Cụ thể, tốc độ truy nhập Internet, tốc độ BRCĐ đạt 80,3 Mbps (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021), tốc độ tải xuống (download) BRCĐ tiếp tục tăng lên và ổn định cho thấy tốc độ truy nhập Internet BRCĐ của Việt Nam đang ở mức cao so với mặt bằng chung của thế giới (xếp thứ 44 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 69,14 Mbps).
Tốc độ truy nhập Internet BRDĐ đang ổn định, xếp thứ 45 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 30,79 Mbps.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện thuê bao BRCĐ ước đạt 20,73 triệu thuê bao (đạt 21,04 thuê bao/100 dân) tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng ổn định 0,5 - 1%/tháng; ước đến cuối năm 2022 đạt 21,7 triệu thuê bao; tương đương 22 thuê bao/100 dân; đạt kế hoạch năm 2022.
Thuê bao BRDĐ đạt 81,8 triệu (83 thuê bao/100 dân) tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu giữ tốc độ tăng trưởng trung bình 0,9% của 9 tháng đầu năm 2022 thì đến cuối năm 2022 đạt mục tiêu đặt ra.
Thuê bao di động sau một thời gian chững lại do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, đến nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế đang dần phục hồi, thuê bao di động bắt đầu chu kỳ tăng mới (0,6%/tháng). Thuê bao điện thoại cố định giảm liên tục trung bình khoảng 2%/tháng, đây là xu hướng giảm đều qua các năm.
Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone (SMP) đạt 93,7 triệu, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Thuê bao sử dụng điện thoại truyền thống (fixed phone - FP) giảm đều hàng tháng (0,3 - 0,6%/tháng), số thuê bao sử dụng SMP tăng và FP giảm đồng bộ với chủ trương tắt sóng 2G của Bộ.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tháng 9/2022 ước tính tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khả năng năm 2022 đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra là 75% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang. Để tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ này, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo doanh viễn thông tăng tốc phổ cập cáp quang tới hộ gia đình; chia địa bàn doanh nghiệp triển khai (giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ dịch vụ (churn rate).
Về thuê bao mạng di động ảo MNVO, hiện nay, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 04 doanh nghiệp MVNO tại Việt Nam, số lượng thuê bao của các nhà mạng này đang chiếm khoảng 1,3% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường. Dư địa phát triển của MVNO chính là khi chuyển đổi số được triển khai rộng rãi. Nhu cầu sử dụng dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí ngày càng tăng.
Cũng theo Bộ TT&TT, về phủ sóng điểm lõm, đến 31/8/2022 các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng được 2.143/2.212 thôn lõm sóng, số thôn còn lại 69 thôn (trong đó có 30 thôn nguồn điện không bảo đảm nên chưa thể thi công được), còn lại 39 thôn doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai.
Nếu không tính đến các thôn chưa có điện lưới hoặc nguồn điện không đảm bảo chưa thể triển khai phủ sóng được thì đến thời điểm này các doanh nghiệp viễn thông đã đạt 98,2% chương trình.
Về thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money, theo Bộ TT&TT sau 8 tháng triển khai, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 2.186.004 khách hàng, tăng 11,6% so với tháng 7/2022; trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 1.502.449 khách hàng, chiếm 69%./.