Thêm một mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng tại Hưng Yên

N.N| 26/02/2022 13:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng được đặt tại thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là dự án mang ý nghĩa văn hóa, giáo dục to lớn, góp phần lan tỏa tri thức, văn hóa đọc cho người dân ở các vùng nông thôn.

Thêm một dự án văn hóa đọc cộng đồng thiết thực

Trong những năm gần đây, các hoạt động về văn hóa đọc ngày càng phát triển. "Sách hóa nông thôn", "Tủ sách gia đình", "Trạm đọc"… là một số chương trình hướng người dân hình thành và lan tỏa thói quen đọc sách.

Dự án "Nhà văn hóa - Không gian văn hóa đọc cộng đồng" do bà Nguyễn Kim Thoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt (Tân Việt Books) - làm Trưởng ban tổ chức như một luồng gió mới thổi hồn vào tri thức của người dân thôn bản.

Dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng bằng lòng quyết tâm và sự khát khao mang con chữ tới vùng thôn bản, "đứa con tinh thần" đầu tiên trong chuỗi dự án này sẽ chính thức ra mắt vào ngày 25/2/2022 tại thôn Như Lân, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Là người con sinh ra từ vùng nông thôn, hơn ai hết, bà Thoa hiểu rõ được những khó khăn trong việc tiếp cận sách vở như một tình trạng chung đã diễn ra trong nhiều năm ở những vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, những nguồn lực của nhà nước như nhà văn hóa thôn, xóm... tuy đã có nhưng chưa phát huy hết công năng và các công trình đa phần đều xuống cấp nhưng kinh phí để duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp dẫn đến lãng phí nguồn lực của nhà nước. Nung nấu ý tưởng làm "sống" lại nhà văn hóa với hàng nghìn đầu sách, bà Thoa đã cùng một số cộng sự chung tay thực hiện dự án "Nhà văn hóa - Không gian văn hóa đọc cộng đồng".

Theo CEO Tân Việt Books, thói quen đọc sách từ nhỏ sẽ giúp con người tích lũy vào kho tri thức khổng lồ của mình những tài sản có giá trị. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, bà Thoa đã đi kêu gọi, thuyết phục những người thành đạt cùng chung tay hỗ trợ dự án, từ đó, góp phần chung tay phát triển văn hóa đọc nước nhà, làm cho quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

"Bước đầu, tôi đi kêu gọi những người thành công tại địa phương đó hãy đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho chính quê hương như một cách để tri ân, đáp nghĩa lại cội nguồn của mình với mong muốn mảnh đất ấy sẽ sinh sôi, nảy nở nên nhiều khối tài sản quý giá hơn trong tương lai. Sau này, khi không gian đọc cộng đồng này hoạt động có hiệu quả, tôi tin nhiều cá nhân, tập thể khác sẽ chung tay, góp sức để cùng tôi kiến tạo nên nhiều mô hình tương tự trên khắp cả nước", bà Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.

Bà Thoa cho rằng xây dựng thói quen đọc sách cho con em càng sớm càng tốt. Tặng sách cho trẻ từ khi chúng còn nhỏ chính là trang bị cho trẻ một khối tài sản lớn trong tương lai. Đó cũng hành động góp phần phát triển văn hóa đọc.

Thêm một mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng tại Hưng Yên - Ảnh 2.

Một góc Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng. Ảnh: Lương Ngà

Đưa văn hóa đọc vào không gian sinh hoạt cộng đồng

Ý tưởng thiết kế, cải tạo, tích hợp đưa sách vào không gian nhà văn hóa là dự án đã được CEO Tân Việt Books lên kế hoạch chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài. Với dự án này, mỗi mô hình nhà văn hóa sẽ được trang bị khoảng 3.000- 5.000 đầu sách khác nhau với đa dạng thể loại (từ sách thiếu nhi, tâm lý, kỹ năng sống, truyện truyền cảm hứng, kinh doanh…) từ các đơn vị xuất bản uy tín, phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng. Ngoài ra, không gian đọc rộng rãi, thoáng mát cũng là điểm mấu chốt tạo điều kiện thuận lợi cho bà con địa phương có thể tiếp cận sách dễ dàng hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, người đứng đầu Tân Việt Books còn lên kế hoạch thực hiện những buổi "talk show" hàng tuần với các chủ đề khác nhau, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách, giúp họ hình thành thói quen và yêu sách như "hơi thở" của mình.

Việc biến nhà văn hóa thành không gian tri thức là một ý tưởng mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một mặt có thể tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của nhà nước, mặt khác nâng cao tri thức, hiểu biết của người dân. Chính vì những giá trị đó, sau mô hình đầu tiên, bà Thoa cùng các thành viên trong ban dự án sẽ tiếp tục kêu gọi tài trợ và cho triển khai xây dựng không gian đọc cộng đồng tại nhiều vùng quê khác.

Thực tế cho thấy, con người thường so sánh sự giàu có thông qua tài sản, tiền bạc nhưng ít ai nhận ra rằng tri thức mới là tài sản vô giá. Dự án sẽ là một tiền đề vô cùng lớn mạnh, tác động trực tiếp vào khối óc của bộ phận không nhỏ những người dân trên cả nước, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của sách vở, tri thức và luôn ý thức được sự học là công việc cả một đời như CEO Tân Việt Books khẳng định: "Ở lứa tuổi nào chúng ta cũng cần phát triển bản thân, trang bị tri thức. Sự hiểu biết của con người luôn có hạn, mà tri thức thì luôn bao la, nhiều kiến thức mới sẽ thay đổi liên tục. Nếu không học, không đọc chúng ta sẽ trở nên lỗi thời"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thêm một mô hình không gian văn hóa đọc cộng đồng tại Hưng Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO