Truyền thông

Tín dụng chính sách xã hội hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Đoàn Ngọc Dũng 30/11/2024 15:00

Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước mang tinh thần nhân văn sâu sắc, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp tự vươn lên thoát nghèo.

Tròn 10 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH đến nay TDCSXH đã thực sự trở thành một điểm tựa trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. TDCSXH là một giải pháp sáng tạo góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đề ra.

Đây là Chỉ thị có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, những người yếu thế trong xã hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021, theo đó tăng cường sự chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện TDCSXH; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả TDCSXH.

anh-kem-bai-ttcs-32.jpg
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân đã phát triển các mô hình kinh tế và thoát nghèo thành công.

Đến nay sau 10 năm thực hiện, TDCSXH đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo cơ hội tiếp cận vốn bình đẳng cho nhiều người dân người nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững địa phương, vùng miền. Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội ở Trung ương và địa phương, vốn TDCSXH đã trực tiếp đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tính đến ngày 31/7/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 47,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng hơn 43,5 nghìn tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373 nghìn tỷ đồng với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 350,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 221,4 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Đã có hơn 21 triệu hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; Hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; Xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; Hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; Hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách; Hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19…

TDCSXH đã giúp hàng triệu hộ dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo trên cả nước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm ấn tượng từ 14,2% xuống 4,25% trong giai đoạn 2011 - 2015, và tiếp tục giảm từ 9,88% xuống 2,23% trong giai đoạn 2016 - 2021, đến cuối năm 2023 còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Tín dụng chính sách xã hội ở những nơi nghèo nhất nước

So với các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc, Lào Cai có chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; Sản xuất còn manh mún, công nghiệp chưa phát triển, kinh tế không ổn định, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, có tới 4/9 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. TDCSXH là một kênh quan trọng, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thêm nguồn lực tài chính để sản xuất, kinh doanh.

Tính đến hết tháng 6/2024, tổng nguồn vốn TDCSXH trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt gần 4,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8 nghìn tỷ đồng (tăng 152,6%) so với năm 2014. Trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 92%/tổng nguồn vốn; Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 386 tỷ đồng, chiếm 8%/tổng nguồn vốn, tăng 370 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng dư nợ đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, với trên 72.000 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn TDCSXH đã giúp 239.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi… giúp 123.000 hộ thoát nghèo; Hơn 22.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; Trên 119.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được hoàn thành; Xây dựng khoảng 8.300 nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…

Lai Châu cũng là một trong những tỉnh khó khăn nhất vùng Tây Bắc, với 20 dân tộc sinh sống trải rộng khắp các huyện lỵ vùng sâu. Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, công tác giảm nghèo tỉnh Lai Châu như được tiếp thêm sức mạnh. TDCSXH về tới 100% các thôn, bản, khu phố… tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vốn, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời, góp phần thiết thực, hiệu quả cải thiện cuộc sống người dân.

Trong 10 năm, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lai Châu đã giải ngân hơn cho gần 180.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền 7,7 nghìn tỷ đồng. TDCSXH đã phát huy hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân, giúp 36.000 lượt hộ nghèo; Hơn 400 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng số tiền 7,6 tỷ đồng; Tạo việc làm cho 21,8 nghìn lao động; Gần 600 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; Hỗ trợ xây dựng gần 69,2 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; Xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 3,2 nghìn căn nhà với tổng số tiền 365,6 tỷ đồng…

Nguồn vốn TDCSXH đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, nâng cao đời sống của người dân; Tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh, đồng thời phát triển mô hình sản xuất tập trung như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng...

Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; Đảng chính là chỗ dựa tin cậy của người dân; Khẳng định rõ quan điểm của Đảng là luôn lấy dân là gốc và không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong những năm tiếp theo, để TDCSXH tiếp tục trở thành người bạn đồng hành tin cậy cùng người dân nghèo cần vốn thì các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa trình tự, thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, hiện đại hóa công tác quản trị điều hành; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng ngân hàng số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, chú trọng thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành để cập nhật và quản lý đối tượng thụ hưởng TDCSXH; Nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình TDCSXH, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; Khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách xã hội hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO