Thúc đẩy phát triển công nghệ hướng tới mục tiêu xây dựng ASEAN số

Bùi Huyền| 19/05/2021 18:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch Covid-19 đã buộc ASEAN phải hướng đến việc số hóa, đồng thời trao cho các quốc gia thành viên một động lực để tiến nhanh hơn trên hành trình này.

Đưa ASEAN thành cộng đồng số hàng đầu

Đại dịch Covid-19 đã khiến toàn cầu lo ngại không chỉ về số ca nhiễm bệnh, tử vong mà còn khiến nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, song nó cũng giúp đẩy mạnh triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

Trong năm qua, những xu hướng mới đã phát triển như việc sử dụng công nghệ để kết nối thế giới số và đời thực với mục đích cung cấp trải nghiệm tương tác độc đáo cho người dùng và "chuyển đổi số" các chương trình giáo dục của các trường học.

Trong khu vực ASEAN, Singapore là nước luôn đón đầu các xu hướng công nghệ mới. Quốc gia này cũng là nước đầu tiên trong khu vực thông báo sẽ chấp nhận thẻ thông hành Covid-19 điện tử. Ngày 12/4, hãng dược phẩm Sanofi của Pháp cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 638 triệu USD (400 triệu euro) để xây dựng một trung tâm sản xuất vaccine tại Singapore trong năm tới, giúp đảo quốc này mở rộng chuỗi sản xuất các sản phẩm y sinh. Trong thông báo, Sanofi cho biết cơ sở mới ở Singapore sẽ giúp hãng nâng cao năng lực sản xuất vaccine quy mô lớn cho thị trường châu Á cũng như ứng phó với các nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai.

Ý tưởng về "ASEAN 4.0" đã xuất hiện trước đó tại Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 9/2016. Trước khi đại dịch bùng phát, Thái Lan được cho là một trong những nước đi đầu trong việc khởi xướng kế hoạch phát triển trở thành một trung tâm kỹ thuật số của khu vực, chuyển đổi các trung tâm đô thị thành các thành phố thông minh theo chiến lược Thailand 4.0. Thái Lan đã và đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng số, công nghệ mới, dữ liệu, nguồn nhân lực và các tài nguyên số khác nhằm phát triển kinh tế một cách cân bằng, bền vững và thịnh vượng.

"ASEAN 4.0" cũng là chủ đề của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ nhất (ADGMIN1) đầu năm 2021 đã thông qua Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025). Kế hoạch này nhằm hướng dẫn sự hợp tác kỹ thuật số cho các nước thành viên trong giai đoạn 2021-2025 trong việc thực thi kế hoạch đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu với sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái và đảm bảo an ninh mạng để thúc đẩy không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.

Thúc đẩy phát triển công nghệ hướng tới ASEAN số - Ảnh 1.

Những rào cản đối trong việc đạt được Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025

Câu chuyện thực tế tại Campuchia

Điều này thực sự có ý nghĩa gì đối với khu vực trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Campuchia? Liệu việc thực hiện các ưu tiên chính của ADM2025 - kết nối các doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới có thúc đẩy bao trùm và bình đẳng kỹ thuật số không? Để nhìn nhận vấn đề này, hãy xem xét cách Campuchia ứng dụng các công nghệ nhằm mang lại lợi ích cho người dân và quốc gia.

Kết nối quá khứ với thực tế ảo và ứng dụng dành cho thiết bị di động

Thông qua trải nghiệm thực tế ảo và 3D, Virtual Angkor là công cụ đưa du khách vào một cuộc du ngoạn ngược thời gian đến Đế chế Khmer hùng mạnh. Trải nghiệm tốt nhất với tai nghe thực tế ảo, người xem có thể nhìn thấy thành phố từng là trung tâm của đế chế khi nó còn ở đỉnh cao. Quay lại thế kỷ XII và ngắm nhìn các công trình kiến trúc đang được xây dựng, tản bộ bên trong các bức tường của ngôi đền, nhìn cuộc sống hàng ngày và tận hưởng một lễ rước hoàng gia.

Công nghệ cũng giúp chúng ta không quên cuộc diệt chủng bi thảm và đau thương dưới chế độ Pol Pot của Khmer Đỏ từ năm 1975 đến năm 1979. Khoảng 70% người dân Campuchia có độ tuổi dưới 30 tuổi không biết về lịch sử. Một ứng dụng về lịch sử Khmer Đỏ do Trung tâm Tài nguyên Nghe nhìn Bophana phát triển nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên về lịch sử thông qua các công cụ đa phương tiện sáng tạo.

Gỡ mìn bằng robot

Bom, mìn là hậu quả của chiến tranh để lại, đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người Campuchia, khiến quốc gia này trở thành một trong những nơi có tỷ lệ người bị cụt tay cao nhất thế giới với 40.000 người bị cụt tay trên khắp đất nước.

Hiện tại, việc loại bỏ mìn được thực hiện thủ công, đòi hỏi các nhân viên rà phá bom mìn phải cực kỳ cẩn thận và chậm rãi trong quá trình rà mìn. Demine Robotics, đội đào mìn robot, đang giúp rà phá bom mìn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, một cách an toàn và hiệu quả. 

Thúc đẩy bao trùm tài chính với công nghệ blockchain

Ở Campuchia, 78% dân số không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Công nghệ đang hỗ trợ đất nước vượt qua thách thức này. Ngân hàng Trung ương Campuchia đã ra mắt Hệ thống thanh toán Blockchain Bakong vào cuối năm 2020. Bakong cung cấp cho người Campuchia một nền tảng được nhà nước công nhận để thực hiện thanh toán di động tức thì, với mã QR và số điện thoại kết nối ví điện tử qua blockchain.

Ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch Covid-19 và tương lai

Trong những tháng gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại Lào, Campuchia và Việt Nam đã gia tăng đột biến, khiến chính phủ nhiều nước phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong cuộc chiến đó, công nghệ đã phát huy vai trò và hỗ trợ đắc lực ngành y tế. Điển hình như ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone của Việt Nam giúp phát hiện nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hay các ứng dụng y tế trên di động dành cho bệnh nhân và bác sĩ để quản lý hồ sơ y tế và đặt lịch hẹn khám tự động thông qua điện thoại di động.

Bộ Y tế Campuchia cũng đã giới thiệu KhmerVacc, một ứng dụng di động để đăng ký tiêm chủng Covid-19 và để các cơ quan y tế cung cấp cho người đăng ký ngày hẹn và địa điểm tiêm chủng. Động thái này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký chương trình tiêm chủng Covid-19 trên khắp đất nước, một nỗ lực của chính phủ để tiêm ngừa thành công 80% dân số để bảo vệ họ chống lại virus corona chết người.

Tuy nhiên, tại nhiều nước ASEAN, hành trình chuyển đổi số vẫn còn những thách thức - đó là cơ sở hạ tầng số yếu, giá điện cao và truy cập Internet còn hạn chế (chỉ 40% dân số Campuchia được sử dụng Internet). Số hóa có thể là mối đe dọa đối với thị trường lao động thủ công hiện nay, nhưng lại chính là cơ hội cho các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, công nghệ y tế, thương mại điện tử, di động và fintech phát triển.

Bên cạnh đó, những thách thức toàn cầu như quyền riêng tư dữ liệu, tin tức giả mạo và các mối đe dọa mạng đang đe dọa kỷ nguyên số mới. Một số người lo ngại liệu AI sẽ tiếp quản trí thông minh của con người - hay liệu máy móc sẽ tiếp quản công việc của chúng ta. Câu trả lời phụ thuộc vào việc chúng ta ứng dụng công nghệ như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, một "thế giới hoàn toàn mới". Việc nắm bắt các cơ hội phát triển từ kinh tế số ở điều kiện mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trong những năm tới. Đại dịch Covid-19 đã buộc ASEAN phải hướng đến việc số hóa, đồng thời nó đã trao cho các quốc gia thành viên một động lực để tiến nhanh hơn trên con đường này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển công nghệ hướng tới mục tiêu xây dựng ASEAN số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO