“Thuốc đặc trị” cho biến thể của virus tống tiền WannaCry

PV| 22/05/2017 07:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Sáng 19/5, phần mềm chống mã hóa dữ liệu CMC CryptoShield của tập đoàn công nghệ CMC đã chính thức ra mắt người dùng.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: tacnetsol.com)

Ông Triệu Trần Đức - Tổng giám đốc CMC InfoSec cho biết, điểm nổi bật của CMC CryptoShield là khả năng phòng chống mọi dạng mã độc mã hóa dữ liệu nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong CMC CryptoShield có thể nhận biết tất cả các vi mã hóa dữ liệu và tiến hành ngăn chặn mà không cần nhận dạng loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền người dùng (ransomware).

 “CMC CryptoShield cho phép người dùng lựa chọn tiêu diệt những ứng dụng có hành vi mã hóa quá mức giới hạn thông thường, sau đó mọi dữ liệu mã hóa sẽ được tự động khôi phục,” đại diện CMC cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia công nghệ của CMC cũng cho biết, điểm khác biệt lớn nhất giữa CMC CryptoShield với các sản phẩm diệt virus truyền thống là khả năng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dữ liệu người dùng. Bởi các sản phẩm diệt virus truyền thống có thể phát hiện, ngăn chặn hoặc gỡ bỏ các mẫu mã độc nhưng không đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo, người dùng vẫn nên cài đặt các phần mềm diệt virus để bảo vệ máy tính an toàn trước các dòng mã độc còn lại như: ăn cắp mật khẩu, ăn cắp thẻ tín dụng, lây file…

Ransomware bắt đầu bùng nổ từ năm 2016. Phương thức tấn công này đại diện cho một thế hệ công cụ hoàn toàn mới của tin tặc nhằm thực hiện mục tiêu trục lợi trực tiếp từ người sử dụng máy tính. Các tập tin bị mã hóa bởi Ransomware đã được chứng minh là không thể bị giải mã trừ khi tin tặc cung cấp cho nạn nhân mã khóa.

Theo báo cáo của FBI, năm 2016, tội phạm mạng đã thu được khoảng 1 tỷ USD tiền chuộc mã hóa (cao gấp 40 lần so với đầu năm 2015). Nạn nhân thông thường chỉ có 48 giờ để trả tiền chuộc trước khi bị mất hoàn toàn dữ liệu.

Mã độc WannaCry tấn công toàn cầu trong những ngày qua đã chứng minh bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị tống tiền.

Thông tin từ Bkav cho biết, tính tới chiều 16/5, hệ thống giám sát của đơn vị này đã phát hiện hơn 1.900 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc tống tiền WannaCry.

“Tuy nhiên, đến 6 giờ sáng 18/5, theo số liệu của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Việt Nam chỉ còn vài trường hợp bị nhiễm loại mã độc tống tiền này,” tiến sỹ Nguyễn Khắc Lịch - Phó giám đốc trung tâm cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Thuốc đặc trị” cho biến thể của virus tống tiền WannaCry
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO