Đúng ngày kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), tối 21/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc.
Đây sự kiện lớn của giới báo chí Việt Nam nhằm tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất trong năm qua, có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, nội dung và hình thức thể hiện.
Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia đã lựa chọn được 106 tác phẩm báo chí xuất sắc để trao giải gồm: 6 Giải A, 24 Giải B, 42 Giải C và 34 Giải Khuyến khích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
Mở đầu bài phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Cứ mỗi năm đến ngày 21/6, chúng ta lại có dịp cùng nhau ôn lại và tự hào với truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, luôn đồng hành cùng đất nước và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc ta”.
Thủ tướng trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ người làm báo trong cả nước, nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được nhận giải thưởng Báo chí quốc gia năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao các giải A
Thủ tướng nêu rõ, báo chí đã trở thành lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.
Với đội ngũ hùng hậu trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, có tính chuyên nghiệp cao và tiếp cận nhanh với công nghệ báo chí, truyền thông hiện đại, người làm báo thực sự là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.
Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn mà báo chí và đội ngũ những người làm báo đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh báo chí chính thống bị mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt cả về mức độ ảnh hưởng, thị phần thông tin và quảng cáo. Thủ tướng mong muốn, báo chí cách mạng Việt Nam cần phát huy những giá trị cốt lõi của mình về tính cách mạng và tiên phong.
“Báo chí phải thể hiện, phản ánh trung thực về một đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, đổi mới; môi trường sống an toàn, thân thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín và vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao”.
Thông tin tích cực phải là dòng chủ lưu chính trên báo chí, dù viết về tham nhũng, tiêu cực cũng phải trên tinh thần đấu tranh, xây dựng. Chú trọng tuyên truyền những mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Tăng cường phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “tự diễn biến”, sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống, nhất là trong cán bộ, đảng viên.
Sự xuất hiện của mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực thì tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, xấu độc, thông tin giả mạo gây hại cho xã hội đang ngày càng gia tăng, có nguy cơ lấn át thông tin chính thống. Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác - chính thống - nhanh nhạy - có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của báo chí.
Thủ tướng cũng đề nghị: “Cần chú trọng công tác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ những người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp, bắt kịp công nghệ báo chí hiện đại, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng và phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Trưởng Ban nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao các giải B, trong đó có tác phẩm của báo Vietnamnet, Liên chi hội nhà báo TTTT
Để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh với vai trò quan trọng của báo chí, người làm báo cần chủ động, tích cực lắng nghe từ cơ sở, bám sát hơi thở cuộc sống, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, kinh nghiệm tốt để đóng góp thiết thực vào thành công Đại hội Đảng các cấp.
Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, lan tỏa cao
Đánh giá về các tác phẩm báo chí đoạt giải năm nay, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Thuận Hữu cho biết, đây là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, có hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nổi bật là sự vươn lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.
Các tác phẩm đã phản ánh kịp thời các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2018 (tiếp tục thự hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí…); phản ánh đậm nét nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa nổi bật (xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những sai phạm trong quản lý đất đai, nạn tín dụng đen, phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, xây dựng đô thị thông minh…).