Tích cực triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP để phát triển kinh tế - xã hội

PV| 04/10/2022 17:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Với nỗ lực cải cách của các bộ, ngành và địa phương, trong thời gian qua, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị Nghị quyết số 02/NQ-CP về Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư -  KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; Cần được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Do vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững là trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển.

Với nỗ lực cải cách của các bộ, ngành và địa phương, trong thời gian qua, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và DN trong và ngoài nước. Cụ thể, năng lực cạnh tranh 4.0 (Của Diễn đàn Kinh tế thế giới) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (Của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc - UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016…

Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Từ thực tế đó, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hằng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Nội dung của Nghị quyết số 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN; Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…

Trong bối cảnh DN khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19, một trong những vướng mắc gây khó khăn cho DN là bất cập, vướng mắc trong thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, dự kiến từ ngày 1/4, TP Hồ Chí Minh thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển với mức phí khá cao. Để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, các DN ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Các DN nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các DN nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các DN lớn. Do vậy, đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các DN nhỏ và vừa.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng sau đại dịch. Cộng đồng DN đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là thật đúng thời điểm.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Từ đó, đóng góp ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia. Bộ KH&ĐT được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn theo thông lệ quốc tế cho nhà đầu tư và DN. Do đó, Bộ KH&ĐT sẽ thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương./.

Bài liên quan
  • Phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức
    Nền kinh tế số Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ mức độ số hoá, thâm nhập và sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2016, số người dùng Internet trong khu vực đã tăng gấp đôi ở 6 quốc gia lớn nhất: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tích cực triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP để phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO