Thừa Thiên - Huế triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số cho toàn dân
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa triển khai chiến dịch cấp phát chữ ký số (CKS) cho toàn bộ người dân chính là một quyết tâm cao vì mục tiêu đảm bảo mỗi người dân có quyền sở hữu một tài sản số cho riêng mình.
Khi làm tốt điều này, sẽ giúp xây dựng và hình thành nền văn hóa số cho xã hội, đưa người dân tiếp cận môi trường không gian số chủ động, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích số đa dạng nhanh chóng, hữu ích hơn.
Đưa người dân tiếp cận môi trường không gian số là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động chiến dịch sáng 29/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa giải pháp chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thừa Thiên - Huế được đầy đủ, hiệu quả hơn trong thời gian tới; phấn đấu 50% dân số tiếp cận được với CKS và các dịch vụ đô thị thông minh trên Hue-S.
Phó Chủ tịch Thừa Thiên - Huế đề nghị sau lễ phát động phải triển khai nhanh, quyết liệt; phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của CKS và thanh toán dịch vụ công (DVC) qua Hue-S; đảm bảo giải pháp kỹ thuật để người dân thao tác nhanh gọn, thuận tiện. Đồng thời, có kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo cho người dân có thể sử dụng được CKS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn các doanh nghiệp (DN) chuyển trạng thái cùng khai thác, cùng thực hiện trên cơ sở giúp Thừa Thiên - Huế triển khai các giải pháp lâu dài, hiệu quả, cùng đồng hành với tỉnh Thừa Thiên - Huế trong chiến dịch.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị các Sở, ban, ngành; các cơ quan, đơn vị, địa phương; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm tập trung chỉ đạo, nắm tinh thần triển khai chiến dịch một cách hiệu quả nhất.
Trong chiến dịch này tại Thừa Thiên - Huế, với sự cam kết của các DN cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp CKS với các chính sách hỗ trợ sau: Miễn phí trong vòng 01 năm bao gồm phí khởi tạo CKS và ký số DVC trực tuyến (DVCTT). Các dịch vụ khác sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các DN cung cấp dịch vụ CKS.
Sau lễ phát động, tỉnh sẽ triển khai chương trình phổ cập CKS cho toàn dân trong vòng 12 tháng với 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: 3 tháng kể từ ngày công bố kích hoạt chương trình. Giai đoạn này, các DN cung cấp CKS cam kết triển khai sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát CKS cho toàn dân.
Giai đoạn 2: 9 tháng kể từ thời gian kết thúc giai đoạn 1. Giai đoạn người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát. Việc đến tận hộ gia đình hỗ trợ tùy thuộc vào chương trình của các DN.
Sau khi được cấp CKS, người dân có thể sử dụng để đăng ký DVCTT mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp DVC. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên DVC của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.
Khi nói về ý nghĩa của chiến dịch quan trọng này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc đưa người dân tiếp cận môi trường không gian số là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nếu chậm thì sẽ tụt hậu, thua thiệt và thậm chí còn tăng nguy cơ rủi ro cho người dân và toàn xã hội trên không gian số.
Do vậy, muốn đưa người dân tiếp cận hiệu quả trên môi trường gian số thì cần công dân số, công dân số ngoài việc cần trang bị kỹ năng số thì cần có tài sản số. Trên không gian số, công dân số cần có tối thiểu 3 tài sản quan trọng đó là: Định danh điện tử (VNeID), tài khoản thanh toán điện tử và CKS.
“03 tài sản này sẽ là điều kiện đảm bảo hình thành công dân số, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các giao dịch của công dân trên môi trường số”, Giám đốc Sở TT&TT Tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sơn, chiến dịch được phát động, triển khai toàn dân, toàn diện, do đó trong quá trình triển khai, chúng ta sẽ có thể gặp những khó khăn, đối diện nhiều vấn đề thực tiễn. Đơn cử có thể là dạng câu hỏi: Tài sản này làm gì, cần không và dùng vào việc gì?...
Để trả lời cho những câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, khi người dân có tài khoản thanh toán số, CKS, định danh điện tử… thì những quyền lợi từ các dịch vụ số sẽ giúp người dân rút ngắn thời gian cho mọi giao dịch, bảo vệ an toàn cho mọi giao dịch; chuyển từ những thói quen làm thủ tục giao dịch truyền thống sử dụng giấy tờ phức tạp, tốn thời gian sang môi trường mạng nhanh chóng, tiện ích - đây đang là một xu hướng phát triển của giai đoạn công nghệ số bùng nổ hiện nay.
Vì vậy, khi chương trình được phát động, triển khai thì việc nâng cao nhận thức, nắm rõ bản chất, mục đích và ý nghĩa là yêu cầu quan trọng của các cấp, các ngành, từ đó sẽ tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động để người dân và chính quyền cùng nhau thực hiện hiệu quả. Đồng thời, để chiến dịch thành công rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các DN CKS, ví điện tử…
Đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện chiến dịch
Nói về các nội dung của chiến dịch, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản số: 7702 /UBND-KN2 cho nội dung này, yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương đảm bảo điều kiện thuận lợi các đơn vị, DN liên quan tiếp cận, cấp phát trực tiếp CKS cho công chức, viên chức, người lao động.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương tuyên truyền, truyền thông ý nghĩa của chương trình đến các hộ gia đình; chỉ đạo thông tin, hỗ trợ cho các DN trong chương trình tiếp cận đến hộ gia định cấp phát chữ ký số cho người dân…
Cùng với đó, Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ban hành văn bản số 2016/STTTT-IOC về việc quy định về triển khai chiến dịch cấp CKS công cộng cho người dân.
Theo đó, văn bản này nêu quy định rõ: Người dân có quyền chọn bất cứ DN nào mà người dân thấy phù hợp; mỗi công dân chỉ được cấp một CKS và được lựa chọn một trong các DN tham gia chương tình; bảo mật thông tin, không sử dụng thông tin người dân được cấp CKS cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài chương trình này; cấp phát theo hình thức công dân đăng ký trực tuyến từ app DN; cấp phát theo hình thức đến tận hộ gia đình…
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị ban hành các văn bản khác để đảm bảo chương trình được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hiệu quả như: Hướng dẫn đăng ký cấp CKS tại nhà; bộ câu hỏi - giải đáp CKS; tờ rơi bộ câu hỏi CKS…
Như vậy có thể nói, với những quyết tâm trong việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh cùng những văn bản yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cụ thể, đây sẽ là những cơ sở niềm tin để địa phương kỳ vọng, thực hiện hiệu quả những giá trị lợi ích số mà mình mong muốn.
Hơn nữa, khi làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần thúc đẩy việc CĐS của tỉnh ngày một bền vững theo phương châm: “Chính quyền số đảm bảo có công dân số”; “Xã hội số không thể thiếu người dân số”; đảm bảo việc thực hiện CĐS của tỉnh đến từng ngõ ngách, ngành, lĩnh vực một cách toàn diện, thực chất, kết quả cao./.