Truyền thông

Thoát nạn trong đám cháy, bài học từ những người sống sót

Mai Hà 25/12/2023 13:44

Các vụ cháy thảm khốc trong năm 2023 để lại nhiều bài học đắt giá, trong đó lời kể từ những người thoát nạn sẽ là kinh nghiệm tốt cho công tác tuyên truyền PCCC.

Gặp người dân thoát khỏi “cửa tử” từ kỹ năng phòng cháy chữa cháy -0
Vụ cháy chung cư Khương Hạ phải trở thành bài học đắt giá nhất.

Thoát chết nhờ những chiếc khăn vải sũng nước

Thoát khỏi đám cháy chung cư mini Khương Hạ, anh Lưu Văn Công (30 tuổi, quê Nam Định) kể: vợ chồng anh mới cưới nhau, nên thuê căn hộ ở chung cư mini Khương Hạ để sinh sống với giá 5 triệu đồng/tháng.

Thời điểm xảy ra vụ cháy là khoảng 11h50 ngày 12/9, vợ chồng anh chuẩn bị ngủ thì bỗng nhiên mất điện. Lúc này, nghe nhiều người hô hoán cháy, nên anh dắt vợ chạy xuống tầng 2 nhưng lửa từ tầng 1 đã thốc lên, cùng khói đen đặc. Thấy vậy, vợ chồng anh Công chạy lên ban công tầng 9 nhưng cũng bị sức nóng kèm khói lớn bốc lên.

Thấy không thể thoát khỏi tòa nhà, anh Công bình tĩnh kéo vợ về phòng, đóng kín cửa, lấy quần áo trong tủ ra, thấm nước ướt đẫm để che mũi miệng, rồi chạy ra ngoài ban công bật điện thoại báo hiệu. "Khoảng gần 4h sáng, vợ chồng tôi được lực lượng cứu hộ cứu sống", anh Công nhớ lại.

Cũng thoát chết nhờ những chiếc khăn mặt ướt sũng nước, chị Lan, quê ở Bắc Ninh cho biết, gia đình chị sinh sống tại tầng 4 của tòa chung cư bị cháy. Khi biết thông tin cháy, chồng chị chạy ra ban công mở cửa thoát hiểm, còn 4 mẹ con chị tìm tất cả khăn mặt trong nhà, nhúng ướt sũng nước để che mũi miệng rồi chạy lên sân thượng. Sau đó, lực lượng cứu hỏa đã đến cứu kịp thời cả gia đình.

Mở sẵn lối thoát thứ 2 và trang bị thang dây

Anh Đinh Công Huy (SN 1982) sống tại tầng 3 chung cư mini ở phố Khương Hạ cho biết, năm 2015, ngay khi về chung cư này ở, lập tức anh đã mua thang dây, bình cứu hỏa để ở ban công.

Trước ban công nhà, anh làm song sắt nhưng để lại một cửa và chìa khóa để ở vị trí cả gia đình biết.

"Đêm đó, cả gia đình đang ngủ thì bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng tri hô lớn của mọi người, mở mắt ra thấy nhà có khói nhiều. Mở hé cửa tôi thấy sức nóng, khói cực lớn nên thấy không thể thoát ra bằng đường cầu thang, mà phải thoát ra đường ban công", anh Huy kể.

Theo anh Huy, lúc đó gia đình rất bình tĩnh, vợ chồng bảo nhau chạy đi lấy khăn thấm nước để đưa lên miệng vào mũi nhằm ngăn khí độc vào phổi. Anh Huy nhanh chóng lấy chìa khóa ở vị trí định sẵn để mở cửa ở song sắt, sau đó thả thang dây xuống đất.

Gặp người dân thoát khỏi “cửa tử” từ kỹ năng phòng cháy chữa cháy -0
Anh Đinh Công Huy nhận quà cứu trợ sau vụ cháy.

Anh buộc chặt con nhỏ trên lưng rồi trèo từ thang dây xuống phía dưới. Khi đưa được cháu thứ nhất xuống thì anh tiếp tục lên và đưa con thứ hai xuống bằng biện pháp tương tự. Sau đó vợ anh Huy trèo xuống.

"Tôi có được những kỹ năng này là nhờ từ những buổi tập huấn ở trong bệnh viện - nơi tôi làm việc. Tôi đã về truyền đạt cho những thành viên trong gia đình để khi có hỏa hoạn thì còn biết cách xử lý tình huống", anh Huy nói.

Không chỉ giải cứu được gia đình mình, thang dây của anh Huy còn cứu sống một gia đình khác.

Đó là vợ và 2 con của gia đình Trung tá Kim Thanh Phi (ở tầng 2), đang công tác ở Học viện Phòng không không quân, người ở cùng trục với gia đình anh Huy. Anh Phi cho biết, thời điểm xảy ra cháy, anh đang đi công tác, nhận được thông tin nhưng đến khoảng 1h sáng 13/9, anh mới về tới nhà thì được biết vợ con anh đã xuống đất an toàn.

Do hay đi công tác vắng nhà, nên trước đó anh đã hướng dẫn các con là nếu chung cư có cháy thì việc đầu tiên là dập cầu dao điện, đóng cửa chính, thấy khói thì dùng vải ướt, băng dính chặn hết khe hở của cửa chính. Còn nếu thấy khói tiếp tục vào thì vào nhà tắm lấy khăn mặt nhúng ướt, bịt vào mũi và tìm đường thoát ra ban công (nhà anh đã mở lối thoát nạn thứ 2 và treo chìa khóa ở luôn đấy), không thoát ra cầu thang bộ. Cũng theo anh Phi, anh đã chuẩn bị sẵn dây buộc nếu khẩn cấp thì buộc dây vào người đu xuống.

Thực hành theo hướng dẫn của anh Phi, vợ và hai con anh Phi đã sử dụng khăn ướt bịt vào mặt, mở cửa ban công theo lối thoát thứ 2, buộc dây vào người chuẩn bị đu xuống thì có dây thang nhà anh Huy thả xuống nên 3 mẹ con đã leo xuống thoát nạn.

Việc này cũng được chính anh Huy xác nhận, khi thấy anh Huy quăng thang dây thoát hiểm xuống đất, thì có 3 mẹ con ở tầng dưới (tầng 2) cùng trục với nhà anh chui ra và bám vào thang dây đi xuống.

“Mặc dù rất nóng lòng nhưng tôi nói với gia đình ưu tiên phụ nữ và trẻ em. Sau khi 3 mẹ con tầng dưới xuống đất an toàn thì nhà tôi cũng lần lượt leo thang dây xuống. Tuy nhiên, nếu chậm khoảng 5 phút thì gia đình tôi cũng sẽ bị chết ngạt trong căn nhà đang tràn ngập khói lửa. Khi gia đình tôi xuống đất an toàn thì khói đã bao trùm cả thang dây” – anh Huy cho biết.

Vậy là cùng với kỹ năng phòng chống khói, mở lối thoát nạn thứ 2, chiếc thang dây đã cứu sống cả 2 gia đình.

Anh Huy kể, năm 2015, anh mua căn hộ này và gần như trở thành công dân đầu tiên. 2 năm đầu tiên, anh được bà con bầu vào Ban quản trị của chung cư mini, nhưng sau đó do công việc bận nên xin thôi. Trong quá trình họp dân cư, anh và mọi người trong ban quản trị luôn đề cao công tác PCCC và tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC để thoát thân.

“Thời điểm đó, tôi đã mua thang dây thoát hiểm có chiều dài 25m, với giá tiền 800 nghìn đồng và mở cửa lối thoát hiểm thứ 2 qua ban công mặt phía sau của chung cư mini”, anh Huy nhớ lại.

Bình tĩnh tìm lối thoát hiểm

Bình tĩnh tìm lối thoát hiểm - đó chính là kinh nghiệm và bài học từ chính những người trong cuộc đã thoát khỏi "cửa tử" trong vụ cháy khốc liệt này.

Chị Ngô Thị Kim Huệ, ở tầng 2 của khu chung cư kể lại, thời điểm xảy ra cháy, hai vợ chồng đang ở cửa hàng, ở nhà chỉ còn có cậu con trai tên là Hiền Minh (SN 2013). Nghe thấy thông tin cháy, vợ chồng chị chạy về thì rất may cậu con trai học lớp 5 đã kịp chạy xuống. Theo chị Huệ, con trai chị cũng đã được học kỹ năng PCCC ở trường và cũng rất may là thời điểm đó cháu chưa ngủ. Nghe thấy tiếng hô cháy và mất điện của bác bảo vệ (cháy chưa bùng phát to), cháu ngửi thấy mùi khét, khói liền bịt mũi, cúi khom người chạy xuống thật nhanh ra ngoài.

Nhà chị Trang - anh Trung gồm có 5 người, ở tầng 6, cũng đã thoát khỏi vụ cháy khi sử dụng kỹ năng PCCC. Trước đó, gia đình đã chuẩn bị sẵn búa thoát hiểm gần khu vực lối thoát nạn thứ 2. Lúc xảy ra cháy, gia đình anh chị Trang - Trung không tìm thấy chìa khóa, đã sử dụng búa thoát hiểm đập ổ khóa, mở tung chuồng cọp chui sang mái nhà bên cạnh thoát nạn.

Bất cứ nhà nào cũng có nguy cơ cháy, có thể gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Do đó, đã nhiều lần cơ quan chức năng khuyến cáo, hướng dẫn nhưng cũng không phải tất cả mọi người đều chú ý. Nhưng bài học từ những người thoát nạn sẽ có tác động trực tiếp và sâu sắc hơn tới mọi người.

Theo các chuyên gia, thông thường, các nạn nhân sẽ chết vì ngạt khói độc trước khi chết cháy, thế nên, ngoài các bình cứu hoả dự trữ, phải chuẩn bị sẵn mặt nạ chống độc, trang bị hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây, dây thoát hiểm, búa để phòng ngừa những trường hợp không may xảy ra…

Vụ cháy là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhận thức, trách nhiệm và hành động của người đang sống - từng người một trong số chúng ta.

Nói chung, như thường thấy sau khi xảy ra một sự vụ gây hậu quả tang thương, sự chú ý dồn vào bài học cụ thể liên quan tới điều vừa diễn ra.

Nhưng, bài học từ đó không chỉ có thế. Thảm họa không chỉ có từ cháy nổ và điều cần học từ sớm không chỉ có kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm. Ngoài bài học về trách nhiệm công dân, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm tuân thủ luật pháp thì còn có những điều cần lưu ý khác, đặc biệt là vấn đề về kỹ năng sống nói chung chứ không phải chỉ liên quan tới khả năng sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn. Những điều đó cần được rèn luyện từ bé, học suốt đời.

Kỹ năng sống của công dân thể hiện qua cách ứng xử, cách tham gia giao thông, khả năng tự bảo vệ mình khi có sự cố, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm, ý thức tôn trọng người khác và tinh thần thượng tôn pháp luật, khả năng tự lập từ khi còn trẻ... Rất đa dạng, không thể kể hết được. Muốn có kỹ năng sống tốt thì phải học và thường xuyên được dạy những điều thiết thực ngay từ bé./.

Bài liên quan
  • Nan giải an toàn PCCC ở các khu tập thể cũ
    Các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng ngàn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Kim Liên, Trung Tự (Đống Đa)... đang tồn tại những bất cập trong PCCC.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Can nhiễu trên tần số 125KHz gây ảnh hưởng tới việc vận hành chìa khóa thông minh
    Các sự cố can nhiễu trên tần số 125KHz đã gây ra ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng chìa khóa thông minh (smartkey) của ô tô, xe máy tại TP. Hồ Chí Minh.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Thoát nạn trong đám cháy, bài học từ những người sống sót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO