Không phải cứ đa cấp là xấu
Trong những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam được đánh giá là có nhiều kết quả tích cực. Từ diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp gây nhiều tiêu cực cho vấn đề trật tự xã hội vào những năm 2016 trở về trước, với nhiều các biện pháp mạnh mẽ của cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương để hạn chế nhiều tiêu cực của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (CCT&BVNTD) cho thấy những kết quả rất tích cực trong hoạt động của ngành bán hàng đa cấp nói chung trong vài năm trở lại đây:
Về số lượng doanh nghiệp (DN), so với con số 67 DN năm 2016 thì đến tháng 9/2020 chỉ còn 21 DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp; 46 DN đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả, giảm 68%;
Về số lượng người tham gia bán hàng đa cấp: Năm 2016 có đến 1,3 triệu người tham gia thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 644.996 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có chưa đến 311.668 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng;
Về doanh thu, mặc dù số lượng DN và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn 2016 – 2017 doanh thu toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ/năm; năm 2018 đạt hơn 10.000 tỷ đồng/năm thì năm 2019 con số này là 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017. Tính đến hết tháng 6/2020, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường đạt khoảng 6.776 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ của ngành năm 2019.
Như vậy, về mặt tổng thể có thể nói đến nay hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định hơn, không còn các vụ việc có hậu quả nghiêm trọng; hoạt động của DN hiệu quả hơn với doanh thu ngành tăng đều và các DN đã có những đóng góp nhất định vào ngân sách của Nhà nước.
Thắt chặt khâu cấp phép
Những DN có hành vi kinh doanh đa cấp biến tướng đã làm vấy bẩn bộ mặt của những DN kinh doanh chân chính, làm ảnh hưởng không tốt và rất tiêu cực đến những DN kinh doanh đa cấp hợp pháp. Điển hình là vụ lừa đảo của Công ty kinh doanh đa cấp Liên Kết Việt năm 2016 đã gây chấn động dư luận, gây thiệt hại không nhỏ tới xã hội.
Để có cơ sở ngăn chặn từ sớm, xử lý nghiêm các hoạt động này, năm 2017, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, người dân không dễ phân biệt giữa đa cấp biến tướng và đa cấp chân chính. Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp cho rằng: "Chúng tôi đã làm ngành kinh doanh đa cấp 20 năm. Mỗi khi cứ nhắc đến đa cấp lừa đảo, chúng tôi rất buồn mà trên thực tế, đa cấp là một hình thức bán hàng, kinh doanh văn minh. Trước đây, ngành bán hàng đa cấp rất phức tạp, dẫn đến cơ quan chức năng là Bộ Công thương phải ban hành Nghị định 40, và các DN bán hàng đa cấp chịu sự quản lý của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng".
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp
Tuy nhiên, nói đến vấn đề vì sao đa cấp biến tướng nở rộ, bà Nhi cho rằng: Từ cơ quan chức năng mà ra, trong đó đặc biệt là giấy phép. Trước khi cấp giấy phép thì cơ quan quản lý địa phương phải biết công ty đó làm gì, quản lý ra sao. Ví dụ, như ứng dụng myalddinz, quảng cáo cứ chạm tay là có tiền, làm sao có như thế được Tôi cho rằng, vấn đề đầu tiên phải chấn chỉnh là đến từ cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý phải kiểm soát vấn đề cấp phép.
Đổi mới công tác quản lý kinh doanh đa cấp
Để quản lý một cách hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục phó Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) – cho biết: "Trong thời gian qua, với trách nhiệm được phân công, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) luôn chủ động và sẵn sàng phối hợp với các bên để thu thập thông tin, theo sát diễn biến của thị trường, cập nhật từ báo cáo, thông tin từ người dân. Chúng tôi đã lập app để tiếp nhận thông tin từ người dân nhằm nắm bắt được các dạng thức biến tướng mới, các dấu hiệu cơ bản nhất trong các hoạt động lợi dụng phương thức đa cấp để cảnh báo cho người dân. Đồng thời, Cục cũng thu thập các thông tin, bằng chứng kịp thời để cung cấp tới cơ quan công an có biện pháp xử lý theo thẩm quyền".
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục phó Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương)
Trong giai đoạn 2018 đến nay, Cục CT&BVNTD chuyển nhiều vụ việc đến Cơ quan điều tra. Điển hình, tháng 8/2020 vừa qua, trên cơ sở phối hợp và trao đổi thông tin, tài liệu với Bộ Công Thương, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hoạt động Công ty CP Thương mại Dịch vụ Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime) với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp).
Gần đây, Cục đã thu thập một số thông tin về các hình thức đầu tư tài chính nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân là Thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và Đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO) ví dụ như sàn Forex Liber, AFGold, Bitomo… Cục CT&BVNTD đã đăng tin cảnh báo cho người dân đồng thời cũng đã thu thập các thông tin, dấu hiệu của hành vi vi phạm để chuyển Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền.
"Trong thời gian tới, Cục CT&BVNTD sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp tổng thể nhằm quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là các hành vi kinh doanh đa cấp không phép: thông qua trang web, facebook…", ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.
Từ năm 2015 đến nay, có 49 DN đã bị xử lý, thu hồi giấy chứng nhận, chấm dứt hoạt động. Hiện chỉ có 21DN được cấp giấy chức nhận hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Rất nhiều DN bị xử lý, đã chuyển cơ quan điều tra, như Cty Liên Kết Việt, Cty nhượng quyền Thăng Long… Với các DN có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, từng bước đi vào quy cũ.
Hiện số lượng người tham gia ban hàng đa cấp giảm nhiều, còn gần 645.000 người, giảm 42% năm 2019, và giảm 70% so với giai đoạn 2015-2016. Thực tế, hiện chỉ có khoảng 311.000 người thực chất tham gia bán hàng đa cấp, hưởng hoa hồng tiền thưởng, còn lại là người mua hàng tiêu dùng. Đến nay, số lượng DN được cấp chứng nhận bán hàng đa cấp đã giảm 1/3 so với năm 2015-2016.
Những bị cáo đang bị xét xử vụ Liên Kết Việt
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng rất phức tạp. Về hình thức, trước đây thông qua mua cổ phần, huy động vốn, mua phân quyền kinh doanh, nhưng hiện nay có nhiều hình thức khác, như đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, dự án… Gần đây lại phát triển các sàn thương mại điện tử, khoá học online… Cách thức hoạt động, trước đây là thuê địa điểm, khách sạn kêu gọi người tham gia. Hiện với sự phát triển của mạng xã hội như Zalo, Facebook…họ đã chuyển sang họp online. Thậm chí lập nhóm kín để hoạt động, rất khó phát hiện.
Trước những biến đổi không ngừng của các hoạt động kinh doanh đa cấp, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt dộng kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025, trong đó có hoạt động tuyên tuyền phổ biến nội dung này đến những đối tượng dễ bị lôi kéo, như sinh viên, người già… "Chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn thanh niên ở các trường đại học để tổ chức các hội thảo, tuyên truyền nhận diện bán hàng đa cấp biến tướng… Tiếp nữa, tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tượng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép", ông Trịnh Anh Tuấn cho biết.
Hy vọng, với những nỗ lực từ Bộ Công thương và các cơ quan quản lý có liên quan, thị trường bán hàng đa cấp sẽ được thiết lập lại trật tự, giảm thiểu các hoạt động đa cấp trái pháp luật, người dân yên tâm hơn trong các hoạt động đầu tư của mình.