Ngày 13/4//2018, tại Hà Nội, Bộ TTTT và Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thu thập số liệu phục vụ xây dựng chỉ số Vietnam ICT Index 2018 và Chỉ số công nghiệp CNTT 2018 đối với các Bộ, ngành và địa phương khu vực phía Bắc. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng và Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TTTT cùng đại biểu của 25 đơn vị chuyên trách và 26 tỉnh khu vực phía Bắc.
Hội nghị sẽ giới thiệu hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính của Báo cáo Vietnam ICT Index 2018, hướng dẫn thu thập số liệu khối các bộ, ngành và khối các tỉnh, thành phố. Đây cũng là cơ hội để Bộ TTTT lắng nghe, chia sẻ và giải đáp những vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thu thập số liệu về CNTT tại các đơn vị, nhằm tăng cường công tác thống kê trong lĩnh vực CNTT từ đó nâng cao chất lượng số liệu phục vụ xây dựng các chính sách, giải pháp thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT nói chung.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh trong những năm qua, việc thường xuyên đánh giá, xếp hạng hoạt động ứng dụng phát triển CNTT ở các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần tăng cường vai trò CNTT trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước vào công tác quản lý hành chính. Ngoài ra, công tác thu thập số liệu kịp thời, đầy đủ và chính xác của Vietnam ICT Index cũng giúp Chính phủ, Bộ ngành, địa phương nắm được tình hình phát triển và ứng dụng CNTT kịp thời để có kế hoạch phù hợp.
Báo cáo Vietnam ICT Index ngày càng nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Nhiều Bộ, ngành, địa phương dựa trên phương pháp của chỉ số ICT Index đã tự xây dựng chỉ số ICT Index đánh giá thường xuyên cho cơ quan, đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT đồng bộ trong nhiều hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, nhờ xếp hạng về chỉ số công nghiệp CNTT từ năm 2016, Bộ TTTT đã nắm bắt được hiện trạng hoạt động CNTT tại các địa phương đồng thời tìm ra và xếp hạng các địa phương mạnh về công nghiệp CNTT. Các số liệu do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp cũng là những nguồn số liệu đầu vào quan trọng phục vụ biên soạn Sách Trắng về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam - ấn phẩm thống kê chính thức của Bộ TTTT về số liệu ngành CNTT-TT.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, CNTT là lĩnh vực rộng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị trong khi đội ngũ chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước còn mỏng và năng lực thống kê còn hạn chế nên công tác thu thập số liệu trong lĩnh vực này còn gặp một số khó khăn.
Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việc tổ chức tập huấn công tác thu thập số liệu cho các các bộ chuyên trách CNTT thường niên đóng vai trò cần thiết, nâng cao chất lượng dữ liệu xây dựng chỉ số ICT Index 2018 và Sách Trắng 2018, qua đó đẩy mạnh vai trò chỉ đạo của lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo đôn đốc các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thu thập số liệu”.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học cho biết Báo cáo Vietnam ICT Index đã được công bố 13 lần dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, từ phương pháp luận đến xây dựng chỉ tiêu. Từ năm 2015, theo chỉ đạo của Ủy ban ứng dụng CNTT quốc gia, Bộ TTTT, công tác thu thập dữ liệu xây dựng Báo cáo Vietnam ICT Index đã được đổi mới theo cách làm quốc tế mà cụ thể là thực hiện theo cách làm của báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Báo cáo Vietnam ICT Index là tài liệu thường niên quan trọng của Bộ TTTT và luôn nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều cơ quan tổ chức và các chuyên gia trong và ngoài nước. Báo cáo đã cung cấp các thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông tại Việt Nam. Đồng thời, Báo cáo cũng đưa ra những đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông dựa trên các số liệu thu thập từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại.
Năm 2017, đã có 25 Bộ ngành, 63 địa phương, 32 ngân hàng thương mại và 30 tổng công ty tham gia đánh giá xếp hạng về chỉ số ICT Index 2017 trong đó có 50/63 địa phương có báo cáo hoạt động sản xuất - kinh doanh CNTT và tham gia xếp hạng về chỉ số công nghiệp CNTT.