Diễn đàn

Thủ tướng nêu 5 nhóm giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển TMĐT

Hoàng Linh 10/06/2024 14:59

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các ban của Đảng và cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

toan-canh-10062024.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả 1 năm triển khai Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các "điểm nghẽn" về Đề án 06.

thu-truong-nguyen-van-long.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long: Qua 1 năm triển khai Công văn 452/TTg-KSTT, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về CĐS nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực.

Về ưu điểm, Thứ tưởng Bộ Công an cho biết qua 1 năm triển khai Công văn 452/TTg-KSTT, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về CĐS nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.

Về tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thông tin theo 06 nhóm vấn đề.

Điểm nghẽn thứ nhất về pháp lý, việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 TTHC cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa. Vẫn còn 3/6 Nghị định chưa được ban hành theo thời hạn. Còn 1 địa phương (Cần Thơ) chưa hoàn thành việc ban hành các Nghị quyết miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT).

Điểm nghẽn thứ hai về DVCTT, còn 6 bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia đối với 6 TTHC theo Quyết định 422/QĐ-TTg và Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm nghẽn thứ ba về hạ tầng công nghệ, còn 11 bộ, ngành và 8 địa phương chưa thực hiện gửi báo cáo kết quả, rà soát, đánh giá đáp ứng các tiêu chí an toàn, an ninh mạng theo Công văn số 708/BTTTT-CATTT ngày 2/3/2024 của Bộ TT&TT. Còn 10 bộ, ngành và 3 địa phương chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC.

Điểm nghẽn thứ về dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, DN chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp (tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%).

Điểm nghẽn thứ năm về an ninh, an toàn bảo mật, còn 21/100 HTTT chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng theo Công văn số 708/BTTTT-CATTT (tương đương 21%), 11/100 HTTT của 4 cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Điểm nghẽn thứ sáu về nguồn lực triển khai, các bộ, ngành, địa phương chưa có đề xuất về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án thuộc Đề án 06 trong nội bộ các đơn vị, các nhiệm vụ của Đề án manh mún, chắp vá, không được triển khai một cách tổng thể.

Các bộ, ngành, địa phương và DN nghiêm túc triển khai bảo đảm ATTT mạng ở mức độ cao nhất

Cũng tại hội nghị, thông tin về tình hình triển khai hạ tầng CNTT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đã duy trì và bảo đảm an toàn kết nối tới 63 tỉnh, thành phố và các ban, bộ, ngành Trung ương. Bộ TT&TT đã hướng dẫn, đôn đốc các DN viễn thông triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng số hiện đại với các công nghệ tiên tiến như 3G, 4G, thử nghiệm 5G.

thu-truong-pham-duc-long.jpeg
Thứ trưởng Phạm Đức Long: đề nghị các bộ, ngành, địa phương và DN quan tâm, nghiêm túc thực hiện triển khai bảo đảm ATTT mạng ở mức độ cao nhất theo quy định. (Ảnh: VGP)

Bộ TT&TT đã lần đầu tiên triển khai đấu giá thành công băng tần cho công nghệ 5G để các DN viễn thông cung cấp dịch vụ 5G trong năm nay.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN viễn thông phổ cập hạ tầng băng rộng đến tận thôn, bản, xã phường trên cả nước. Đến nay, 100% xã phường có hạ tầng băng rộng cáp quang, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 4G. Sóng di động 4G đã phủ tới 99,8% dân số cả nước, bảo đảm kết nối cho người dân và DN sử dụng, khai thác kết quả của Đề án 06.

Thời gian qua, Thứ trưởng cho biết đã có một số HTTT của bộ, ngành, địa phương và các DN xảy ra sự cố mất ATTT mạng và đang có xu hướng gia tăng, mang tính chất phức tạp, vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và DN thuộc phạm vi triển khai Đề án 06 nói riêng và các HTTT nói chung cần quan tâm, nghiêm túc thực hiện triển khai bảo đảm ATTT mạng ở mức độ cao nhất theo quy định.

Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện số 33 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ TT&TT về bảo đảm ATTT của các HTTT thuộc phạm vi quản lý và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về ATTT mạng trong năm 2024.

5 bài học về CĐS

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các điểm nghẽn về TT&TT đã được Bộ TT&TT chỉ đạo quyết liệt để giải quyết.

bt-nguyen-manh-hung.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu nêu một số bài học về CĐS (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “CĐS thì một là thể chế số, hai là hạ tầng số, ba là nhân lực số, bốn là dữ liệu số, năm là DN công nghệ số”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu một số bài học về CĐS:

Thứ nhất là làm thí điểm. Làm thí điểm trước, làm cho đến nơi, cho đến thành công, rồi “copy" ra cả ngành, cả tỉnh, rồi cả nước.

Thứ hai, dùng nền tảng số. Đầu tư một nơi, phần cứng một nơi, phần mềm khai thác một nơi nhưng sử dụng là mọi người trên toàn quốc.

Thứ ba là hướng dẫn chi tiết. Cái gì mới, trừu tượng, lại là công nghệ mà chưa làm bao giờ tức là còn lơ mơ thì ban đầu rất cần hướng dẫn chi tiết, giống như là cầm tay chỉ việc.

Thứ tư là hợp tác chiến lược với DN công nghệ số Việt Nam. DN và cơ quan Nhà nước phải đi với nhau một chặng đường dài, là đối tác chiến lược của nhau và DN cam kết nguồn nhân lực dành riêng cho dự án CĐS.

Thứ năm là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng. Công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo, thì sẽ thực sự sẽ là sức mạnh mang tính toàn dân tích... Ví dụ, Bộ Công an thì có công thức là "Đúng, Đủ, Sạch, Sống" khi làm cơ sở dữ liệu dân cư.

Chính phủ số Việt Nam là chính phủ số + kinh tế số + xã hội số. Kinh tế số của Việt Nam là công nghiệp CNTT và truyền thông + kinh tế số các ngành + quản trị số + dữ liệu số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "CĐS toàn dân là đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng…". Bộ TT&TT đang trình Thủ tướng Chính phủ ra một chỉ thị về những đột phá CĐS các ngành, các cấp. CĐS là toàn dân, toàn diện nên cần phải có bước đột phá. CĐS sẽ không thành công nếu người đứng đầu các cấp không trực tiếp làm ít nhất 1 dự án CĐS có tính nền tảng.

CĐS là một công việc mới mẻ với người đứng đầu các cấp nên phải trực tiếp làm, phải đi qua một số đề án cụ thể có tính đột phá để từ đó hiểu ra và từ đó mới có thể chỉ đạo, thúc đẩy nhanh công cuộc CĐS ở cấp mình. Và chỉ có như vậy mới thành công”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Đề án 06 của Bộ Công an là một thí dụ thành công về bước đột phá và đột phá này do trực tiếp đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo. Mũi đột phá này kéo theo CĐS của cả Bộ Công an, tác động rất lớn đến CĐS của quốc gia.

“Mũi đột phá này tác động sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, tác động đến toàn dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương phải tìm ra một mũi đột phá, có một đề án như Đề án 06 của Bộ Công an, tập trung chỉ đạo và thực hiện xong và thành công trong 2 năm 2024-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Những kết quả tháo gỡ “điểm nghẽn” và những tồn tại

Phát chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những kết quả đạt được trong tháo gỡ "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

thu-tuong-pham-minh-chinh-10062024.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác đảm bảo an ninh mạng, ATTT ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng. (Ảnh: VGP)

Thứ nhất, đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu nhằm tháo gỡ 5 "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18.

Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.

Thứ ba, triển khai DVCTT ngày càng sâu rộng, hiệu quả.

Thứ tư, kết nối, chia sẻ các CSDL quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp DVCTT tới người dân, DN.

Thứ năm, hạ tầng số được quan tâm đầu tư và đạt một số kết quả tích cực, nhất là trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia đang được tích cực triển khai.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới vẫn đối diện một số tồn tại, hạn chế.

Một là, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu.

Hai là, phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu". Vẫn còn các thôn, bản "trắng" sóng, "lõm" sóng, chưa có điện lưới để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ công tác CĐS, Đề án 06 và phát triển TMĐT. Tỉ lệ tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết TTHC còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc kết nối CSDL quốc gia về dân cư với CSDL, HTTT của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích về mặt kỹ thuật.

Cùng với đó, triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm; định danh, xác thực cá nhân, tổ chức, triển khai hóa đơn điện tử còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Ba là, công tác an ninh mạng, ATTT ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng.

Bốn là, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, TMĐT, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.

Năm là, công tác tuyên truyền về triển khai Đề án 06 chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là về mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả để các nơi tham khảo, học tập, nhân rộng.

hop-truc-tuyen-10062024(1).jpeg
Hội nghị được trực tuyến tới các Bộ, ban ngành và 63 địa phương. (Ảnh: VGP)

Từ công tác triển khai trong thời gian qua và trên cơ sở nhận diện những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng rút ra một số bài học kinh nghiệm lưu ý quán triệt trong thời gian tới.

Thứ nhất, phải quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương để thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phát triển TMĐT. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN.

“CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, là quan trọng, phải quan tâm, đầu tư về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, tạo phong trào, xu thế để làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động rất quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt là của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, kéo dài.

Thứ ba, phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, thí điểm các mô hình mới trong triển khai Đề án 06 và phát triển TMĐT đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Thứ tư, phải lấy người dân, DN là chủ thể, là trung tâm trong CĐS, triển khai Đề án 06 và phát triển TMĐT; để người dân, DN được thụ hưởng những thành quả từ CĐS, Đề án 06 và TMĐT mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, DN trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Thứ năm, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Năm nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Thủ tướng chỉ đạo để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu CĐS quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển TMĐT nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, tồn tại.

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và CĐS quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại.

Thủ tướng giao các nhiệm vụ cho Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ, trong đó Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch TMĐT, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...

Thứ hai, đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng DVC cung cấp cho người dân.

"Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trên môi trường điện tử", Thủ tướng yêu cầu.

Hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; khẩn trương đánh giá những DVC đang thí điểm hiệu quả như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội để nhân rộng trên toàn quốc.

Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên HTTT giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC (theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng TTDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các CSDL quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các TTHC...

Thứ tư, đẩy mạnh CĐS trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động TMĐT.

Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động rà soát, khắc phục hiệu quả 6 nhóm vấn đề hạn chế, tồn tại, khuyết điểm như báo cáo của Bộ Công an đã chỉ ra, có lộ trình thực hiện (về pháp lý, DVCTT, hạ tầng số, an ninh, an toàn mạng, nguồn lực, chỉ đạo, điều hành…)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng nêu 5 nhóm giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển TMĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO