Những ngày này, đất nước ta vẫn đang trong hai cuộc chiến: cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Bản tin 18h ngày 10/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, tính đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, tổng số bệnh nhân vẫn là 332, bệnh nhân 91 đã nhớ được mật khẩu điện thoại, máy tính bảng. Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân đáp ứng với kháng sinh và kháng nấm, ngày qua đã giảm sốt. Phổi của bệnh nhân cải thiện nhiều, chỉ cần sử dụng ôxy nồng độ thấp, tuy nhiên sức cơ hô hấp còn yếu.
Như vậy, đại dịch Covid-19 tại Việt Nam về cơ bản đã và đang được kiểm soát tốt nhưng hệ lụy của nó với thế giới sẽ là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và tác động kinh tế của dịch bệnh sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu.
Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế sẽ còn kéo dài, khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực ASEAN, Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Trợ giúp cho các DN vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19, ổn định và phát triển đó là nội dung được đề cập đến trong Hội thảo trực tuyến "Phát triển doanh nghiệp hậu Covid-19" do Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN (VASEAN) tổ chức ngày 10/6 vừa qua.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hậu Covid-19, để vực dậy DN trong gian đoạn tiếp theo, trước mắt, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cấp bách trước mắt, đó là khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, thu hút nguồn vốn FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Tất Thắng cho rằng: "Bình thường mới trong giai đoạn hiện nay là phát triển kinh tế trong bối cảnh luôn luôn có dịch đe dọa. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm những hướng đi mới, phải tìm kiếm bằng công nghệ kinh tế xanh có thể phát triển dài lâu được. Cùng với đó các DN phải nâng cao năng lực quản trị cho phù hợp với tình trạng bình thường mới, đồng thời tích cực triển khai tìm kiếm thị trường mới bạn hàng mới trong giai đoạn tiếp theo này".
Giải pháp lâu dài là cải cách thể chế, tiếp tục quan tâm, chú trọng việc đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực của các đầu tàu kinh tế, phát triển khoa học công nghệ mới, đổi mới sáng tạo. Do đó, trong thời gian tới công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được thúc đẩy nhằm tái khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Một giải pháp được đề cập đến là các DN cần liên kết lại với nhau để cùng vượt qua khó khăn, thử thách, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Đại dịch cho nhiều bài học và cơ hội, giờ là lúc cộng đồng DN hãy liên kết lại với nhau, cùng đứng dậy nắm bắt cơ hội. Đồng thời, tự thân mỗi DN cần phải nỗ lực để tự cứu chính mình.