Thừa Thiên Huế triển khai Chương trình "100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày"

HL| 14/08/2021 18:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND thực hiện Chương trình "100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày".

Theo đó, Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Chương trình sẽ lựa chọn các DN nhỏ và vừa, các HTX đã đăng ký đảm bảo đa dạng theo 05 lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, CNTT; Xây dựng chương trình và kế hoạch thực hiện hỗ trợ DN, HTX CĐS năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 trên cơ sở năng lực, điều kiện của từng doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung như: Khảo sát các DN, HTX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về nhu cầu CĐS kết hợp truyền thông về chương trình; Phân tích, đánh giá về thực trạng và nhu cầu của các DN, HTX trong CĐS; Xây dựng bảng tiêu chí lựa chọn các DN, HTX phù hợp tham gia chương trình. Lập danh sách 100 DN, HTX tham gia Chương trình "100 DN CĐS trong 100 ngày".

Đối với Chính sách hỗ trợ DN, HTX CĐS, sẽ hỗ trợ CĐS trong quản trị nội bộ, hỗ trợ CĐS sản phẩm và dịch vụ, hỗ trợ CĐS trong xúc tiến thương mại, bán sản phẩm...

Song song đó, kế hoạch còn triển khai tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về CĐS trong các DN, hợp tác xã; đánh giá năng lực CĐS cho các nhóm DN, HTX; phối hợp với các đối tác đề xuất các giải pháp và hoạt động hỗ trợ DN, HTX thực hiện CĐS.

Tại Tuần lễ CĐS - Huế 2021 hồi tháng 4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã đề nghị "Thừa Thiên Huế hãy triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh với mục tiêu kép vừa phục hồi kinh tế sau Covid-19".

Theo Thứ trưởng, Thừa Thiên Huế nên duy trì sự kiện Tuần lễ CĐS tổ chức hàng năm. Năm sau tốt hơn năm trước, hàng năm công bố bài toán của tỉnh và đặt hàng DN giải quyết với mức trao thưởng xứng đáng.

Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 5.437 DN đang hoạt động, trong đó 4.620 DN nhỏ và vừa, chiếm 86,4%.

Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế cho biết tỷ lệ các DN triển khai CĐS chưa đến 50% số DN được khảo sát, nhiều DN chưa nắm rõ về CĐS. Nhiều DN chưa quan tâm đến cơ sở dữ liệu khách hàng. Về thanh toán, DN vẫn sử dụng song song hai hệ thống chuyển khoản và tiền mặt. Các xu hướng thanh toán bằng e-banking và mobile-banking có xu hướng tăng. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, hình thức văn bản giấy và trực tiếp vẫn chiếm đa số.

Các DN tại Thừa Thiên Huế đang đối mặt với những rào cản như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT để cho phép CĐS (16,7%, thiếu tư duy CĐS (15,7%)....

Theo TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 1/3 DN đã chuẩn bị tốt cho CĐS, tuy nhiên, số DN còn lại trong tỉnh vẫn đang được chèo lái một cách "bấp bênh", chậm chạp, còn đang rất mơ hồ về khái niệm "CĐS". Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch với lượng khách giảm 60%, doanh thu giảm 64%.

Tuy nhiên, Covid-19 cũng đã thúc đẩy các DN chú trọng đầu tư vào nền tảng số, qua đó tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng số kết nối trong DN. Nền tảng số còn giúp tiết giảm nhân lực, giảm chi phí thông tin và giao dịch; chuẩn hóa quy trình, phản ứng kịp thời, qua đó, giúp nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ; nâng cao chất lượng công việc và gia tăng năng suất./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế triển khai Chương trình "100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO