Thực trạng
Theo một khảo sát năm 2021 của PEW, khoảng 86% người dân Mỹ đọc tin tức từ các thiết bị di động. Trong lứa tuổi từ 18-29, có 70% tiếp nhận tin tức từ mạng xã hội và các trang tin khác. Xu hướng tương tự hiện đang diễn ra trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sự thay đổi về phương thức truyền tải và tiếp nhận thông tin này đưa tới nhiều cơ hội cho các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống, khi chi phí xuất bản, in ấn, phân phối đều giảm đi tới mức không còn đáng kể, nhưng đổi lại, sự tự do gần như tuyệt đối và tốc độ lan truyền nhanh chóng của môi trường Internet, đặc biệt là mạng xã hội, đã mở ra những thách thức chưa từng có trong việc ngăn chặn tin giả lan truyền.
Vào ngày 12/1/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã khai trương cổng thông tin tiếp nhận và phản ánh, công bố tin giả với đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý. Việc này cho thấy Việt Nam đã nhận thức được tác hại của tin giả đối với kinh tế, xã hội và cả an ninh quốc gia, đồng thời sẽ không khoan nhượng trong việc đấu tranh đến cùng với vấn nạn này.
Việt Nam đã có nhiều bài học rất sớm về hậu quả của tin giả đối với kinh tế xã hội. Vào năm 2013, thông tin một lãnh đạo ngân hàng bị bắt được lan truyền trên các diễn đàn, mạng xã hội, đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2017, thông tin tương tự lại được đưa ra, khiến giá trị vốn hóa ngân hàng này tiếp tục bị thổi bay hơn 7.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngay sau đó.
Hay việc một số cá nhân thực hiện livestream xúc phạm cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp với thông tin sai lệch thu hút đông đảo người xem trong thời gian gần đây đã gây ảnh hưởng rất lớn tới an ninh trật tự và cả an ninh văn hoá, tạo ra những thiệt hại cả vô hình lẫn hữu hình cho các chủ thể liên quan.
Tin giả cũng có thể ra đời bởi sự bất cẩn trong quá trình biên tập, xuất bản, đặc biệt là các sai sót về thống kê, số học. Các thông tin mang tính trào phúng, thư giãn, đôi khi cũng có thể trở thành nguồn cung cấp tin giả, đây là điều hoàn toàn không hiếm trên thế giới.
Vào mỗi mùa Giáng sinh, Tạp chí Y khoa Anh Quốc đều xuất bản một nghiên cứu hài hước, dựa trên hoàn toàn những số liệu có thật được tính toán, thống kê định lượng, nhưng được liên kết, dẫn dắt để đưa tới một kết luận mang tính giải trí, hoàn toàn không có giá trị học thuật thực tế.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều nghiên cứu kiểu này được trích dẫn lại bởi báo chí, thậm chí là các tạp chí chuyên ngành uy tín, trong đó có những bài trào phúng đã được trích dẫn tới hơn 400 lần như một dẫn chứng nghiên cứu chuyên sâu. Việc phân biệt tin trào phúng của các cơ quan truyền thông uy tín với tin giả vẫn là điều rất khó khăn, đặc biệt là đối với các độc giả lớn tuổi, ít tiếp xúc với internet.
Trên các trang tin tức, và thậm chí cả một số tờ báo chính thống, vẫn có hiện tượng giật tít không chính xác với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả, đưa những thông tin mang tính dẫn dắt sai, không liên quan hoặc không thể kiểm chứng. Thậm chí có những trang chuyên đưa những tin giật gân, thú vị về đời tư, tính cách các nhân vật lịch sử, nhưng lại lấy nguồn từ các tiểu thuyết văn học được sáng tác sau họ hàng nghìn năm.
Các doanh nghiệp là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tin giả, vì so với các cá nhân hay tổ chức Nhà Nước, doanh nghiệp có quá nhiều thứ để mất khi gặp thông tin bất lợi, và chúng đều được đo đếm bằng tiền bạc, như doanh số, giá cổ phiếu, hình ảnh thương hiệu,… nhưng lại có rất ít công cụ để tự bảo vệ mình, và ngay cả khi tin giả được xử lý, thì thiệt hại đã xảy ra cũng không thể bù đắp lại.
Vào năm 2016, thông tin chưa xác thực về một thương hiệu xúc xích có chứa chất gây ung thư đã khiến cho doanh nghiệp này gần như điêu đứng, phải dừng sản xuất, hàng hóa không thể tiêu thụ, buộc phải thu nhỏ quy mô, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trong cao điểm xử lý các sai phạm trong chứng khoán, bất động sản thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp không hề liên quan cũng bị ảnh hưởng, khi được nhắc tới trong các tin giả lan truyền trong các nhóm chat chuyên ngành, khiến giá cổ phiếu giảm hàng chục phần trăm trong thời gian rất ngắn. Không loại trừ khả năng đây là những hành vi có tính toán để trục lợi về kinh tế.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, một lượng lớn tin giả về nguồn gốc, tình hình dịch bệnh, phong toả, hay về sự an toàn và tính hiệu quả của vaccine được chia sẻ trên mạng xã hội, đã gây ra những thiệt hại rất lớn về vật chất, tinh thần, niềm tin và cả nhân mạng, làm chậm trễ hoặc chệch hướng các nỗ lực chống dịch của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn, đã có nhiều bằng chứng cho thấy, tin giả đã bắt đầu xâm phạm vào những khu vực an ninh thượng tầng cực kỳ nhạy cảm của các quốc gia, mà cụ thể, chính là sự tác động trực tiếp vào chính trị.
Sự vũ khí hóa tin giả và tác động chính trị của nó đối với an ninh, ổn định của các nước, được thể hiện rõ nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, và ở cuộc bầu cử 4 năm sau đó, thời kỳ khi ông Donlad Trump tham gia và rời khỏi chính trường Mỹ với tư cách người đứng đầu Nhà Trắng. Trong đó, các mạng xã hội như Twitter hay Facebook đã được sử dụng như những công cụ lan truyền tin giả rất hiệu quả.
Sự tàn phá của thông tin không kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội đối với các quốc gia khi nó tấn công vào hệ thống chính trị một cách vô tình hay cố ý, đã được nhìn thấy từ trước đó nhiều năm, xu hướng này xuất hiện chính vào thời kỳ bùng nổ mạng xã hội vào những năm 2010, đã càn quét qua khu vực Trung Đông và Bắc Phi khiến nhiều chính phủ bị lật đổ trong bạo loạn, mà vẫn được biết đến với tên gọi mùa Xuân Ả Rập.
Cái tát của nữ sĩ quan cảnh sát ở Tunisi đối với người bán hàng rong Mohamed Bouazizi, thứ đã châm ngòi cho cuộc cách mạng, cho tới tận ngày nay, người ta vẫn chưa thể tìm ra bằng chứng cho cáo buộc này, ngoài những câu truyện lan truyền trên mạng xã hội đã kích động cơn giận giữ của đám đông hàng triệu người vốn đang sẵn bất mãn với sự trì trệ về kinh tế, xã hội của đất nước, cùng xuống đường và lật đổ chính phủ của mình, mở ra một thời kỳ đói nghèo và loạn lạc chưa từng có trong lịch sử.
Hiểu được sức tàn phá của tin giả đối với mọi mặt đời sống của người dân, sức khủng bố đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, và cả mối đe dọa đối với sinh tồn của quốc gia, chúng ta sẽ có những phương thức chính xác và quyết liệt hơn, để xây dựng một hành lang thông tin an toàn, vừa không ngăn trở sự kết nối, giao lưu, bổ sung kiến thức, bắt kịp các thay đổi mạnh mẽ của thế giới, nhưng vẫn đảm bảo tính khả tín và các quy tắc đạo đức, pháp luật cơ bản của quốc gia trong môi trường thông tin ngày một phát triển hơn.
Kinh nghiệm nhận biết tin giả
Công ty truyền thông hàng đầu thế giới Ogilvy đã chia tin giả thành 5 loại, mỗi loại sẽ có những đặc điểm tương đối khác nhau. Mức độ tác động của các tin giả là không đồng nhất, nhưng đều sẽ có ảnh hưởng nhất định tới môi trường thông tin khi không được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả từ sớm.
Thứ nhất, là loại tin giả mang tính châm biếm, hài hước, thường xuất phát từ các mục giải trí của các tờ báo hay tạp chí. Có những trang tin lớn hoạt động hợp pháp chuyên sản xuất các loại tin tức này, như Onion hay Daily Mash. Họ nhắm tới đả kích các chính trị gia, chính sách đối ngoại hay chính ngành truyền thông. Đôi khi, những bản tin này được chia sẻ ra ngoài và sử dụng như một thông tin nghiêm túc.
Thứ hai, là loại tin giả mang tính dẫn dắt sai, dù sử dụng thông tin đúng nhưng ở sai hoàn cảnh, chọn lọc một vài thông tin để biến thành dòng tít nhưng nội dung lại không liên quan gì nhiều lắm, và tin giả này không chỉ đến từ các trang tin không rõ nguồn gốc, mà còn đến từ chính các cơ quan truyền thông chính thống. Rất nhiều chính khách, quan chức, doanh nhân, chuyên gia Việt Nam từng là nạn nhân của kiểu đưa tin giả này của báo chí, khi phát biểu của họ bị cắt xén khỏi bối cảnh khiến nó có ý nghĩa khác hoàn toàn.
Thứ ba, là kiểu đưa tin cẩu thả, dẫn tới việc thông tin chưa được xác thực trở thành thông tin chính thống. Ngày nay, phóng viên, nhà báo không nhất thiết phải đợi tin tức, bài viết của mình được xuất bản trên mặt báo, vốn phải trải qua vô vàn các công đoạn biên tập, kiểm tra thông tin khắt khe, mà có thể trực tiếp xuất bản tức thời trên mạng xã hội và được mặc nhiên thừa nhận như là tin tức từ báo chí, khiến loại tin giả này ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Thứ tư, là loại tin giả dẫn dắt sai hoàn toàn không dựa trên thực tế, nhưng hỗ trợ cho một câu chuyện, sự kiện, trào lưu đang diễn ra, phù hợp với quan điểm, ý thức hệ, niềm tin... của cơ quan truyền thông hoặc người đưa tin. Tin giả lúc này trở thành một luận điểm được khuyến khích sử dụng, trích dẫn, lan truyền, vì mục đích của nó chỉ đơn thuần là để củng cố một niềm tin có sẵn của một nhóm người đọc cụ thể và cả chính cơ quan truyền thông đó.
Thứ năm, là loại tin giả cố ý lừa đảo. Nó đơn giản nhất từ những bài viết, video với tiêu đề hấp dẫn để kích thích người đọc, người xem click vào. Thậm chí có những trang sản xuất tin giả chuyên nghiệp, được đặt tên, thiết kế đồ họa để gây hiểu lầm rằng đó là những trang tin chính thống. Rất nhiều cá nhân cũng đã bị xử lý trong thời gian qua khi lan truyền tin giả trên trang cá nhân của mình để phục vụ mục đích tăng người theo dõi để bán hàng trên mạng xã hội.
Việc tạo một trang tin và lan tỏa nó là rất dễ dàng và không quá tốn kém, mạng xã hội đã cung cấp đầy đủ các công cụ để bất kỳ một sinh viên năm nhất với vài tiếng đồng hồ thời gian rảnh rỗi mỗi ngày, có thể trở thành một nhà sản xuất tin giả chuyên nghiệp.
Phần lớn tin giả ra đời với mục tiêu kinh tế. Trên môi trường internet, sự chú ý của độc giả chính là tiền bạc, nó được đo bằng những thứ rất định lượng như số lần click, số thời gian đọc, lượt truy cập, chia sẻ,… cộng hưởng bởi các thuật toán phức tạp của mạng xã hội, nó tạo ra một ngành kinh doanh thông tin khổng lồ, nhưng lại không hề tồn tại một cơ quan quản lý thị trường thống nhất.
Đặc điểm chung của những nguồn tin giả lừa đảo này là thiếu tính đầu tư về học thuật, luận chứng sơ sài, đôi khi nguồn gốc của tin chỉ là từ một bức ảnh hoặc một thông tin từ các trang tin giả khác. Rất dễ dàng nhận biết, thậm chí truy tìm người hoặc tổ chức đứng sau, vì mối liên kết chặt chẽ giữa nguồn thông tin và lợi ích kinh tế luôn để lại những dấu vết rõ ràng qua thanh toán, quảng cáo…
Các báo, trang thông tin chính thống luôn có thông tin về cơ quan của mình, từ địa chỉ trụ sở cho tới giấy phép hoạt động, số điện thoại liên hệ… Tất cả các trang tin tự phát hoặc của tư nhân không được cấp phép, đều cần được đặt dấu hỏi về tính xác thực của thông tin.
Trên môi trường mạng xã hội, các tin tức chính thống luôn có những tiêu chuẩn rất khắt khe về nội dung, hình ảnh, nguồn thông tin, cho tới những điều rất nhỏ như bố cục, thậm chí là font chữ, họ có những người chuyên trách xử lý những công việc đó. Những trang tin sơ sài, không đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu khi nhìn bằng mắt thường, đều không thể coi là một nguồn tin khả tín.
Nhìn chung, các chế tài quản lý đóng vai trò rất quan trọng việc xử lý tin giả, và nếu đủ tính răn đe, chúng ta sẽ tạo được một môi trường thông tin lành mạnh và sạch sẽ hơn rất nhiều. Tất nhiên, việc ngăn chặn triệt để tin giả cần một nỗ lực lớn hơn đến từ tất cả các bên, bao gồm cả độc giả.
Phương pháp phòng chống
Tin giả xuất phát từ mục tiêu kinh tế, thương mại, đặc biệt là từ ngành quảng cáo thường rất dễ xử lý, bằng cách truy tận nguồn của nội dung. Bất kỳ một bức ảnh, clip lan truyền trên mạng xã hội, đều có thể dễ dàng truy tìm về nguồn phát tán đầu tiên với đầy đủ thông tin chi tiết. Bất kỳ một trang tin nào cũng có thể tìm ra người đứng sau hoặc trực tiếp vận hành.
Nhìn một cách khái quát, việc ngăn chặn hoàn toàn tin giả hình thành, phát tán và gây hại, là một nhiệm vụ gần như không thể, ngay cả khi có sự trợ giúp của các công nghệ mới, như AI, và sự chung tay của các nền tảng mạng xã hội lớn như Google, Facebook, Twitter. Rất nhiều thông tin là không thể kiểm chứng, hoặc được dẫn dắt một cách chủ quan dựa trên những thông tin có thật.
Ngay cả với những thông tin mang tính định lượng như số liệu, việc có nhiều hơn một cơ quan cung cấp nguồn thống kê, dự báo, tính toán… với kết quả khác xa nhau, là điều rất bình thường, dù là trong lĩnh vực rất hàn lâm như nghiên cứu khoa học. Một giả thiết được đưa ra gây tranh cãi, hoàn toàn có thể trở thành nguồn thông tin để xây dựng các tin giả tinh vi, và rất khó phản bác, khi ngay cả trong giới chuyên môn của lĩnh vực đó, cũng chưa thể có được một tiếng nói chung.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà công cuộc phòng chống tin giả trở nên vô vọng. Các nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp, trình tự, khoa học bằng đạo đức nghề nghiệp dựa trên tôn trọng sự thật, có kiểm tra, đối chứng, tham khảo ý kiến chuyên sâu khi xử lý thông tin có lịch sử hàng trăm năm của ngành báo chí, vẫn được chứng minh là bộ lọc hiệu quả nhất để ngăn chặn tin giả được sinh ra từ những tổ chức truyền thông chính thống.
Trong nguyên tắc kinh tế, tin giả tồn tại vì nó có thị trường tiêu thụ, chính là những người đọc, người xem, người nghe muốn tiếp nhận thông tin cập nhật và nhanh chóng, nhưng lại có rất ít thời gian để kiểm tra tính xác thực, thậm chí, không đó không phải điều họ quan tâm. Đó là tinh thần của thời đại hậu sự thật mà chúng ta phải chấp nhận.
Có một số phương pháp đơn giản mà những người có kinh nghiệm lâu năm sử dụng internet vẫn dùng để phát hiện tin giả, hoàn toàn không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi một chút kiên trì, và sự cẩn trọng để chậm lại vài phút trước khi bấm nút chia sẻ một thông tin.
Một là, kiểm tra nguồn cấp thông tin. Rất dễ dàng để biết một trang tin có chính thống, được quản lý, vận hành bởi một cơ quan có chức năng thông tin hay không bằng cách kiểm tra URL của trang web. Đối với các trang web trên mạng xã hội, cần kiểm tra nó có được xác thực bởi nền tảng đó hay không, đồng thời tìm kiếm website của nó trên trình duyệt. Một trang tin uy tín luôn có trang chủ với đầy đủ thông tin cơ quản chủ quản, giấy phép hoạt động cũng như thông tin liên hệ.
Hai là, không chỉ đọc mỗi dòng tít. Nếu dòng tít quá thu hút sự chú ý, quá sốc và mang tính kích thích tò mò, tốt nhất hãy đọc toàn bộ nội dung. Ngay cả ở các trang tin, báo chí chính thống, dòng tít thường không bao quát được toàn bộ những điều trong bài viết. Với những tít bài kèm theo cam kết tiết lộ thêm thông tin cực kỳ gây sốc trong phần đọc, thường là những trang tin giả, hoặc chứa những nội dung không có gì đặc biệt, không hoặc không thể kiểm chứng.
Ba là, kiểm tra tác giả bài viết. Có rất nhiều tác giả tự nhận là những nhân vật có chuyên môn, hoặc vị trí cao trong các cơ quan, tổ chức, là những doanh nhân thành đạt, hay người nổi tiếng, những thông tin này đều rất dễ kiểm chứng bằng vài thao tác tìm kiếm trên Google. Nếu không thể tìm được hồ sơ thông tin của tác giả được xác nhận bởi các bên uy tín, hoặc ít nhất phát hiện thông tin sai trong tiểu sử tự giới thiệu của họ, thì nhiều khả năng thông tin của họ đưa ra không đáng tin cậy cũng như chính danh tính của họ.
Bốn là, luận chứng, luận cứ và nguồn tài liệu của bài viết. Trên thực tế, số người trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, xuất bản báo chí và phụ trách phát ngôn không nhiều, nên hầu hết độc giả không có kỹ năng và hiểu quy trình, các tiêu chuẩn trong trích dẫn thông tin một cách có cơ sở khoa học trước khi một bài viết được xuất bản. Nếu một thông tin được trích dẫn từ một tài liệu của một cơ quan không khả tín, thiên kiến, hoặc bản thân chính cơ quan đó cũng không hề khẳng định như tác giả đưa ra, thì đó chính là dấu hiệu của một tin giả.
Năm là, kiểm tra ngày tháng, địa điểm của thông tin. Có nhiều thông tin, hình ảnh mô tả một sự kiện thực sự đã xảy ra, nhưng có thể đã từ rất lâu và ở một nơi hoàn toàn khác, nhưng được khai thác để dựng thành tin giả về một sự việc đang xảy ra ở hiện tại, hoặc thậm chí tạo nên một sự kiện hoàn toàn không tồn tại.
Sáu là, kiểm tra chính sự thiên kiến của cá nhân mình. Mỗi chúng ta đều có sự thiên kiến nhất định, và đôi khi môi trường internet cung cấp cho chúng ta phương tiện để tìm kiếm chính những điều mình muốn tin. Nếu không giữ được một tâm thế trung lập và công chính, cùng tinh thần phản biện, duy lý, khát khao tìm kiếm sự thật, thì bản thân chính chúng ta sẽ là những người chủ động tìm kiếm tin giả trong vô thức, vì ngay từ đầu, đó chính là những điều mà chúng ta tin.
Bảy là, tham vấn chuyên gia. Không chỉ là các chuyên gia đầu ngành vốn rất khó tiếp cận, hiện nay rất nhiều website cung cấp dịch vụ kiểm chứng thông tin rất hiệu quả, hoặc các tổ chức uy tín thường luôn sẵn lòng trả lời thắc mắc của độc giả gửi về qua email. Việc tham vấn ý kiến chuyên gia nên là lựa chọn cuối cùng khi ta vẫn không cảm thấy yên tâm dù đã kiểm tra hết các phương pháp kể trên khi tiếp nhận một thông tin gây nghi ngại.
Mạng xã hội là một kênh quan trọng nhất trong việc lan truyền tin giả, nhưng ngược lại, nó cũng cung cấp những công cụ quan trọng để kiểm chứng thông tin, đó chính là sự kết nối tri thức, nguồn lực và quỹ thời gian của hàng tỉ người. Rất nhiều trong số đó không hề ngại ngần đóng góp trong việc truy nguồn thông tin, sử dụng logic hoặc kiến thức chuyên sâu để xác nhận một thông tin là giả.
Sự ra đời của các diễn đàn, fanpage, nhóm mạng xã hội lớn lên tới hàng triệu người, được quản trị một cách công tâm, đã tạo ra các sân chơi với sức mạnh tri thức cực kỳ lớn lao. Nó mạnh tới mức, mỗi khi một tin giả được đăng tải tại đây, nó ngay lập tức bị mổ xẻ một cách tỉ mỉ nhất, các câu hỏi, nghi vấn sẽ được đặt ra ngay lập tức, sẽ có những thành viên có mắt quan sát hoặc khả năng tư duy logic tinh tường hơn chỉ ra những vấn đề, và trong hầu hết trường hợp, tin giả không thể sống sót trong một môi trường như vậy.
Tin giả vẫn sẽ tồn tại như một tất yếu của thời đại thông tin, nhưng các nỗ lực tìm ra những phương pháp hạn chế tin giả sinh ra, phát tán và gây hại, sẽ đóng vai trò như ngành y tế dự phòng của môi trường internet. Các nhà sản xuất nội dung, từ những cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông chính thống, cho tới những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chính là những nhân tố chủ động quan trọng nhất để chống lại tin giả trên môi trường mạng. Khi những tin tức chính xác, bổ ích, dễ tiếp thu và tiêu thụ tạo được một nền tảng người theo dõi đủ lớn, thì tin giả sẽ tự nó dần mất đi môi trường để tồn tại.
Việc các tờ báo, cơ quan phát thanh, truyền hình lớn tham gia mạng xã hội và thu hút đông đảo người đọc trung thành trong những năm gần đây, mặc nhiên biến những fanpage của các cơ quan này thành những trung tâm xử lý tin giả thứ cấp vô cùng quan trọng, nó tạo cho độc giả một văn hóa bình tĩnh hơn khi tiếp nhận một thông tin, có thể yên tâm chờ đợi cho tới khi các kênh này đưa ra thông tin chính thức, thay vì để tin giả lấp đầy những khoảng trống thông tin như trong thời gian trước.
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà một nền tảng giải trí trở thành nhà vô địch toàn cầu bằng cách cung cấp các đoạn video dài 15 giây. Tiêu thụ thông tin nhanh theo hướng tối ưu năng suất được coi là chuẩn mực của thương mại hoá, đặc biệt đối với nhóm khách hàng thuộc thế hệ GenZ.
Ngành truyền thông cần phải thích nghi với thực tế mới này, để không bị động, có thể đóng một vai trò chủ đạo trong đẩy lùi tin giả, và xây dựng nền văn hóa tiêu thụ thông tin năng suất nhưng chất lượng, đảm bảo được quy tắc, chuẩn mực và các đạo đức nghề nghiệp, phù hợp nhất với nhu cầu của thời đại ngày nay.
Hãy coi tin giả như những đối thủ cạnh tranh sòng phẳng, là đối tượng để giành thị phần và khách hàng của ngành truyền thông chính thống. Khi việc sản xuất, truyền tải tin giả không còn ý nghĩa về mặt kinh tế, thì khi ấy, các quy luật thị trường khách quan và nghiệt ngã, tự nó sẽ làm nốt công việc của mình./.