Theo Ngân hàng thế giới (WB), ở các quốc gia khi chiến dịch vắc-xin đã bắt đầu triển khai, khoảng cách về kỹ thuật số nếu không được giải quyết, sẽ có nguy cơ gia tăng khoảng cách tiêm chủng, từ đó có khả năng dẫn đến những kết quả tiêu cực về sức khỏe cộng đồng.
Tính khả dụng, khả năng truy cập Internet tốc độ cao, các thiết bị như máy tính và điện thoại thông minh cũng như khả năng điều hướng web của một người đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc cung cấp vắc-xin COVID-19 ở một số quốc gia.
Ưu điểm của các giải pháp kỹ thuật số thể hiện rõ ràng hơn trong việc phân phối vắc-xin ở chặng cuối: cho phép mọi người truy cập thông tin về các chiến dịch vắc-xin quốc gia và địa phương, kiểm tra tính đủ điều kiện, đăng ký tiêm chủng và lên lịch các cuộc hẹn tái khám, đồng thời giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp trong suốt quá trình. Thật vậy, các hệ thống trực tuyến, e-mail và các ứng dụng di động là cách chủ yếu mà các quốc gia đang phân phối vắc-xin cho công dân của họ.
Bất bình đẳng về khoảng cách số còn tương đối lớn
Mối quan hệ giữa khoảng cách kỹ thuật số và tình trạng phân phối vắc-xin không đồng đều càng trở nên trầm trọng hơn ở những quốc gia đang phát triển, nơi chênh lệch kỹ thuật số ngày càng nới rộng và đa dạng.
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2019, chỉ có 28% hộ gia đình khu vực nông thôn ở các nước đang phát triển có quyền truy cập Internet (65% ở khu vực thành thị) so với 81% ở các nước phát triển (87% ở khu vực thành thị).
Khoảng cách giới trong việc tiếp cận Internet vẫn còn lớn: Năm 2019, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ sử dụng Internet là 40% ở phụ nữ và 49% ở nam giới, so với 86% và 88% ở các nước phát triển. Đặc biệt, ở các nước kém phát triển, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn với tỷ lệ chỉ có 15% phụ nữ và 28% nam giới.
Kết nối kỹ thuật số là chìa khóa để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong các nỗ lực phân phối vắc-xin COVID-19. Theo đó, khi các quốc gia bắt tay vào triển khai vắc xin điều đầu tiên là cần đánh giá nhu cầu kết nối trong các phòng khám, trường học và các cơ sở cộng đồng khác, nơi sẽ cung cấp, quản lý và phân phối vắc-xin cho người dân địa phương.
(Nguồn: Đo lường sự phát triển kỹ thuật số: Sự kiện và số liệu, ITU)
Bên cạnh đó, các chính phủ hợp tác với các nhà khai thác khu vực tư nhân, nên xem xét một loạt các lựa chọn về chính sách để mở rộng khả năng truy cập băng thông rộng như giải phóng tạm thời phổ tần số và đánh giá các quy tắc quản lý việc sử dụng Quỹ dịch vụ chung để giải quyết khoảng cách về kết nối đặc biệt trong các cộng đồng nông thôn.
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách
Triển khai các giải pháp kết nối nhanh chóng cho các cơ sở chính và trung tâm cộng đồng
Ở những khu vực không có sẵn cơ sở hạ tầng vật chất và mạng mặt đất, chính phủ và chính quyền địa phương có thể xem xét các biện pháp sáng tạo để cung cấp kết nối băng thông rộng.
Ví dụ, Tập đoàn Truyền thông Avanti hợp tác với Bộ Giáo dục Kenya và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh đang cung cấp kết nối băng thông rộng vệ tinh tới 245 trường học vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa cho hơn 180.000 trẻ em, qua đó hỗ trợ các em học trực tuyến dễ dàng hơn thông qua Sáng kiến iMlango.
Tương tự, sau khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, WB đã cung cấp kết nối Wi-Fi miễn phí cho 30 tổ chức công quan trọng, bao gồm các bệnh viện và trường học bằng cách mua dung lượng băng thông và thiết bị cho các điểm truy cập Wi-Fi thông qua dự án Digital Malawi đang triển khai.
Bằng cách áp dụng các giải pháp kết nối như vậy có thể tạo ra tác động nhanh chóng, các phòng khám và cơ sở y tế có thể là trung tâm phân phối vắc-xin và đóng vai trò là mạng lưới cộng đồng trong tương lai.
Cung cấp các biện pháp tạm thời để trợ cấp/giải quyết khả năng chi trả dữ liệu và thiết bị
Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp kết nối, theo WB các quốc gia cũng cần giải quyết khoảng cách sử dụng Internet bằng cách kết nối những người hiện đang ngoại tuyến với các thiết bị có khả năng kết nối Internet, chẳng hạn như điện thoại, máy tính bảng và máy tính, đồng thời làm cho chi phí của Internet hợp lý hơn. Khả năng kết nối số ngày càng tăng chỉ khi mọi người thực sự có thể sử dụng Internet, điều này sẽ giúp mọi người dễ dàng có được những thông tin về tiêm chủng và lên lịch hẹn.
Các chính phủ và chính quyền địa phương hợp tác với các nhà khai thác mạng di động, có thể xem xét cung cấp các chương trình trợ cấp hoặc cho vay để mua thiết bị.
Ví dụ như, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) gần đây đã giới thiệu Chương trình phúc lợi băng thông rộng khẩn cấp để trợ cấp hàng tháng cho các dịch vụ băng thông rộng cũng như giảm giá khi mua thiết bị.
Một ví dụ khác, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhiều nhà khai thác và chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm Ghana, Djibouti và Nam Phi, đã áp dụng chương trình cung cấp truy cập Internet mà không phải trả chi phí tài chính trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như chỉ cho phép truy cập vào các nền tảng và trang web giáo dục để đảm bảo tính liên tục của việc học. Dịch vụ này có thể được áp dụng cho việc phân phối vắc xin COVID-19 cũng như truy cập miễn phí vào các trang web có liên quan.
Ngoài việc phản ứng khẩn cấp về vấn đề phân phối vắc xin COVID-19 một cách công bằng, các quốc gia có thể tận dụng cơ hội này để củng cố các trụ cột cơ bản chính của nền kinh tế số, bao gồm cơ sở hạ tầng số và kỹ năng số, rèn luyện khả năng ứng phó với những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai.
Nền tảng vững chắc của hệ sinh thái băng thông rộng và cơ sở hạ tầng số mang lại những lợi ích chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực và ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe từ xa, học tập trực tuyến, hệ thống chính phủ số và thương mại điện tử.
Tuy nhiên để đạt được những lợi ích đó, trước hết một quốc gia cũng cần phải đạt được tiến bộ trong vấn đề bình đẳng kỹ thuật số giữa các nhóm tuổi, giới tính, các cộng đồng thành thị - nông thôn, và những cộng đồng khác. Vì vậy, đầu tư vào các kỹ năng số và trình độ học vấn cũng là một phần thiết yếu trong nỗ lực mở rộng phân phối vắc xin một cách hiệu quả và công bằng./.