Thu hút doanh nghiệp làm nội dung lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng

Lan Phương| 07/05/2020 15:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cần tập trung sáng tạo các nội dung tạo hệ sinh thái an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Ngày 7/5/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng" giai đoạn 2020 - 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Tham dự phiên họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đến từ các Bộ: TT&TT, Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA)…

Thu hút doanh nghiệp làm nội dung lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì phiên họp

Đề án có ý nghĩa quan trọng

Đại diện cho đơn vị thường trực Ban soạn thảo, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATTT cho biết: Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phát triển CNTT, sự phát triển đa dạng các thiết bị kết nối, nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động đã tạo nên thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của con người. Trẻ em không phải là ngoại lệ.Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, nguy cơ nghiện Internet/game trực tuyến, mạng xã hội, xâm hại tình dục…

Thu hút doanh nghiệp làm nội dung lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng - Ảnh 2.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATTT

Nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người đã và đang được Đảng, Nhà nước ta chú trọng. Mặc dù hành lang pháp lý quy định khung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ, các quy định, hướng dẫn cụ thể còn thiếu như: quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Môi trường mạng còn tồn tại nhiều thông tin, hình ảnh, video clip xấu độc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em trên môi trường mạng; thiếu các chương trình dạy kỹ năng công nghệ số, ứng dụng dạy học tương tác, thông minh, nội dung số bổ ích để trẻ có thông tin, được tham gia an toàn trên môi trường mạng.

Do vậy, ông Hoàng Minh Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Đề án về trẻ em trên môi trường mạng với các giải pháp liên ngành là rất cần thiết và cấp bách.

Với định hướng bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, đặc biệt sử dụng lợi thế của CNTT-TT hỗ trợ nền tảng kỹ thuật, Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan: Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em bằng công nghệ.

Để làm việc đó, theo ông Tiến, cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn nhằm giải quyết những tồn tại trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, triển khai ứng dụng công nghệ là trọng tâm của Đề án. Qua đó hình thành các nền tảng phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện, cảnh báo nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng. 

Đồng thời, theo ông Tiến, phải tiếp tục các giải pháp truyền thống gồm có: hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cung cấp nội dung bổ ích, thú vị cho việc học tập và giải trí và trang bị "bộ kỹ năng số" cho trẻ em để chủ động tương tác tích cực trên môi trường mạng.

Đề án đề xuất hình thành Trung tâm tư vấn và Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng, tư vấn thực hiện công tác hỗ trợ giúp trẻ phục hồi về tâm lý, thể chất và tinh thần khi bị xâm hại, xâm phạm trên môi trường mạng. Mạng lưới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng phối hợp với các đầu mối trong nước, ASEAN và quốc tế để tiếp nhận thông tin, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hoặc hỗ trợ ngăn chặn các vụ việc nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.

Theo Cục CATTT, trong cuộc sống thực, việc bảo vệ trẻ em đã được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trên cuộc sống "ảo", đây vẫn là vấn đề còn mới. Theo đó, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó, nêu cao vai trò của chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

Công nghệ thay đổi nhanh và trẻ em tiếp cận công nghệ tốt hơn người lớn. Theo đó, cần giáo dục nhận thức, trang bị kỹ năng để trẻ em có thể tự nhận diện (thiết lập hệ miễn dịch cho trẻ) các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp; Triển khai các giải pháp công nghệ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án.

Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo đều khẳng định Đề án có ý nghĩa chính trị lớn và giá trị thực tiễn.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: Sử dụng Internet và mạng xã hội đã rất phổ biến đối với học sinh sinh viên (HSSV). Qua khảo sát của Bộ GD&ĐT, số HSSV sử dụng mạng xã hội có tỷ lệ cao. Mạng xã hội cũng là tài nguyên hỗ trợ học tập, tăng cường kỹ năng cho HSSV. Tuy nhiên cũng có những mặt tiêu cực như làm mất thời gian, mất tập trung trong học tập, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập mà truyền thông đã đưa tin như nghiện mạng, ảnh hưởng tâm lý. Thậm chí nhiều HSSV vào trang web đen, đánh bạc, mâu thuẫn bạo lực học đường.

Cần thiết xây dựng hệ sinh thái nội dung lành mạnh cho trẻ em

Để hạn chế tiêu cực, phát huy những mặt tích cực của không gian mạng, bên cạnh đề cập nhiều giải pháp, các đại biểu đồng thuận cần thiết lập hệ sinh thái với những nội dung an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá cho biết: Cần đẩy mạnh hệ sinh thái nội dung cho trẻ em để trẻ em lên mạng có nội dung lành mạnh để học tập, giải trí. Theo đó, cần có các chương trình khuyến khích các doanh nghiệp (DN) làm nội dung cho trẻ em bằng cách ưu tiên cấp phép, giảm thuế, miễn cước 3G, 4G cho các DN này.

Đại diện cho VNISA, ông Vũ Quốc Khánh cho biết cần có cơ chế để DN quan tâm có thể tham gia sáng tạo nội dung cho trẻ em. Để bảo vệ trẻ em, cũng cần nghiên cứu cơ chế để gắn tuổi cho các phân loại các nội dung cho trẻ em mà nhiều nước cũng đã thực hiện.

Đại diện Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết đường đường dây nóng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) của Cục cũng đã tiếp nhận những phản ánh về "xâm hại" trên môi trường mạng. Cục cũng đang phối hợp với Microsoft để xây dựng ứng dụng tiếp nhận thông tin liên quan.

Đại diện của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Báo Vietnamnet (Bộ TT&TT) cho rằng cần xây dựng những nội dung lành mạnh, có thể mời những người có ảnh hưởng, gương điển hình tích cực, thành công trong việc sử dụng mạng Internet, xã hội để tuyên truyền, lan toả những thông tin tích cực cho trẻ em trên không gian mạng, trong các chương trình ngoại khoá của các trường học.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong chuẩn bị các nội dung cho phiên họp đầu tiên này. Việc xây dựng Đề án là một công việc quan trọng. Đề án được xây dựng hướng tới không chỉ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng mà tạo môi trường mạng lành mạnh cho các trẻ em học tập, giải trí. Đề án cũng hướng tới sự phối hợp của các tổ chức xã hội, DN để tạo hệ sinh thái hấp dẫn an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Từng gia đình cũng cần nhận thức, tham gia hướng dẫn trẻ đến các thông tin lành mạnh.

Về nội dung của Đề án, Thứ trưởng yêu cầu bổ sung các thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục củng cố các khung khổ pháp lý liên quan. Đề án phải đề xuất các biện pháp mạnh để các Bộ ngành phối hợp trong công tác.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh Đề án phải đề xuất để nhà nước có cơ chế khuyến khích tổ chức, DN xây dựng hệ sinh thái lành mạnh để trẻ học tập, vui chơi, giải trí. Việc tuyên truyền, giáo dục trẻ em trên môi trường mạng cần phải đổi mới hướng các em đến thông tin tích cực, tránh những tấm gương xấu làm méo mó không gian mạng.

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT ban hành "cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng"
    Bộ TT&TT ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo từng nhóm tuổi phù hợp để trẻ em tự bảo vệ bản thân và phụ huynh cùng tham gia bảo vệ con em mình sinh hoạt trên môi trường mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thu hút doanh nghiệp làm nội dung lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO