Ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực
Tính đến tháng 4/2020, công tác cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực về cải cách tài chính công, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và hiện đại hóa nền hành chính.
Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai 100% cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh, 25 cơ quan ngành dọc, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh. Trên 2.000 TTHC được đăng tải trên trang Dịch vụ hành chính công tỉnh tại địa chỉ: dichvucong.tiengiang.gov.vn.
Trong đó, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 là 1.140 thủ tục, mức độ 4 là 817 thủ tục và 76 thủ tục mức độ 2. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 13/4/2020 thông qua phần mềm một cửa điện tử, toàn tỉnh đã giải quyết 150.495/158.485 hồ sơ, 7.990 hồ sơ đang giải quyết.
Về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích, Bưu điện tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua hệ thống bưu điện với 19 cơ quan sở, ngành và 11 UBND thành phố, huyện, thị xã.
Xây dựng ngay kế hoạch ứng dụng CNTT trên một số lĩnh vực đời sống người dân quan tâm
Bên cạnh kết quả đạt được, Tiền Giang cũng gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng CNTT. UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, phần mềm liên thông giữa lĩnh vực thuế và văn phòng đăng ký đất đai chưa được hoàn thiện, vẫn còn trễ hẹn trên hồ sơ một cửa điện tử tỉnh trong lĩnh vực đất đai.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng tuy đã được đầu tư kết nối đến tất cả các cơ quan sở, ngành, huyện và cấp xã nhưng tốc độ đường truyền còn hạn chế.
Việc liên thông tích hợp các phần mềm dùng chung của tỉnh với các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành của các bộ, ngành triển khai còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự liên kết, chia sẻ.
UBND tỉnh đề nghị: Sở Nội vụ, Sở TT&TT tỉnh cần xây dựng ngay kế hoạch ứng dụng CNTT. Trong đó, tập trung vào mục tiêu hướng đến và phục vụ trên một số lĩnh vực đời sống người dân quan tâm; chọn và xây dựng kế hoạch triển khai huyện điểm về chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cùng tinh thần trách nhiệm ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động tại cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục quan tâm, giới thiệu các tập đoàn và doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công viên phần mềm Mê Kông Tiền Giang
Mới đây, Đoàn công tác Bộ TT&TT do Thứ trưởng Phan Tâm làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với với UBND tỉnh Tiền Giang về chương trình phát triển ngành công nghiệp CNTT theo Quyết định số 392 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp CNTT là rất quan trọng, đặc biệt trong thời gian Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Nghị quyết, cũng như các phương hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, rất cần có sự đóng góp của lĩnh vực TT&TT nói chung, công nghiệp CNTT nói riêng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm ghi nhận những thành tích về kết quả xếp hạng tốt nhiều năm liền của tỉnh Tiền Giang trong lĩnh vực về mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT; đồng thời khẳng định, tỉnh Tiền Giang đã có những điểm sáng như: Khu Công viên phần mềm Mê Kông với các dự án đang được triển khai; các sản phẩm ứng dựng CNTT được thiết kế phát triển không chỉ tại Tiền Giang mà còn được nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt đông của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện công tác CCHC. Hạ tầng CNTT của tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu ứng dụng CNTT giai đoạn 2015 - 2019.
Nhờ sự nỗ lực đó, hiện nay Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh nằm trong top 10 cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và là tỉnh dẫn đầu về Chỉ số ICT Index 2019 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số DVCTT đứng thứ 3/63 tỉnh, thành trên cả nước năm 2019. Thu nhập bình quân lao động CNTT đứng thứ 3 cả nước, trong đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/lao động/năm và đối với doanh nghiệp dịch vụ CNTT, có mức thu nhập trên 150 triệu đồng/lao động/năm.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn còn gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất CNTT, về nhận thức và trình độ của người dân trong ứng dụng CNTT…
Đối với Khu Công viên phần mềm Mê Kông hiện nay còn vướng mắc trong các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, Sở TT&TT tỉnh đề xuất Bộ TT&TT quan tâm hướng dẫn hỗ trợ cho khu công viên này chính thức tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, để thực hiện được mục tiêu phát triển mạnh mẽ CNTT.
Ngoài ra, Sở TT&TT Tiền Giang đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, giới thiệu, thu hút các tập đoàn và doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công viên phần mềm Mê Kông Tiền Giang trong thời gian tới.