thì đi khởi nghiệp. Không nhất thiết phải theo ai cả".

"Trong suốt chặng đường 4 - 5 năm học ĐH, 20 - 30 năm đi làm, 20 - 30 năm nghỉ hưu, bất kỳ lúc nào các bạn đã thấy đến lúc rồi thì khởi nghiệp. Khởi nghiệp thì muôn hình, muôn vẻ. Có người vì không vào ĐH thì khởi nghiệp, có người thì nhìn thấy một cơ hội, ý tưởng rõ ràng trong khi có người không thấy. Có người khởi nghiệp khi tay trắng. Tinh thần chính của khởi nghiệp là thấy đến lúc với mình rồi thì khởi nghiệp".

Giáo viên có cần khởi nghiệp?

Trước băn khoăn của giáo viên về việc hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp, giáo viên có nên khởi nghiệp để có kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên, Bộ trưởng cho biết giáo viên dù không khởi nghiệp thì cũng có cơ hội nghiên cứu rất nhiều tài liệu khởi nghiệp. Có nhiều giáo viên, giáo sư ĐH nghiên cứu, viết sách và giảng dạy cho sinh viên về khởi nghiệp. "Mỗi người thì chắc chỉ nên làm tốt một việc thôi. Nếu là giáo viên thì nên tập trung vào nghề giáo viên".

"Khởi nghiệp thì áp lực, áp lực đến ám ảnh, bận bịu, không còn thời gian để dạy học nữa". Theo đó, Bộ trưởng đặt câu hỏi, thay vào đó tại sao nhà trường, giáo viên không mời những người khởi nghiệp có thể thất bại, thành công, các giám đốc DN để vào giảng dạy cho sinh viên.

Khởi nghiệp thiếu vốn thì làm như thế nào?

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, có nhiều cách khởi nghiệp khác nhau. Có những khởi nghiệp cần nhiều tiền, nhiều kinh nghiệm, đó thường là khởi nghiệp lớn. Ví dụ, một DN làm làm dịch vụ chuyển sang làm công nghiệp như công nghiệp ô tô, quốc phòng, sản xuất thiết bị điện tử viễn thông… thì những mảng công việc đó đòi hỏi nguồn lực rất là lớn, chi cho nghiên cứu phát triển, thậm chí có khi phải làm thị trường trước thì mới bán được sản phẩm. Nhưng có những khởi nghiệp không phải là vì tiền, kinh nghiệm đó là khởi nghiệp khi có ý tưởng mới.

"Thường những ý tưởng mới không xuất phát từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm nhiều khi lại hạn chế. Kinh nghiệm cho cái này đúng cái kia sai và nhiều khi kinh nghiệm giống như là như gánh nặng trên vai, làm cho tư duy hạn hẹp lại. Thường có những ý tưởng mới, độc đáo thì lại không cần nhiều tiền phát triển", Bộ trưởng chia sẻ và lấy dẫn chứng của CEO Facebook Mark Zukerberg khi khởi nghiệp chỉ có máy tính, rồi lập trình, không có đồng vốn nào đâu.

Mark làm mạng kết nối cho sinh viên rồi chia sẻ, trao đổi và khi thành công trong nội bộ trường ĐH thì mở rộng như bây giờ thành một dịch vụ rất thành công. "Có khởi nghiệp cần vốn, có khởi nghiệp cần kinh nghiệm, có khởi nghiệp cần ý tưởng… tùy thuộc vào hướng mình chọn".

Bộ trưởng chia sẻ thêm: Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 chủ yếu là công nghệ số nên gọi là cách mạng số. Những ý tưởng độc đáo bây giờ có thể thực hiện được vì có nhờ công nghệ hỗ trợ như dịch vụ gọi xe, Airb&b... CMCN cũng mở ra cơ hội mới cho chúng ta.

Trước đây để có công nghệ, phát triển sản phẩm cần cả trăm tỷ, có khi nghìn tỷ đồng nên khởi nghiệp với một cá nhân là khó nhưng bây giờ công nghệ lại được cung cấp dưới dạng dịch vụ nên chỉ phải chi ít tiền mà đã có thể tiếp cận công nghệ như AI, mở ra cơ hội cho từng người. "Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người không sở hữu công nghệ nguồn mà chỉ phát triển ứng dụng thôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn người nắm giữ công nghệ nguồn. Đó là cơ hội cho các nước đang phát triển, cho sinh viên. Cơ hội khởi nghiệp hiện nay không cần quá nhiều tiền, mà cần nhiều hơn là một ý tưởng", Bộ trưởng cho hay.

Tạo áp lực khi làm việc

Với băn khoăn sinh viên tốt nghiệp ĐH nên đi làm cho Nhà nước hay nước ngoài? Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết nhiều người đi làm cho rằng làm việc cho DN nước ngoài là lương cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết nhiều DN Việt Nam đã trả lương khá cao không kém đơn vị nước ngoài. Cái chính là chọn làm việc như thế nào? Đi làm chọn áp lực hay ít áp lực?

Theo Bộ trưởng, đi làm phải chọn nơi làm việc áp lực thì tốt hơn. "Con người thường chỉ cố gắng khi có áp lực. Khi chúng ta gặp một việc khó, làm việc khó thì chúng ta trở nên giỏi. Chúng ta làm việc vĩ đại thì trở nên vĩ đại. Nên sinh viên ra trường hãy tìm đến những nơi làm việc có áp lực lớn, thường thì người trẻ có nhiều năng lượng chịu được áp lực tốt hơn".

Cũng theo Bộ trưởng, môi trường nước ngoài, hay Nhà nước, DN nhà nước hay tư nhân đều có điểm cộng điểm trừ. Làm Nhà nước lương có thấp nhưng có nhiều cơ hội được tiếp xúc nhiều thông tin vĩ mô, có cơ hội xây dựng chính sách cho cả ngành, có cơ hội học hỏi, giao lưu quốc tế, kiến thức rộng hơn.

"Làm việc ở đâu tùy thuộc vào bối cảnh của bản thân để chọn công việc. Có người đi làm thì chọn đi làm gần nhà, có người thì mong muốn làm Nhà nước để hiểu biết cả ngành, có ảnh hưởng đến cả ngành, đất nước. Tóm lại tìm được một nơi làm việc phù hợp với mình nhưng nên tìm đến một nơi có áp lực, và nếu đến nơi không có nhiều áp lực thì hãy tạo ra áp lực cho chính mình vì áp lực là để chính mình để trưởng thành", Bộ trưởng chia sẻ.

"Có một giấc mơ lớn cũng tạo ra một áp lực. Mọi người hay sợ có giấc mơ lớn, mục tiêu lớn vì được cho là "ngáo quá", "nổ quá". Nhưng người phương Tây đã nói đầu tiên là phải "think big" (nghĩ lớn). Cái đầu tiên là khởi nguồn cho tất cả những cái phía sau nên đừng ngại có một mục tiêu cao, có một giấc mơ lớn. Nhưng giấc mơ lớn, mục tiêu cao phải kiên định với nó. Hàng ngày bắt đầu từ những việc nhỏ từng việc, từng bước sẽ thành công và thậm chí trở thành việc vĩ đại".

Hiện nay, theo Bộ trưởng, là thời điểm rất hợp để khởi nghiệp vì có nhiều điều kiện nhất khi cái mới thay cái cũ, mô hình mới thay mô hình cũ, công nghệ mới thay công nghệ cũ và có thể tiếp cận được với giá rất là rẻ. Trăm năm mới một lần. Đúng thời tạo sao không khởi nghiệp. Việt Nam đã có 35 năm đổi mới, lúc nào cũng nằm trong top các nước tăng trưởng cao. Tăng trưởng là cơ hội cho DN.

Khởi nghiệp nhiều khi rất đơn giản

Chia sẻ về việc có nên tất cả sinh viên phải khởi nghiệp, Bộ trưởng cho rằng không nhất thiết. Đài Loan có nhiều DN nhất nhưng có 16 người thì có 1 người khởi nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết phải trong lúc đi học. Số người khởi nghiệp ít trong khi học ĐH cũng không có vấn đề gì nhưng cũng phải thấy số DN trên đầu người ở Việt Nam rất thấp nên thúc đẩy phong trào khởi nghiệp thì liên quan đến nhận thức.

Tiếp theo, trả lời băn khoăn khởi nghiệp nghĩa là phải chuẩn bị nhiều thứ không? Bộ trưởng chia sẻ: Tôi đã gặp 1 bạn học MA ở nước ngoài, làm bánh rất ngon và việc này được lan toả, nhiều người biết đến rồi một ngày bạn ý nghĩ tại sao không làm DN làm bánh. Khi khởi nghiệp về bánh và sản phẩm đã đến nhiều khách sạn 5 sao ở Việt Nam. Khởi nghiệp nhiều khi đơn giản vậy thôi chứ không lớn như các bạn nghĩ.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có 35 năm phát triển, trong top 10 tăng trưởng, là cơ hội cho DN Việt Nam. Nhiều bạn học ở nước ngoài quay trở về vì Việt Nam đang có tốc độ phát triển, có môi trường hòa bình ổn định. Việt Nam có khoảng 70.000 sinh viên tốt nghiệp ICT nhưng cần tới 400.000 sinh viên để có đạt 5% dân số làm chuyên gia CĐS. Việt Nam không chỉ làm CĐS cho Việt Nam. "Nhiều DN đã làm CĐS cho nhiều nước như FPT, CMC... Đó là cơ hội cho chúng ta".

Trước cơ hội này, Bộ trưởng cũng lưu ý, các bạn sinh viên ICT PTIT đang đón cơ hội rất là lớn, rất có giá nhưng lại dễ mắc tự kiêu, có quyền lựa chọn và nhảy đi hết chỗ này chỗ kia, không đứng vững ở đâu. Đây là nguy cơ.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhận định: Khởi nghiệp hiện nay là dựa trên công nghệ mở. Chúng ta đang đứng trước bước thay đổi lịch sử khi trong vài chục năm qua "tiêu xài" công nghệ thế giới, giờ là lúc tạo ra sự thay đổi công nghệ, đóng góp tiếng nói vào công nghệ thế giới, góp phần phát triển thế giới, là cơ hội cho Việt Nam

"Tinh thần khởi nghiệp phải nghĩ rộng ra, lớn ra và nhìn góc nhìn khác. Trong từng góc nhìn sẽ có góc phù hợp với từng sinh viên", Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ Z khởi nghiệp nghĩ rộng, lớn và nhìn khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO