Tỉnh Nam Định với công tác truyền thông chính sách
Hiện tại, kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 28/8/2023 của UBND tỉnh Nam Định về tăng cường công tác TTCS trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, đem lại nhiều kết quả tích cực, rõ rệt.
Tỉnh Nam Định chú trọng công tác truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách (TTCS) là công đoạn quan trọng nhằm phổ biến, lan tỏa chính sách đến đông đảo người dân, đặc biệt là những người trong diện điều chỉnh của chính sách,... tạo tiền đề đưa chính sách vào cuộc sống.
Biết được tầm quan trọng của công tác TTCS, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Nam Định luôn ưu tiên thực hiện công tác này, biến TTCS trở thành “cầu nối” giữa người dân với chính quyền, tạo đồng thuận thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, nhằm tuyên truyền hiệu quả, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện truyền thông, các địa phương đã nỗ lực thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 28/8/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác TTCS trên địa bàn tỉnh.
Trong đó tỉnh đặc biệt chú trọng truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng TTCS cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố định hướng nội dung truyền thông; xây dựng, kết nối mạng lưới đội ngũ TTCS; người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn tỉnh.
Đồng thời, Sở cũng theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về cơ chế, chính sách, nhất là các vấn đề dư luận xã hội quan tâm và quản lý, theo dõi thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử cũng như xử lý sự cố khủng hoảng truyền thông.
Các công tác triển khai thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 28/8/2023 được diễn ra đồng bộ, bài bản, đem lại hiệu quả rõ rệt, tích cực, có tác động thực sự trong việc kết nối người dân với chính quyền, tạo đồng thuận thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Những tín hiệu đáng mừng trong công tác TTCS của tỉnh Nam Định
Sau thời gian triển khai, thực hiện kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 28/8/2023 của UBND tỉnh Nam Định, công tác TTCS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo báo cáo, 100% sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch TTCS, cập nhật, cung cấp danh sách người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; phân công cán bộ phụ trách TTCS và bước đầu bố trí nguồn lực, kinh phí cho TTCS. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin báo chí phản ánh.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng, tạo đồng thuận và triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh như: Lộ trình tắt sóng 2G của Chính phủ; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh; thực hiện các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh cũng như việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh…
Cụ thể, về chủ trương tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tăng cường hỗ trợ người dân chuyển đổi từ thiết bị dùng công nghệ sóng 2G lên thiết bị công nghệ 4G. Sở đã ban hành văn bản gửi các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan đến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời in hơn 20 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về tắt sóng 2G phát tới tận người dân. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã đăng tải hàng chục bài viết về lộ trình tắt sóng và sự nỗ lực chuẩn bị của các đơn vị viễn thông. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử các xã, phường, thị trấn và hệ thống thông tin cơ sở về chủ trương, lộ trình tắt sóng 2G; lồng ghép, đưa nội dung tuyên truyền về tắt sóng 2G và phát triển hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hạ tầng BTS vào các hội nghị nâng cao kỹ năng số cho người dân trong xây dựng nông thôn mới; huy động sự vào cuộc của các tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo 100% người đang sử dụng thiết bị chỉ có sóng 2G đều nắm được chủ trương.
Là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025, nhờ làm tốt công tác TTCS cùng với sự vào cuộc tuyên truyền bài bản của các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở, tỉnh đã phổ biến chủ trương, mục đích ý nghĩa đến từng người dân thông qua nhiều hình thức đã góp phần quan trọng tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Có được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, các đơn vị hành chính mới sau khi được sắp xếp lại vẫn đảm bảo hoạt động bình thường, hiệu lực, hiệu quả; không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Dù vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại nhưng tỉnh Nam Định quyết tâm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác TTCS, thời gian tới Nam Định đồng lòng, quyết tâm triển khai tốt nhóm giải pháp đề ra trong Kế hoạch, tăng cường công tác TTCS, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.