THỊ TRƯỜNG PHẦN MỀM TRUNG QUỐC -TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG
Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lần đầu tiên Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ trở thành nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau nhiều thập kỷ Mỹ luôn đứng đầu thế giới. Những kết quả được đưa ra trong báo cáo thường niên của IMF cho thấy, sản lượng kinh tế quốc dân của Mỹ năm 2014 chỉ đạt mức 17,426 nghìn tỷ USD, trong khi đó con số này của Trung Quốc là 17,632 nghìn tỉ USD. Điều này thực sự ấn tượng khi chỉ 14 năm trước, quy mô nền kinh tế Mỹ gấp 3 lần Trung Quốc.
Có thể thấy, Trung Quốc hiện đã và đang chuyển mình rất nhanh, hướng tới những thành công kinh tế to lớn hơn và thị trường phần mềm cũng phát triển cùng nhịp với nền kinh tế. Với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc được đánh giá là một thị trường lớn, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực phần mềm. Công nghiệp phát triển phần mềm Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng kinh ngạc kể từ giữa những năm 1990, khi Thượng Hải được biết đến như là "thung lũng Silicon“ của Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm Trung Quốc trong nửa đầu của thập kỷ này là 18,9%/năm và xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Chi tiêu cho công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tại Trung Quốc đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều phân khúc khác nhau bao gồm ngân hàng và sản xuất. Trong năm 2013, doanh thu của ngành công nghiệp này đã đạt con số khổng lồ 493 tỷ USD.
Khu vực phía Đông Trung Quốc được biết như là nơi có doanh thu phần mềm lớn nhất. Thị trường gia công xuất khẩu phần mềm mặc dù vẫn trong giai đoạn sơ khai, nhưng dự kiến sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2015. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, chiếm gần 60% tổng doanh thu thuê ngoài phần mềm.
Phần mềm ứng dụng như ERP, CRM và phần mềm mã nguồn mở hiện cũng đang phát triển tốt tại thị trường Trung Quốc.
Nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng trưởng trong lĩnh vực này là đáp ứng nhu cầu trong nước, các sáng kiến của Chính phủ cùng với sự tăng trưởng liên tục của thị trường điện toán đám mây.
Trong năm 2006, năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc (2006-2010), Bộ Công nghiệp Thông tin Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch mới về phát triển phần mềm. Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng, truyền thông và sản xuất cũng góp phần tạo đà tăng trưởng cho thị trường phần mềm. Bên cạnh đó, với ưu thế về số lượng người dùng và chủng loại thiết bị đầu cuối di động, các hãng cung cấp phần mềm cũng sẽ có cơ hội tốt trong kinh doanh các ứng dụng di động tại Trung Quốc.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 cũng góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm. Kể từ năm 2003, rất nhiều loại thuế quan trọng đã được xóa bỏ, đồng thời Chính phủ Trung Quốc còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khác nhau, từ khuyến khích xuất khẩu, giảm thuế giá trị gia tăng và hỗ trợ tài chính khác cho các doanh nghiệp. Để đáp ứng và theo kịp nhu cầu của thị trường, nhiều điều chỉnh và sửa đổi khác vẫn đang được thực thi đối với thị trường phần mềm Trung Quốc, trong đó bao gồm Luật Mua sắm cho Chính phủ Trung Quốc, nhằm ưu tiên các sản phẩm được sản xuất trong nước trong các dự án mua sắm của các cơ quan Chính phủ (không bao gồm doanh nghiệp Nhà nước).
CƠ HỘI CHO CÁC DOANH NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM
Với những tiềm năng tăng trưởng to lớn, sự cạnh tranh trên thị trường phần mềm tại Trung Quốc rất khốc liệt. Các nhà cung cấp nước ngoài hiện chiếm khoảng 65% thị trường phần mềm của Trung Quốc. Trong phân khúc thị trường phần mềm quản lý doanh nghiệp, sản phẩm trong nước của Trung Quốc chiếm 50%, tuy nhiên, khoảng 90% các phần mềm hệ thống và tự động hóa văn phòng chủ yếu là từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Các sản phẩm cao cấp như hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý hệ thống, mạng phần mềm bảo mật, phần mềm và ứng dụng công nghiệp được coi là có triển vọng phát triển nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn nhảy vào thị trường phần mềm tại Trung Quốc.
Đây chính là cơ hội tốt cho ngành phần mềm Việt Nam nắm bắt, đặc biệt trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Thực tế cho thấy, các giải pháp phần mềm ứng dụng và dịch vụ CNTT của nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cung cấp ở trong nước mà đang từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Ví dụ như FPT, VINICORP,... Có những sản phẩm do VINICORP gia công đã được cài đặt nhiều nhất tại Nhật Bản và hiện nay khoảng 5% điện thoại Android và 2-3% điện thoại iPhone đang được cài ứng dụng 1 sản phẩm do VINICORP làm ra. Đặc biệt, có những sản phẩm mà doanh nghiệp này gia công cho đối tác đã dành được vị trí thứ nhất trong tất cả các chủng loại (category) trên AppStore. Có sản phẩm ngay trong tháng đầu tiên đã đạt gần 200.0số lượt download và ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác đạt vị trí Top 5 trong category giáo dục, category Utilities.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam thường là các doanh nghiệp nhỏ, trong khi Trung Quốc lại là một thị trường phức tạp. Do đó, nếu doanh nghiệp thâm nhập thị trường theo đường "tiểu ngạch“ thì cơ hội thành công thấp. Tuy nhiên, để đi theo đường "chính ngạch“ thì doanh nghiệp phải làm tất cả mọi thủ tục về mặt pháp lý từ sở hữu thương hiệu, hải quan nhập khẩu, hệ thống phân phối, văn phòng tại Trung Quốc... Do đó, theo các chuyên gia, cách tốt nhất là các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết với nhau để đi bằng chính ngạch.
NHỮNG THÁCH THỨC
Mặc dù ngành công nghiệp phần mềm tại Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những rào cản lớn trước mắt liên quan đến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền phần mềm. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã có những nhiều nỗ lực để giảm thiểu vấn nạn này nhưng đây vẫn là một thị trường "màu mỡ" cho phần mềm lậu phát triển. Đây cũng là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc.
BH
Tài liệu tham khảo:
[1].http://www.businessinsider.com/china-overtakes-us-as- worlds-largest-economy-2014-10#ixzz3LfxvirqW.
[2].http://china-market.ac-baidu.com/Software.html.
[3].http://www.techproresearch.com/article/chinese-software- market-more-opportunities-tougher-competition/.
[4].www.vinicorp.com.
(TC TTTT Kỳ 2/12/2014)